Nhận định thị trường năng lượng thế giới biến động mạnh, hai ông lớn ngành xăng dầu Việt là PVOIL và Petrolimex đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh hết sức thận trọng trong năm 2025.
Các doanh nghiệp ngành xăng dầu như Petrolimex và PVOIL trình đại hội cổ đông các phương án doanh thu và lợi nhuận năm nay thấp hơn năm 2024 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông năm 2025, hé lộ nhiều chỉ tiêu kinh doanh và tài chính. Năm 2024, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất công ty mẹ là 188.000 tỉ đồng, song kết quả thực hiện là 284.028 tỉ đồng, tăng đến 151%.
Năm qua, Petrolimex ghi nhận 3.960 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 137% so với kế hoạch và lãi ròng hơn 3.161 tỉ đồng. Bước sang năm 2025, ông lớn ngành xăng dầu này đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng tối thiểu 8%, song doanh thu chỉ ở ngưỡng 248.000 tỉ đồng, chỉ bằng 87% so với con số đã đạt được năm ngoái và lãi trước thuế 3.200 tỉ đồng, giảm 19% so với năm 2024.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Petrolimex dự kiến trình cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2025 với tỉ lệ 10% bằng tiền mặt.
Trong khi đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, UPCoM: OIL) cũng vừa trải qua một năm kinh doanh thành công khi doanh thu hợp nhất đạt kỷ lục hơn 125.000 tỉ đồng, hoàn thành 151% kế hoạch và tăng trưởng 21% so với cùng kỳ, đánh dấu tăng trưởng liên tục hai con số trong suốt 3 năm qua.
Đáng chú ý, doanh thu từ mảng kinh doanh dầu quốc tế của PVOIL Singapore đạt 30.700 tỉ đồng, đóng góp 24,5% doanh thu. Doanh nghiệp này đạt 633 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi ròng 474 tỉ đồng và nộp ngân sách hợp nhất cả năm đạt 10.310 tỉ đồng.
Năm nay, PVOIL cho hay đơn vị này sẽ quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam giao, tương ứng với mức tăng trưởng 8% là mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 137.000 tỉ đồng trong năm 2025.
Tuy vậy, doanh nghiệp này sẽ trình đại hội mục tiêu doanh thu hợp nhất trong năm 2025 là 97.500 tỉ đồng, chỉ bằng 78% so với doanh thu đã đạt được năm ngoái, kéo theo lợi nhuận trước thuế cũng ở mức 780 tỉ đồng (tăng 123%) và lãi ròng 624 tỉ đồng (tăng 132%) và dự kiến nộp ngân sách 8.140 tỉ đồng.
Nhiều áp lực về bài toán kinh doanh ngành xăng dầu
Theo các doanh nghiệp, thị trường năng lượng thế giới đang biến động mạnh khi giá dầu thô Brent trên thị trường quốc tế trung bình 75,66 USD/thùng trong quý 1-2025, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2024 và tiếp tục giảm trong nửa đầu tháng 4, ở mức 68,93 USD/thùng.
Theo PVOIL, việc dư cung dầu toàn cầu kết hợp với các điều chỉnh chính sách năng lượng và chính sách thuế từ các quốc gia lớn khiến thị trường thiếu ổn định. Với thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm theo diễn biến giá thế giới, tạo áp lực lớn đến biên lợi nhuận và doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
PVOIL cho hay trong bối cảnh dư địa phát triển không còn nhiều và môi trường kinh doanh vô cùng khó khăn như hiện nay, chỉ tiêu doanh thu tiếp tục tăng trưởng 8% trong năm 2025 sẽ là một thách thức vô cùng to lớn đối với doanh nghiệp này.
NGỌC HIỂN
Bình luận (4)





