Hãy là người đầu tiên thích bài này
Khóc cười mùa kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024

Bên cạnh những doanh nghiệp “cười như được mùa” khi ghi nhận thêm hàng trăm tỷ đồng lãi sau thuế là những doanh nghiệp ngậm ngùi chứng kiến lợi nhuận “bốc hơi” vài trăm tỷ đồng, hoặc lún sâu hơn vào tình cảnh thua lỗ.

Kẻ cười…

Kết mùa kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) có lẽ là đơn vị được hưởng niềm vui lớn nhất khi sau kiểm toán, doanh thu thuần tăng thêm 155 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 637 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng thêm 691 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Điều này giúp HVN kết thúc năm 2024 với doanh thu 105.942 tỷ đồng, lãi sau thuế 7.957 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15,7% và đảo ngược ngoạn mục về lợi nhuận so với năm trước.

Kết quả này cũng giúp HVN chấm dứt chuỗi 4 năm liên tiếp lỗ sau thuế (2020 – 2023). Tuy nhiên cho đến hết năm 2024, HVN vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 33.614 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 9.344 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận khoản vay lên tới 20.482 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm.

Cùng chung tình cảnh với HVN là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC). Sau kiểm toán, doanh thu thuần năm 2024 của HBC tăng thêm 46 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng thêm 111 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương ứng lần lượt tăng 0,7% và 13%. Điều làm nên mức tăng lợi nhuận rất lớn cho HBC là sự gia tăng của biên lãi gộp và việc tăng hoàn nhập dự phòng. Theo đó, lãi gộp đã tăng 18% sau kiểm toán, còn chi phí quản lý ghi âm thêm 52 tỷ đồng. HBC lý giải việc hoàn nhập gia tăng chủ yếu xảy ra tại các công ty con như Nhà Hòa Bình (162 tỷ đồng), Hạ tầng HBI (14 tỷ đồng).

So với 2023, doanh thu của HBC giảm 15% (đạt 6.420 tỷ đồng) song lãi gộp tăng 46% (đạt 357 tỷ đồng) và lãi sau thuế lên tới 963 tỷ đồng, cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, do hậu quả của giai đoạn khủng hoảng là quá lớn, lỗ lũy kế của HBC vẫn còn tới 2.299 tỷ đồng. Điền an ủi là vốn chủ sở hữu đã tăng gấp 19 lần lên 1.747 tỷ đồng, giúp HBC có đủ điều kiện đấu thầu các dự án lớn.

Một doanh nghiệp khác cũng có được kết quả tích cực sau kiểm toán là Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) – đơn vị thành viên của Vingroup, chủ dự án trung tâm hội chợ triển lãm và khu đô thị Vinhomes Global Gate (Đông Anh, Hà Nội). Năm 2024, VEF có doanh thu tài chính 1.254 tỷ đồng, cao hơn 291 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và tăng 2,2 lần so với năm trước. Nhờ đó, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 942 tỷ đồng, tăng 244 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và tăng 2,1 lần so với năm trước. Kết quả này giúp vốn chủ sở hữu của VEF tại thời điểm kết thúc năm 2024 đạt 4.018 tỷ đồng.

…Người khóc

Không được “may mắn” như những doanh nghiệp nêu trên, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) đã chứng kiến lãi sau thuế năm 2024 “bốc hơi” 37 tỷ đồng sau kiểm toán, chỉ còn 423 tỷ đồng. Nguyên do là khoản mục lợi nhuận từ công ty liên kết giảm từ 57 tỷ đồng (trong báo cáo tự lập) xuống chỉ còn 16 tỷ đồng (sau kiểm toán), tương ứng giảm 72%. Kết quả này khiến năm 2024 của KBC trở nên buồn hơn khi ghi nhận mức giảm sâu hơn về lãi sau thuế so với năm trước (giảm tới 81%).

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường đầu tháng 3/2025, lãnh đạo KBC đặt mục tiêu rất lớn cho năm 2025, với doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.200 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 và gấp 7 lần kết quả năm 2024. Tuy nhiên, cơ sở của kế hoạch tham vọng này không lấy gì làm chắc chắn, chưa kể đến việc KBC là đơn vị thường xuyên “lỡ hẹn” với những mục tiêu kinh doanh.

Tương tự KBC, Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) cũng có mùa kiểm toán buồn khi ghi nhận sự gia tăng mạnh của chi phí quản lý, từ 353 tỷ đồng (báo cáo tự lập) lên 446 tỷ đồng (sau kiểm toán), tương đương tăng 26%. Đặc biệt là sự gia tăng của khoản lỗ khác, từ 41 tỷ đồng (báo cáo tự lập) lên tới 258 tỷ đồng (sau kiểm toán), tương đương tăng gấp 5,3 lần. Điều này khiến lãi sau thuế năm 2024 của HDG giảm tới 48,4% so với năm trước.

HDG cho biết sự gia tăng của chi phí và khoản lỗ khác là do công ty căn cứ trên tình trạng pháp lý của dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 và thực tế thu hồi công nợ, từ đó đánh giá và tạm ước tính ảnh hưởng đến tiền bán điện và ghi nhận dự phòng trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Với Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), tình hình có phần “đặc biệt” hơn, bởi trước mùa kiểm toán cả tháng trời, lãnh đạo PDR đã chủ động công bố việc điều chỉnh kết quả kinh doanh năm 2024. Theo đó, PDR đã giảm tổng doanh thu và lãi sau thuế năm 2024 về mức 1.223 tỷ đồng và 155 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 50% và giảm 70% so với báo cáo tự lập trước đó. So với năm 2023, lãi sau thuế của PDR giảm tới 77% và chỉ hoàn thành khoảng 18% kế hoạch năm.

Lãnh đạo PDR phân trần rằng thị trường bất động sản còn khó khăn, việc đầu tư của công ty vào các dự án bất động sản chưa được thuận lợi. Công ty điều chỉnh giảm doanh thu từ dự án Bắc Hà Thanh từ 1.837 tỷ đồng xuống 639 tỷ đồng, tương đương giảm 65,25% theo quyết định của HĐQT về việc thông qua chủ trương điều chỉnh doanh thu, lợi nhuận sau thuế 2024 dựa trên nguyên tắc và tinh thần cẩn trọng.

Được biết năm 2025, PDR dự kiến Bắc Hà Thanh (Iconic) và Thuận An 1 – 2 sẽ là những dự án chủ lực. Trong đó, Iconic đã tính xong tiền sử dụng đất, giai đoạn 1 của dự án đã bán hết hàng với 627 căn, hiện bắt đầu ra sổ cho từng nền; còn giai đoạn 2 dự kiến đủ điều kiện bán hàng vào giữa tháng 3/2025. Với Thuận An 1 - 2, dự án xét về kỹ thuật đã đủ điều kiện bán hàng block A1, chỉ cần hoàn thành nghĩa vụ tài chính, PDR dự kiến sẽ mở bán trước tháng 6/2025.

Đã thâm lại nhọ

“Bi thảm” hơn cả trong mùa kiểm toán 2024 là các doanh nghiệp như Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH), Danh Khôi (HNX: NRC), bởi đây là những đơn vị đang ngập ngụa trong vũng lầy khốn khó.

Như với TDH, trong báo cáo tự lập năm 2024, lỗ sau thuế được ghi nhận là 288 tỷ đồng. Nhưng sau kiểm toán, số lỗ đã tăng thêm 6%, lên tới 304 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ nặng thứ hai trong lịch sử doanh nghiệp (chỉ sau năm 2021). Nguyên do là chi phí quản lý trong năm của TDH đã tăng 5% từ 340 tỷ đồng (trong báo cáo tự lập) lên 356 tỷ đồng (sau kiểm toán) vì tăng chi phí dự phòng. Xét từ năm 2020 tới nay, TDH đã có 4 năm lỗ, chỉ trừ 2022 lãi ròng chưa đến 5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2024, công ty lỗ lũy kế 1.056 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị bào mòn chỉ còn 70 tỷ đồng.

Trung tuần tháng 2/2025, TDH đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua việc “thay máu” ban lãnh đạo, chuyển đổi trụ sở và đổi logo. Đây được xem như nỗ lực “đổi vận” cho doanh nghiệp địa ốc từng rất có tiếng tăm tại miền Nam này, sau nhiều năm khốn đốn vì bê bối thuế.

Còn với NRC, kết năm 2024, công ty này ghi nhận trong báo cáo tự lập khoản lỗ sau thuế 63 tỷ đồng. Sau kiểm toán, số lỗ tăng gấp 2,17 lần lên 137 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí quản lý (từ 58 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên 82 tỷ đồng sau kiểm toán) và ghi lỗ khác 7 tỷ đồng thay vì lãi khác 47 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. Khoản lỗ khác này đến từ việc NRC phát sinh hơn 53 tỷ đồng chi phí tổn thất dự án Bình Đăng (Saigon Metro Mall) sau kiểm toán.

Saigon Metro Mall là dự án do NRC mua từ Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 (SG5), song công trình này đang bị tạm ngưng khi SG5 chưa xin được giấy phép xây dựng phần thân dự án. Hiện NRC và SG5 đã ký biên bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng mua bán dự án.

NRC cho biết trong năm 2025, công ty sẽ thực hiện một loạt biện pháp nhằm cải thiện tình hình kinh doanh như: đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các bên cho vay và trái chủ để tái cấu trúc nợ gốc và nợ lãi đã và sẽ đến hạn trong ngắn hạn; đẩy nhanh tiến độ thu tiền từ các khoản cho vay, ký quỹ hợp đồng môi giới độc quyền, khoản gốc và lợi nhuận phân chia từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh; thanh lý hợp đồng mua bán khu thương mại thuộc dự án Saigon Metro Mall với SG5 và thu tiền để tái đầu tư và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn; đồng thời làm việc với cơ quan thuế về tiến độ nộp thuế và tháo gỡ cưỡng chế thuế; mở rộng ngành nghề kinh doanh mới đem lại lợi nhuận ngắn hạn, thoái vốn các khoản đầu tư chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, tại báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên đã nhấn mạnh các điều kiện này cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của NRC. Điều này phản ánh tình trạng khá nguy hiểm của doanh nghiệp này ở thời điểm hiện tại.

Vĩnh Chi-Link gốc

Bình luận (3)

Lúc nó sàn thế này con nào bctc xấu kiểm toán xấu lại ngon vì đâu cũng nằm sàn hết với nhau cả thôi
18:28
Quan trọng méo gì! Giờ xấu tốt như nhau cả thôi
13:05
Cổ đông chúng tôi đang ngồng. Lỗ anh hẢI ƠI ANH ĐÃ HỨA NHỮNG GÌ
11:25

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long