Hãy là người đầu tiên thích bài này
TMT: Cổ phiếu nhà phân phối xe điện Wuling Mini bỗng đắt hàng

Cổ phiếu TMT của TMT Motors ghi nhận thanh khoản tăng đột biến với lực mua chủ động áp đảo. Đến phiên 31/12, cổ phiếu này đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp.

TMT Motors là nhà phân phối mẫu xe điện Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam. Ảnh: TMT.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, cổ phiếu TMT của CTCP Ôtô TMT (TMT Motors) nhanh chóng tăng kịch biên độ lên mốc 9.840 đồng/cổ phiếu. Nếu duy trì được động lực đến hết phiên hôm nay, mã chứng khoán này sẽ thiết lập chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp.

TMT vốn là cổ phiếu có thanh khoản tương đối thấp, chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi phiên. Tuy nhiên trong 5 ngày giao dịch vừa qua, cổ phiếu TMT chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh tăng đột biến lên vài tỷ đồng/phiên.

Trước đó, cổ phiếu TMT đã dành 4 tháng đi ngang quanh vùng giá thấp nhất 3 năm. Dù tăng mạnh hơn 40% trong 5 phiên gần đây, thị giá TMT hiện vẫn thấp hơn 40% so với đầu năm.

TMT Motors là doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp xe gắn máy và ôtô tải với các dòng sản phẩm làm nên tên tuổi như xe tải Cửu Long, Tata, Howo, DFSK, TMT.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt chiến lược phát triển trung và dài hạn trong lĩnh vực ôtô điện, chọn phân khúc xe nhỏ giá rẻ với mẫu Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam.

Doanh nghiệp hợp tác với SAIC GM Wuling Automobile và xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện theo tiêu chuẩn toàn cầu của GM tại Hưng Yên, năng lực sản xuất ban đầu 30.000 xe/năm.

Chỉ hơn một năm sau khi tham gia vào thị trường xe điện, TMT Motors đã đưa những chiếc ôtô điện mini đến tay khách hàng.

Dù bắt đầu phân phối chưa lâu, mẫu xe Wuiling HongGuang đã vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ cùng phân khúc là VinFast VF 3. Hồi tháng 8, doanh nghiệp đã phải hạ giá bán các phiên bản 120 km và 170 km của Wuling MiniEV về mức lần lượt là 197 triệu và 231 triệu đồng.

Đáng chú ý, diễn biến giá cổ phiếu kể trên của TMT Motors lại trái ngược hoàn toàn với kết quả kinh doanh của nhà sản xuất này. Trong quý III vừa qua, TMT Motors ghi nhận hơn 352 tỷ đồng doanh thu, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, TMT lỗ gộp gần 42 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, TMT Motors lỗ sau thuế 93 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp. Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận sau thuế của TMT đã âm hơn 191 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo giải trình, công ty cho biết việc kinh doanh thua lỗ có nguyên nhân khách quan đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản, rủi ro lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi công nghệ khiến lượng tiêu thụ ôtô giảm sút.

Bên cạnh đó, tình trạng chi phí tài chính tại TMT quá cao và hàng tồn kho lớn khiến công ty phát sinh thêm nhiều chi phí.

HĐQT TMT cũng mạnh tay chi cho hoạt động bán hàng để cắt lỗ chuẩn bị cho chu kỳ hoạt động kinh doanh mới, đồng thời triển khai tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp bao gồm tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc lại nhà cung cấp, và tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2025, TMT Motors đặt kế hoạch kinh doanh tương đối tham vọng với doanh thu thuần 3.185 tỷ đồng và lãi sau thuế 173 tỷ đồng, cả 2 chỉ tiêu đều là mức cao kỷ lục.

Minh Khánh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long