Hãy là người đầu tiên thích bài này
Vé máy bay tăng cao: Hãng hàng không khó khăn, doanh nghiệp dịch vụ hàng không vẫn lãi lớn

Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, bức tranh kinh doanh ngành hàng không phân hoá rõ rệt. Các hãng bay vẫn còn nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu và các chi phí cấu thành giá vốn ở mức cao. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không là điểm sáng của ngành.

Vậy các doanh nghiệp hàng không kinh doanh ra sao trong bối cảnh giá vé máy bay không ngừng tăng cao?

Bức tranh kinh doanh các hãng hàng không ảm đạm. Đồ họa: Lục Giang

Bức tranh ảm đạm tại các hãng bay

Ghi nhận kết quả kinh doanh tại các hãng bay Việt Nam cho thấy, doanh thu các doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước đã hồi phục và hành khách quốc tế cũng dần trở lại.

Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp đều trong tình trạng kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lỗ gộp. Điều này cho thấy hoạt động cốt lõi của các hãng bay vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nhiên liệu và các chi phí cấu thành giá vốn ở mức cao.

Tại Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã CK: VJC), quý 4/2023 doanh thu thuần của VJC đạt 18.797 tỉ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng bay này lỗ gộp 102 tỉ đồng trong quý cuối năm 2023. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp lỗ gộp 3.669 tỉ đồng do giá vốn lên tới 16.276 tỉ đồng trong khi doanh thu thuần chỉ ở mức 12.606 tỉ đồng.

Cả năm 2023, doanh thu thuần VJC đạt 62.535 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn năm 2023 ở mức 59.617 tỉ đồng, thấp hơn đáng kể so với doanh thu nên doanh nghiệp lãi gộp 2.917 tỉ đồng trong năm qua.

Sau khi hạch toán các chi phí, VJC báo lãi sau thuế 344 tỉ đồng năm 2023, năm trước, hãng bay này lỗ 2.261 tỉ đồng.

Còn tại Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã CK: HVN), năm 2023, Vietnam Airlines lỗ ròng 5.930 tỉ đồng. Dù tình hình chung ảm đạm nhưng bức tranh kinh doanh năm 2023 tại Vietnam Airlines đã có tín hiệu tích cực với khoản lãi gộp 3.885 tỉ đồng do giá vốn thấp hơn doanh thu 4,2%.

Tuy nhiên, do các chi phí ở mức cao, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 5.631 tỉ đồng năm 2023, giảm 50% so với số lỗ 11.223 tỉ đồng năm 2022.

Đối với CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - OTC: BAV), theo báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất năm 2022, Bamboo Airways đạt doanh thu thuần 11.732 tỉ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.

Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỉ đồng. Tương tự, năm 2021 doanh thu thuần của Bamboo Airways chỉ đạt 3.557 tỉ đồng nhưng giá vốn lên tới 7.617 tỉ đồng khiến hãng bay lỗ gộp 4.060 tỉ đồng.

Kết quả năm 2022, các chi phí tăng đột biến nên Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỉ đồng. Khoản lỗ lớn trong năm 2022 khiến Bamboo Airways lỗ lũy kế gần 19.336 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỉ đồng.

Doanh nghiệp dịch vụ hàng không vẫn bội thu

Trái ngược với các hãng bay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không vẫn bội thu.

Nổi bật nhất là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), quý 4/2023, ACV ghi nhận doanh thu thuần gần 5.048 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.584 tỉ đồng, tăng lần lượt 24% và 17% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần ACV đạt 20.036 tỉ đồng, tăng 45%; lợi nhuận sau thuế đạt 8.486 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Sự tăng trưởng lợi nhuận của ACV phần lớn đều đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không nội địa đã hồi phục, du khách quốc tế dần trở lại.

Kế tiếp phải kể đến CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã CK: AST) với doanh thu và lợi nhuận tăng ấn tượng. Trong quý 4/2023, Hàng không Taseco ghi nhận doanh thu thuần gần 290 tỉ đồng và lãi ròng 29 tỉ đồng, tăng tương ứng 34% và 64% so với cùng kỳ.

Tương tự, Công ty cổ phần Suất ăn Hàng Không Nội Bài (Mã CK: NCS) lãi đậm trong quý 4/2023 với doanh thu thuần 167 tỉ đồng và lãi ròng 16 tỉ đồng, tăng tương ứng 28% và 90% so với cùng kỳ.

Ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi như: CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã CK: SAS), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã CK: NCT), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã CK: CSC)…

LỤC GIANG

Link gốc

Bình luận (6)

HVN liệu có than " Lỗ " ?
21:18
Giá vé máy bay giờ quả thật ko còn rẻ nữa dù là ghế eco
21:29
Mã chứng khoán còn ghi nhầm thì hỏng rồi. kaka
09:52
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long