CII sẽ đầu tư mạnh để đón đầu “thời kỳ vàng” phát triển hạ tầng đất nước. Doanh nghiệp đang xúc tiến dự án mở rộng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Khác với khung cảnh chờ đợi cổ đông check in cho đủ điều kiện như các kỳ đại hội gần nhất, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay được bắt đầu từ sớm với tỷ lệ tham gia của cổ đông (cả có mặt tại đại hội và đăng ký tham gia trên website) chiếm tỷ lệ 53,72% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Quang cảnh đại hội CII. Nguồn: Q.Đ
Vì sao lợi nhuận đi xuống 2025 và 2026?
Báo cáo tại đại hội, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc cho biết mục tiêu kinh doanh năm nay gồm tổng doanh thu 3.888 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 335 tỷ đồng, giảm 10% và 37% so với thực hiện 2024. Trong đó, doanh nghiệp kỳ vọng mảng doanh thu thu phí tiếp tục tăng 6% so với năm trước nhưng mảng bất động sản hụt thu do dự án đang trong quá trình đầu tư.
Theo ông Bình, CII đang trong quá trình kiến nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với doanh nghiệp dự án BOT trong lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS). Bởi phương pháp hạch toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) chưa phản ánh hết giá trị nội tại của doanh nghiệp, giá trị tài sản và tiềm năng sinh lợi làm lợi nhuận công ty đi xuống 2025 và 2026.
CII lấy ví dụ như dự án bất động sản, theo chuẩn mực VAS, chỉ được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi dự án hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Điều này dẫn đến biến động doanh thu, lợi nhuận trên báo cáo tài chính, tăng mạnh vào thời điểm bàn giao nhưng trước đó không thể hiện được giá trị tích lũy. Với cách hạch toán này, CII chưa thể ghi nhận lợi nhuận từ các dự án bất động sản trong năm nay cũng như năm sau do đang giai đoạn triển khai.
“Cách hạch toán lợi nhuận hiện tại thể hiện sự bất cập và nghịch lý, trong mười mấy năm triển khai dự án bất động sản, doanh nghiệp bỏ ra chi phí nhưng chưa được tính thu đồng nào mà chỉ được ghi nhận vào thời điểm kết thúc”, ông Bình nói.
Đặc biệt, đặc thù của CII chuyên đầu tư các dự án BOT. Đặc điểm các dự án BOT có tổng đầu tư lớn, vốn vay cao và doanh thu tăng theo thời gian (nhờ mức phí điều chỉnh tăng và lưu lượng xe tăng). Do vậy, công ty thường ghi nhận lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ lớn thời gian đầu do chi phí lãi vay cao nhưng những năm cuối vòng đời dự án lãi lớn nhờ lưu lượng xe tăng và nợ về 0.
Ông Bình nói rằng “đây là nghịch lý trong hạch toán dự án BOT, nếu CII càng đầu tư nhiều dự án BOT thì càng lỗ lớn, mà đây là lỗ giả do gánh nặng chi phí lãi vay các năm đầu. Các năm cuối cùng lãi lớn nhưng lãi giả bởi đã thu hồi vốn, chi phí lãi vay về 0, chẳng qua là lợi nhuận các năm trước dồn về”.
Hay CII đang sở hữu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII (mã: LGC) với giá giao dịch khoảng 60.000 đồng/cp nhưng vẫn chỉ được ghi nhận giá vốn 12.210 đồng/cp. Nếu định giá theo thực tế thì lợi nhuận có thể tăng cao. Tương tự với quỹ đất của công ty cũng đang được ghi nhận theo giá vốn trong khi giá thị trường đã tăng đáng kể.
Để khắc phục một phần những vấn đề trên, CII kiến nghị sau khi lập BCTC theo phương pháp phân bổ doanh thu/chi phí thực tế vào cuối mỗi năm tài chính thì doanh nghiệp dự án BOT sẽ xác định lại giá trị còn lại được thu hồi ước tính từ dự án BOT (theo phương pháp chiết khấu dòng tiền) cho các năm thu phí còn lại của dự án. Qua đó, phần chênh lệch khi đánh giá lại sẽ được phân bổ vào thu nhập hoặc chi phí tiềm tàng trên báo cáo tài chính.
Ông Lê Quốc Bình (trái) và ông Lê Vũ Hoàng trả lời cổ đông. Nguồn: Q.Đ
Duy trì cổ tức tiền mặt 3 năm liên tiếp
Năm ngoái, doanh nghiệp báo cáo tổng doanh thu 4.328 tỷ đồng, giảm 8%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 535 tỷ đồng, tăng 36%. Doanh thu thu phí tăng 52% đạt 2.560 tỷ đồng nhưng bất động sản giảm 71% xuống 325 tỷ đồng (do chỉ ghi nhận từ dự án đã được bàn giao từ các năm trước). Ngoài ra, doanh nghiệp có thêm doanh thu tài chính 1.133 tỷ đồng nhờ hợp nhất dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Trong năm 2024, CII đã chi 368 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 12% cho cổ đông. HĐQT trình duy trì mức chia cổ tức tiền mặt này cho năm 2024 và 2025.
Ngoài ra, công ty có phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 14% được thông qua từ 2022 nhưng chưa thực hiện. Đến nay, do vốn điều lệ đã tăng mạnh từ 2.833 tỷ đồng lên 5.480 tỷ đồng nên CII điều chỉnh số lượng phát hành tăng từ 33,9 triệu đơn vị lên 76,9 triệu đơn vị. Qua đó, vốn điều lệ thay vì tăng lên 3.172,6 tỷ thì tăng lên 6.264 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm nay sau khi được UBCKNN thông báo nhận được tài liệu báo cáo phát hành.
Lợi nhuận 2025 khoảng 335 tỷ nhưng kế hoạch chia cổ tức 12% trên vốn 5.480 tỷ, cổ đông đặt câu hỏi về nguồn tiền đâu để chia và tính khả thi của kế hoạch. Ông Lê Quốc Bình lý giải hiện nay lợi nhuận chưa phân phối của CII còn 1.700 tỷ đồng, khi chia cổ tức dựa trên lợi nhuận chưa phân phối chứ không dựa trên lợi nhuận sau thuế. Do vậy, công ty vẫn phấn đấu chia tỷ lệ 12% được.
Liên quan đến việc Mỹ đánh thuế đối ứng, Tổng Giám đốc CII nhận định nếu Việt Nam bị đánh thuế 46% thì chắc chắn CII bị ảnh hưởng nhưng quan trọng là mức độ thế nào. Thứ nhất, CII không vay nợ USD, giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Từ cuối 2022 đầu năm 2023, HĐQT đã xác định không huy động vốn ngoại tệ nữa, vì 100% thu là nội tệ nên đã dừng.
Thứ 2, 95% tổng tài sản CII đầu tư hạ tầng, bất động sản đầu tư hướng tới phân khúc vừa tầm. Dù thuế tăng thì con người vẫn di chuyển, doanh số thu phí không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, một rủi ro lớn là lãi suất. Thị trường có nhiều yếu tố đột ngột, CII vay nợ lớn nên đây là rủi ro đáng lưu tâm. Tuy nhiên, HĐQT đã có ứng phó hy vọng doanh nghiệp qua được cơn bão thuế.
Đối với việc sáp nhập tỉnh thành, lãnh đạo CII kỳ vọng tạo cơ hội tốt hơn cho CII trong triển khai thủ tục pháp lý thực hiện dự án.
Tại đại hội, cổ đông rất quan tâm đến chuyển động của các dự án bất động sản tại Thủ Thiêm, ông Bình cho biết doanh nghiệp còn 5 lô đất. Các dự án đang vướng mắc ở khâu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. “Với chuyển động hiện nay, CII rất tràn trề hy vọng các dự án Thủ Thiêm được gỡ vướng năm nay”.
Đầu tư lớn đón đầu “thời kỳ vàng” phát triển hạ tầng đất nước
Ban lãnh đạo CII đánh giá giai đoạn 2025 – 2035 là “thời kỳ vàng” cho phát triển hạ tầng, khi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế và nhu cầu hạ tầng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. CII đứng trước cơ hội đầu tư các dự án có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.
CII cùng các đối tác đã nghiên cứu dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư 39.800 tỷ đồng, gấp 1,8 lần quy mô BOT hiện hữu của CII. Hiện nay, dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai.
Ông Bình cho biết các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, VPBank và TPBank đánh giá cao năng lực tài chính của CII và tiềm năng dự án, thể hiện qua việc chấp thuận tài trợ vốn 44.600 tỷ đồng, vượt 54% so với nhu cầu vốn cần thiết.
Ngoài ra, CII đang nghiên cứu dự án đường trên cao dọc Quốc lộ 51 tổng đầu tư 14.000 tỷ đồng, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh tổng vốn 216.000 tỷ đồng…
Bình luận (20)





