ACV có thể ghi nhận khoản lỗ khoảng 600 tỷ đồng trong quý 3/2024 do sự thay đổi tỷ giá này, dự báo cho cả năm 2024, khoản lỗ ròng do biến động tỷ giá có thể lên tới 711 tỷ đồng.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - HoSE: VDS), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang có khoản nợ vay dài hạn trị giá 63,5 tỷ Yên Nhật từ nguồn vốn ODA. Từ đó, sự tăng giá của đồng Yên gần đây có thể gây tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh (KQKD) của ACV trong nửa cuối năm 2024.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, với Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước nắm giữ hơn 95% vốn điều lệ. ACV hiện đang quản lý, đầu tư và khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ) và 13 cảng hàng không nội địa (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân).
Trong quý 3/2024, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất điều hành từ 0,1% lên 0,25%, làm đồng Yên tăng giá khoảng 11% so với tháng 7/2024. Tỷ giá hạch toán JPY/VND của Bộ Tài chính vào tháng 9/2024 đã đạt mức 164, tăng khoảng 6% so với tỷ giá tháng 6/2024.
Theo VDSC, ACV có thể ghi nhận khoản lỗ khoảng 600 tỷ đồng trong quý 3/2024 do sự thay đổi tỷ giá này. Dự báo cho cả năm 2024, khoản lỗ ròng do biến động tỷ giá có thể lên tới 711 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng giá khoảng 7% của đồng Yên so với đầu năm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, VDSC cũng cảnh báo về áp lực trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu của ACV. Cụ thể, nợ quá hạn của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (HVN) đã tăng thêm 900 tỷ đồng trong quý 2/2024, và khả năng ACV sẽ phải tiếp tục trích lập dự phòng nợ xấu đối với các khoản phải thu từ HVN. Hiện tại, tỷ lệ trích lập dự phòng đối với HVN mới chỉ đạt 13%.
Dự kiến cho nửa cuối năm 2024, ACV sẽ phải trích lập dự phòng 380 tỷ đồng, trong đó riêng khoản dự phòng liên quan đến HVN duy trì ở mức 120 tỷ đồng mỗi quý. Mặc dù Bamboo Airways không tăng tần suất bay, số tiền trích lập thêm trong hai quý gần đây đã giảm so với cùng kỳ, ước tính nửa cuối năm 2024, ACV sẽ trích lập khoảng 150 tỷ đồng với Bamboo Airways. Tổng giá trị dự phòng cho cả năm 2024 được dự kiến vào khoảng 477 tỷ đồng.
VDSC cũng cho biết, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024 của HVN đã ghi nhận lãi trở lại từ hoạt động kinh doanh, và dòng tiền CFO tương đối dồi dào. Do đó, đội ngũ phân tích cho rằng khoản dự phòng của HVN là có thể thu hồi trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với Bamboo Airways, công ty này đang gặp khó khăn tài chính và dự kiến tiếp tục lỗ trong năm 2024. Quá trình tái cơ cấu đội bay và tuyến bay để đạt được điểm hòa vốn sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, VDSC không kỳ vọng ACV có thể thu hồi được nợ từ Bamboo Airways.
Bình luận (10)
Hay ra bài tâm lý đánh lừa