Hãy là người đầu tiên thích bài này
Lợi nhuận DN hàng không tăng mạnh nhưng cổ phiếu kém hấp dẫn

Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành hàng không đã phục hồi đáng kể trong năm 2023 và được dự báo tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ số lượng khách quốc tế tăng lên, trong khi chi phí nguyên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.

Ngành hàng không: Lợi nhuận phục hồi, vì sao cổ phiếu vẫn không hấp dẫn?

Lợi nhuận năm 2023 phục hồi mạnh mẽ

Năm 2023 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không trong nước và thế giới.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), tổng lượng khách qua các sân bay Việt Nam đạt 114 triệu hành khách trong năm 2023. Trong đó, lượng hành khách quốc tế phục hồi 173% so với cùng kỳ, đạt 32 triệu hành khách - tương đương 77% so với mức trước dịch Covid-19. Ngược lại, lượng hành khách nội địa giảm 6%, chỉ đạt 82 triệu hành khách.

Tuy nhiên, so với thế giới, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, ngành hàng không của Việt Nam và khu vực phục hồi có phần chậm hơn, nguyên nhân vì lượng khách du lịch từ Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn khi quốc gia này vẫn tập trung vào chính tiêu dùng nội địa.

Theo thống kê của VietnamFinance, hầu hết lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành hàng không Việt Nam đã cải thiện và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Hai hàng hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, năm 2023, Vietnam Airlines dù vẫn báo lỗ sau thuế hơn 5.516 tỷ đồng nhưng khoản lỗ đã thu hẹp một nửa so với mức lỗ hơn 11.223 tỷ đồng của năm 2022. Đây là một tín hiệu lạc quan đối với hãng bay này khi phải chịu nhiều tổn thương kể từ đại dịch Covid-19. Cùng từng ghi nhận lỗ hơn 2.261 tỷ đồng trong năm 2022, bước sang năm 2023, Vietjet đã có lãi trở lại với khoản lợi nhuận sau thuế hơn 343 tỷ đồng.

Mạnh mẽ hơn cả là “ông lớn” ACV với khoản lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.571 tỷ đồng, tăng 18,4% so với mức thực hiện năm 2022. Không chỉ quay trở lại mức lợi nhuận trước dịch Covid-19, ACV còn xô đổ mọi kỷ lục lợi nhuận của những năm trước, ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận mới trong năm 2023.

Các doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng đua nhau khoe lãi tăng trưởng trong năm 2023

Không chỉ cảng hàng không hay các hãng bay, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng đua nhau khoe lãi tăng trưởng từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với cùng kỳ.

Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS) báo lãi sau thuế năm 2023 đạt gần 294 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với mức thực hiện năm 2022. Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) đạt lợi nhuận hơn 241 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ.

Ba doanh nghiệp ngành hàng không có lợi nhuận tăng bằng lần là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS), Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST) và Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS). Cụ thể, MAS đạt lợi nhuận năm 2023 đạt 3,75 tỷ đồng, tăng gấp 2,96 lần mức thực hiện năm 2022. AST đạt lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần cùng kỳ. NCS đạt lợi nhuận 46 tỷ đồng, tăng gấp 8,7 lần cùng kỳ.

Doanh nghiệp ngành hàng không hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận sụt giảm là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Nội Bài (HoSE: NCT) với lãi sau thuế giảm 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 215 tỷ đồng. Nguyên nhân đến bị việc sản lượng hàng hoá do NCT phục vụ cũng như sản lượng hàng hoá qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố về kinh tế, địa chính trị trên thế giới.

2024 là giai đoạn cuối trong quá trình phục hồi

SSI dự báo lượng khách hàng quốc tế sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 trong quý IV/2024, trong khi lượng hành khách nội địa dự kiến sẽ đi ngang. Theo SSI, khách du lịch nội địa Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng hiện tại khi có khách đến hơn và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng các tour du lịch theo nhóm của Trung Quốc tăng mạnh và sự phục hồi kinh tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Mặc dù vậy, thu nhập từ du lịch nội địa dự kiến sẽ vẫn ở mức hiện tại, khi mức tăng trưởng sản lượng hành khách tự nhiên là 5% mỗi năm sẽ bù đắp cho hoạt động kinh tế yếu đi hơn khiến thu nhập thấp hơn.

Ngoài ra, du lịch nội địa khá nhạy cảm với yếu tố giá, do đó giá vé máy bay cao hơn có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lưu lượng đi lại của hành khách. SSI nâng giả định tổng lượng hành khách trong ngành năm 2024 lên 131 triệu hành khách (tương đương 90% mức trước Covid-19) bao gồm 82 triệu hành khách nội địa (đi ngang so với cùng kỳ) và 38 triệu hành khách quốc tế (tăng 15% so với cùng kỳ).

Với các giả định trên, SSI cho rằng năm 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành hàng không. Công suất phục vụ hành khách dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.

Cận cảnh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành

Các dự án trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 (sức chứa 25 triệu hành khách) và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (sức chứa 20 triệu hành khách), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, tạo ra động lực lớn cho năng lực hàng không và tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp dịch vụ (như AST, SGN, SCS) và các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet). ACV là doanh nghiệp đầu tư và vận hành các dự án này, do đó đây sẽ là một lợi ích về dài hạn, nhưng chi phí vốn lớn trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty trong vài năm đầu.

Năm 2024, SSI dự báo lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp trong ngành sẽ được cải thiện nhờ số lượng hành khách quốc tế tăng lên, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.

Theo đó, sự phục hồi của ngành hàng không năm 2023 diễn ra rất mạnh trên trường quốc tế nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch Covid-19. Điều này khiến ngành hàng không khu vực rơi vào tình trạng dư cung và rơi vào tình trạng khó khăn khi giá vé máy bay thấp trong khi chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao, ảnh hưởng kém tích cực đến lợi nhuận của các hãng hàng không.

Trong năm 2024, SSI kỳ vọng rằng tình trạng này sẽ giảm dần vì năng lực quốc tế sẽ dần được tăng cường cho đến năm 2024. Thị trường hàng không khu vực được dự báo sẽ trở về trạng thái cân bằng cung cầu hơn, cải thiện giá vé máy bay, biên lợi nhuận và lợi nhuận cho các hãng hàng không (như Vietnam Airlines, Vietjet) lên mức bình thường hơn nhưng vẫn còn xa so với mức trước dịch Covid-19 vào năm 2024.

Đối với Vietnam Airlines và Bamboo Airways, những khó khăn do Covid-19 còn để lại (chi phí lãi vay cao, âm vốn chủ lũy kế…) sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của các hãng hàng không này, nhường chỗ cho các doanh nghiệp mạnh hơn mở rộng thị phần như VJC.

Đối với doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ bay (như ACV, AST), hành khách quốc tế có thể sẽ là nguồn sinh lời chính do doanh thu trung bình từ khách quốc tế cao hơn nhiều so với khách nội địa. SSI dự báo lợi nhuận của những doanh nghiệp này sẽ quay trở lại mức trước dịch Covid-19 vào cuối năm 2024.

Ngoài ra, một động lực khác của ngành hàng không theo SSI là đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2015 về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cho phép các doanh nghiệp có hơn 50% vốn nhà nước có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cũng như cho phép thoái vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ và có lỗ lũy kế.

Theo SSI, các thay đổi này là điểm tích cực cho ngành hàng không, cho phép các doanh nghiệp có vốn nhà nước như ACV có thể chủ động tăng vốn điều lệ thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại để tài trợ cho các dự án mở rộng sân bay lớn và gia tăng công suất cho toàn ngành.

Vietnam Airlines đang sở hữu 99% vốn Pacific Airlines

Ngoài ra, thay đổi này cũng cho phép các doanh nghiệp như Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại hãng hàng không Pacific Airlines đang găp khó khăn (Vietnam Airlines sở hữu 99% vốn), là một phần quan trọng trong phương án tái cấu trúc của hãng hàng không này. SSI kì vọng việc sửa đổi luật này có thể được thông qua và có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024.

Giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu hàng không

Theo SSI, cổ phiếu ngành hàng không ghi nhận mức giảm 18% trong năm 2023, chủ yếu do cổ phiếu ACV có diễn biến kém tích cực (ACV chiếm 58% vốn hóa của ngành). Diễn biến ngành kém tích cực hơn so với chỉ số VN-Index (tăng 12% so với năm 2022).

Cổ phiếu có diễn biến giá tích cực nhất là SGN (tăng 20%) nhờ lợi nhuận và sản lượng hành khách quốc tế phục hồi mạnh. Cổ phiếu ghi nhận mức giảm điểm nhiều nhất trong ngành là ACV (giảm 25%), do lượng hành khách đến từ Trung Quốc phục hồi kém hơn dự kiến và chu kỳ vốn đầu tư lớn khiến triển vọng lợi nhuận thấp hơn trong vài năm đầu. Trong khi VJC đi ngang trong năm thì HVN cũng ghi nhận mức giảm 12% và AST giảm 11% ngay cả khi các yếu tố cơ bản được cải thiện.

SSI cho rằng mức định giá của các doanh nghiệp hàng không đang khá cao so với khả năng sinh lời thấp. Với mức định giá hiện tại, các doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ sân bay (như ACV, AST) được coi là hợp lý hơn, vì mức đóng góp kém tích cực của du lịch Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đang ở mức thấp. Tuy nhiên, hạn chế của các cổ phiếu này là tính thanh khoản thấp, nên ít hấp dẫn với nhà đầu tư. SSI giữ quan điểm giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu ngành hàng không.

Hải Đường

Bình luận (1)

nó gom chứ sao, để ra bctc thì mấy con giời lại đu vào
15:58

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long