Hãy là người đầu tiên thích bài này
CII: Áp lực thu xếp vốn đè nặng lên CII

Chủ trương phát triển hạ tầng mang đến cơ hội đầu tư rất lớn cho CII. Song, áp lực thu xếp vốn không nhỏ khi quy mô dự án lên đến hàng tỷ USD.

Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Nguồn: CII

Cơ hội đầu tư hàng tỷ USD

Theo báo cáo thường niên 2024, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã: CII) đánh giá năm 2025 không chỉ là một năm đầy thách thức mà còn mang ý nghĩa bản lề đối với CII. Công ty đứng trước cơ hội chưa từng có để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông với quy mô hàng tỷ USD.

Cụ thể, công ty đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham gia đấu thầu và phát triển 3 dự án trọng điểm. Đầu tiên, dự án mở rộng cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận tổng mức đầu tư lên đến 39.800 tỷ đồng, thời gian triển khai 2026 - 2028. Dự án được CII và các đối tác nghiên cứu từ 2024, trong đó nhóm CII đóng góp 55%. Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho dự án.

Thứ 2, dự án xây dựng đường trên cao dọc Quốc lộ 51 quy mô 14.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng 2026 – 2028. CII đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai từ cuối 2024 do vận tải hàng hóa và hành khách trên hành lang TP. HCM – Vũng Tàu phụ thuộc chủ yếu vào Quốc lộ  51, nhiều đoạn đường quá tải, thường xuyên ùn tắc, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động áp lực sẽ càng gia tăng. Dự án kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, đặc biệt là tại các nút giao thông trọng điểm như ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11.

Cuối cùng, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh (TOD Hàng Xanh) quy mô 216.000 tỷ đồng, thời gian đầu tư từ 2026 – 2028. Vào tháng 3/2025, CII đã ký với Arup – tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới – để lập quy hoạch ý tưởng của dự án.

Tổng đầu tư của 3 dự án trên lên đến 269.800 tỷ đồng (~ 10,8 tỷ USD). Ở các dự án này, CII xác định cơ cấu vốn chủ sở hữu tối thiểu/vốn vay là 15%/85% hoặc 10%/90%.

Không chỉ vậy, lãnh đạo CII đánh giá Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông. Công ty đang nghiên cứu một số dự án quan trọng khu vực Đông Nam và Tây Bắc của TP. HCM – những khu vực cửa ngõ có lưu lượng giao thông dày đặc, thường xuyên xuất hiện các điểm thắt cổ chai gây ùn tắc. Nổi bật là dự án mở rộng trục đường Bắc – Nam từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao Cầu Bà Chiêm và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc Lộ 22. Song, tiến độ dự án này phụ thuộc vào thủ tục pháp lý của cơ quan Nhà nước, CII xem các dự án này là tiềm năng, tiếp tục theo dõi và hợp tác với cơ quan Nhà nước để tìm cơ hội đầu tư.

Bên cạnh đầu tư hạ tầng, CII còn đầu tư lĩnh vực bất động sản. Nhờ tham gia những dự án BT ( xây dựng – chuyển giao) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, CII có được quỹ đất sạch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm hay quận Bình Thạnh, thông qua công ty con để thực hiện gồm Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm và Công ty TNHH Đầu tư Cao ốc Điện Biên Phủ. Đồng thời, trong năm 2024, doanh nghiệp đã nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) từ 49,54% lên 63,05%, thành công ty con.

Theo đó, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, CII còn 5 dự án với tổng diện tích hơn 50.000 m2 ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Còn công ty con – NBB có 4 dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư; riêng dự án khu căn hộ cao tầng NBB Garden III đã hoàn thành công tác đền bù, được UBNN TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư. CII ước tính dự án này có tổng mức đầu tư 4.478 tỷ đồng, tung ra thị trường 2.100 sản phẩm căn hộ, nhà liền kề, shophouse…

Áp lực thu xếp vốn

Phải nhìn nhận, cơ hội đầu tư đi kèm với thách thức. CII cho rằng nếu thực hiện được các dự án trên sẽ thay đổi hoàn toàn vị thế của CII từ quy mô tài sản, danh tiếng trên thị trường đến hệ số tín nhiệm trong mắt các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, quy mô lớn cũng đồng nghĩa với thách thức trong công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là thu xếp nguồn vốn.

Theo BCTC kiểm toán 2024, doanh nghiệp cầu đường có tổng tài sản 36.671 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả 27.547 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Riêng nợ vay 20.346 tỷ đồng, gấp 4,6 lần vốn điều lệ (mới tăng đầu năm sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu).

Với doanh nghiệp cầu đường, tỷ lệ nợ vay trên vốn điều lệ gấp 4,6 lần của CII khá an toàn so với thông thường gấp 8 đến 9 lần. Dù vậy, đây cũng là một gánh nặng lớn, chi phí lãi vay luôn là khoản chi lớn nhất trong các chi phí hoạt động của công ty, 2 năm gần đây nằm ở mức 1.300 tỷ đồng bào mòn đáng kể lợi nhuận.

Đây là vấn đề khiến lãnh đạo CII trăn trở. Nhắc đến CII là giới đầu tư nhớ đến các khoản nợ với nhiều sản phẩm tài chính như trái phiếu thường, trái phiếu chuyển đổi… Vào giai đoạn 2020 – 2021, CII thậm chí muốn tham gia vào lĩnh vực fintech, thực hiện chứng khoán hóa dòng tiền từ dự án BOT gọi vốn từ cộng đồng. Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII kỳ vọng giải pháp này sẽ giúp công ty huy động nguồn tiền nhàn rỗi với chi phí vốn hợp lý, qua đó giảm gánh nặng từ các khoản vay tín dụng trong nước. Nhưng dự án đã khép lại và không còn được nhắc đến nữa.

CII cho biết ý thức được nhu cầu vốn, ngay từ đầu năm 2025, công ty đã nỗ lực và đạt được một bước tiến quan trọng khi được các ngân hàng lớn chấp thuận chủ trương cấp tín dụng với tổng giá trị lên đến 44.600 tỷ đồng cho dự án mở rộng cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.

Bên cạnh vốn vay thì để có khả năng thực hiện các dự án quy mô lên đến chục tỷ USD như trên, CII cần tăng vốn chủ lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng, gấp đôi hiện tại. Không giống nhiều đơn vị trên sàn khác trực tiếp phát hành cổ phiếu huy động vốn từ cổ đông, CII có chủ trương phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu. Trong năm 2024, doanh nghiệp đã huy động thành công 2.800 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi. Đến đầu năm 2025, doanh nghiệp tiến hành phát hành 228,2 triệu cổ phiếu để chuyển đổi cho các trái chủ có nhu cầu, vốn điều lệ tăng vọt từ 3.198 tỷ đồng lên 5.480 tỷ đồng.

Ngoài ra, CII còn 2 gói trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng, giá chuyển đổi 12.500 đồng/cp. Nếu thực hiện thành công cả 2 gói và trái chủ tiến hành chuyển đổi, CII có thể tăng vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ đồng nữa, tức lên hơn 9.000 tỷ đồng.

Mặt khác, từ năm 2024, khi thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi, ban lãnh đạo CII cho biết cố gắng duy trì trả cổ tức đều đặn 4% vào đầu mỗi quý, tương đương 16%/năm. Song, với nhu cầu vốn lớn hiện nay và việc tăng vốn điều lệ mạnh, áp lực thu xếp được nguồn tiền để duy trì chính sách cổ tức có lẽ là bài toán khó cho doanh nghiệp. Trong kỳ chi trả cổ tức quý IV/2024 (tháng 10/2024), doanh nghiệp đã phải dời đến đầu 2025 do tập trung nguồn vốn đầu tư dự án và thanh toán trái phiếu đến hạn.

Mỹ Hà-Link gốc

Bình luận (11)

Bán trái phiếu chuyển đổi tiếp, dễ mà.
15:57
 1
Ng ta huy đông trái phiếu nợ để làm dự án . ng ko biết sẽ kêu rút tiền . Vâng tư duy sao thì tầm ở đó
15:59
 1
16:15

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long