Vinaconex và PC1 là 2 doanh nghiệp xây dựng hạ tầng gây ấn tượng với kết quả lợi nhuận quý III/2024 tăng bằng lần so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán DSC đánh giá 2024 sẽ là một năm phân hóa đối với các doanh nghiệp xây dựng đầu tư công. Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị.
Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023, cổ phiếu nhóm đầu tư công gần như điều chỉnh giảm điểm trong năm 2024 (tính đến phiên 1/11). Theo đó, thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, trong khi VN-Index vẫn duy trì mức tăng 11,06%, thì nhiều mã thuộc nhóm này suy giảm mạnh như C4G (-28,21%), HHV (-20,83%), LCG (-12,5%), FCN (-10,1%)… hay CTD – doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực xây dựng hạ tầng, cũng ghi nhận cổ phiếu giảm 1,31%. Trong khi đó, DPG là cái tên gây bất ngờ khi tăng mạnh 30,64%.
Nguyên nhân một phần do giải ngân đầu tư công để tăng trưởng kinh tế không đạt được kỳ vọng. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Thống kê cho thấy, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung cả nước; tuy nhiên, vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đã có mùa BCTC quý III/2024 với gam màu sáng. Theo đó, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – HOSE: VCG) là cái tên gây ấn tượng với doanh thu thuần quý III/2024 đạt 2.675 tỷ đồng, tăng 12,3% so với quý III/2023.
Đáng chú ý, nhờ biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 2,65% vào quý III/2023 lên 14,6% trong quý III/2024, từ đó giúp lợi nhuận gộp công ty đạt 392,3 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần so với thực hiện của quý 3/2023.
Trừ đi các chi phí và thuế, Vinaconex báo lãi ròng 147,5 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả này của VCG vẫn thấp hơn khoản lãi 163 tỷ đồng của quý II/2024, hay 483 tỷ đồng của quý I/2024.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 8.139 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 766 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 80,6% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 4/2024.
Tổng hợp KQKD quý III/2024 của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. (CTD công bố BCTC quý I/2025 (niên độ từ 1/7/2024 đến 30/9/2024).
Cái tên khác cũng gây ấn tượng là CTCP Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) với kết quả doanh thu đạt 2.232 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, việc tiết giảm chi phí tài chính từ 323,9 tỷ đồng quý III/2023 xuống hơn 98,2 tỷ đồng quý III/2024 (chủ yếu nhờ lỗ chênh lệch tỷ giá) đã hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận công ty. Kết thúc kỳ BCTC, lãi ròng công ty đạt 259 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của PC1 đạt 7.538 tỷ đồng và lãi ròng khoảng 578 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 521% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, PC1 đặt mục tiêu doanh thu 10.822 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 525 tỷ đồng, lần lượt tăng 39% và 73% so với năm trước. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh thu và 110% mục tiêu lợi nhuận tham vọng.
Một số công ty xây dựng hạ tầng khác duy trì kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III/2024 như LCG (73,81%), HHV (5,98%), CTD (39,64%).
Chiều ngược lại, FCN và DPG bất ngờ báo lợi nhuận “đi lùi” trong quý III/2024. Với FCN, quý III/2024 công ty này lãi ròng chỉ vỏn vẹn 29,3 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 213 triệu đồng. Còn DPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 22,2 tỷ đồng, giảm gần 28% so với quý III/2023.
Năm khó khăn của doanh nghiệp xây dựng hạ tầng
Chứng khoán DSC đánh giá 2024 sẽ là một năm phân hóa đối với các doanh nghiệp xây dựng đầu tư công, các doanh nghiệp có uy tín, năng lực thi công cao và sức khỏe tài chính ổn định sẽ là nhóm chiếm ưu thế trong việc đấu thầu các dự án đầu tư công.
Các chuyên gia DSC cũng chỉ ra một số khó khăn thách thức với doanh nghiệp trong lĩnh vực này như tình trạng thiếu hụt, biến động giá nguyên vật liệu xây dựng hay thủ tục hành chính còn chưa tinh gọn đã dần được khắc phục trong thời gian qua.
Nhóm phân tích nhìn nhận bên cạnh vấn đề chậm giải phóng mặt bằng thì việc đảm bảo hiệu quả của vốn đầu tư toàn xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng sẽ là yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới. Trong đó, hiệu quả đầu tư của Việt Nam được đánh giá là khá thấp và được thể hiện qua hệ số sử dụng vốn (ICOR) cao, duy trì trung bình ở mức 5,9 trong giai đoạn 2011-2019 cũng như năm 2022 và bị tăng đột biến do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch trong giai đoạn 2020-2021. Trong khi đó hệ số này của 1 số quốc gia phát triển tại Châu Á như Nhật Bản chỉ có 3,2 trong giai đoạn 1961-1970 hay cá biệt có Đài Loan khi quốc gia này hệ số ICOR chỉ có 2,7 trong giai đoạn 1981-1990.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến hệ số ICOR của Việt Nam còn cao vì số vốn tăng thêm có thể không phải lúc nào cũng được phân bổ cho các lĩnh vực, hoạt động và dự án tạo ra lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, DSC nhìn nhận việc liên tục nghiên cứu để cải thiện hiệu quả vốn đầu tư công nói riêng và vốn đầu tư toàn xã hội nói chung là vô cùng quan trọng, các giải pháp như tinh giảm thủ tục hành chính, đầu tư phân bổ vốn có kế hoạch, tránh đầu tư giàn trải lãng phí và dùng vốn đầu tư công làm “vốn mồi” huy động dòng vốn tư nhân, sẽ cần tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.