Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang đến nhiều cơ hội, kỳ vọng cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh). Theo đó, dự án được thực hiện ở Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP HCM với quy mô khoảng 571ha, vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án được xác định là xây dựng và phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm dịch vụ liên quan khai thác cảng container, cảng biển và những dịch vụ khác. UBND TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng giao xác định sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Về quy mô, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 571ha. Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng được giao chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
Theo quyết định đầu tư, thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Nghị quyết 98.
Về điều kiện đối với dự án và nhà đầu tư thực hiện dự án, Thủ tướng yêu cầu chỉ thực hiện sau khi dự án đã phù hợp quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, cũng như quy định liên quan khác.
Đồng thời, hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 5 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP.Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, nếu phát sinh những vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cần có sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và những cơ quan liên quan.
Quá trình khảo sát, thi công và hoạt động dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mà phát hiện di vật, cổ vật, phải báo ngay cho ngành văn hóa và chính quyền địa phương để có phương án xử lý theo quy định.
Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 5 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhận định cảng Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xây dựng cảng từ năm 2024 - 2026, mục tiêu sớm khởi công dự án từ 2025 để đưa vào khai thác cảng từ năm 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên khoảng 2,1 triệu TEU.
Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất tham gia bởi Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, thành viên Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam - VIMC và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL, đơn vị thành viên của hãng tàu biển Mediterranean Shipping Company – MSC. Tập đoàn MSC là một trong những hãng tàu container hàng đầu thế giới.
Với đội tàu có khả năng chuyên chở hơn 23 triệu TEUs mỗi năm, MSC hiện chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu toàn cầu, kết nối tới hơn 500 cảng biển trên khắp thế giới, Tập đoàn này đề xuất đầu tư vào "siêu" dự án này với mong muốn đẩy nhanh tiến độ để đón đầu xu thế vận tải biển.
Tại Việt Nam, MSC đã thiết lập các tuyến dịch vụ tại các cảng container lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải. Mỗi năm, đội tàu của MSC vận chuyển hơn 1 triệu TEUs hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam, kết nối với các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, và Đông Nam Á. MSC cũng đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới nội Á của mình, đồng thời xây dựng một trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam (VIMC) đề nghị, TP Hồ Chí Minh sớm chỉ đạo các giải pháp, bảo đảm vấn đề giao đất cho dự án theo đúng tiến độ ở từng giai đoạn. Đồng thời xây dựng, công bố rõ các tiêu chí, điều kiện trong thu hút đầu tư cũng như những vấn đề mà nhà đầu tư cần phải cam kết.
Chuyên gia đánh giá, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vai trò là cảng trung chuyển cùng với hệ thống cảng hiện hữu tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giúp giảm chi phí logistics, chi phí vận tải thông qua tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh và xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên trường thế giới.
Đặc biệt, chuyên gia cũng lưu ý, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng phải đặt trong bối cảnh kết nối với cả khu vực rộng lớn này. Nói như ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: “Cần nhìn nhận Cần Giờ như một thực thể gắn liền với Cái Mép, tạo thành cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ cho vùng Đông Nam Bộ. Do đó, nếu sớm được triển khai sẽ tạo đột phá không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cả vùng Đông Nam Bộ bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. Cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ mặc dù về hành chính thuộc hai địa phương quản lý, nhưng về mặt địa lý tự nhiên thì đây là hai bờ của con sông Cái Mép. Cần có sự phối hợp giữa hai địa phương dưới sự điều hòa, hỗ trợ chung của Chính phủ”.
Bình luận (11)