Mặt hàng xăng sinh học E5 được tiêu thụ trên thị trường ngày càng giảm mạnh khi người bán thua lỗ trong khi người tiêu dùng không mặn mà.
Cây xăng của Petrolimex duy trì bán xăng E5RON92 với số lượng rất ít cột bơm, còn lại là cột bơm xăng RON95 - Ảnh: NGỌC AN
Theo các doanh nghiệp, cần có chính sách giá hấp dẫn hơn và nâng chất lượng sản phẩm này mới khuyến khích người dân tiêu thụ.
Bộ Công Thương vừa có chỉ thị đẩy mạnh các giải pháp để tiêu thụ nhiên liệu sinh học, đặc biệt là mặt hàng xăng E5RON92, khi nhìn nhận việc sử dụng nhiên liệu này "chưa đạt như mong muốn".
Bộ yêu cầu các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp cần "nghiêm túc" triển khai các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này.
Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu không còn cung cấp mặt hàng xăng sinh học, nếu có cũng chỉ duy trì một số lượng rất ít trụ bơm.
Giám đốc một thương nhân phân phối xăng dầu tại TP.HCM cho hay chỉ còn một cây xăng quy mô lớn duy trì một cột bơm xăng sinh học E5RON92 nhưng lượng tiêu thụ thấp, xăng tồn trữ dài ngày và chi phí cao nên không hiệu quả.
"Lượng tiêu thụ rất ít, mỗi ngày chỉ 50 - 100 lít, nhưng phải đầu tư bồn bể riêng, xe vận chuyển riêng, người bán hàng. Hàng để lâu và lưu thông chậm bị bay hơi hay bị ứ đọng như sình lầy, thậm chí bị 'thối".
Người tiêu dùng cũng không mặn mà sử dụng mặt hàng này, trừ một số bác xe ôm, những người nghèo "bí lắm mới đổ". Thua lỗ thường xuyên, chúng tôi không muốn bán mặt hàng này, nhưng vì nhiệm vụ chính trị nên phải duy trì", vị này chia sẻ.
Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cũng không còn để cột xăng E5RON92 với lý do tiêu thụ thấp. Một số người tiêu dùng từng ưu dùng xăng E5RON92 cho biết có thời điểm xe bị chết máy, không yên tâm sử dụng nên đã quay sang sử dụng xăng RON95, nhất là với những người sử dụng dòng xe tay ga, ưu tiên dùng RON95 để "đảm bảo an toàn".
"Đặc biệt, chênh lệch giá hai mặt hàng này chỉ từ vài trăm đến khoảng 1.000 đồng/lít, nên không đủ thuyết phục người tiêu dùng", giám đốc một đơn vị phân phố xăng dầu nói.
Một doanh nghiệp khác cho hay thường xuyên nhận được phiếu mua hàng của khách hàng được cơ quan cấp cho nhân viên mua xăng E5RON92, nhưng hầu hết người mua đều có nhu cầu chuyển đổi từ phiếu mua xăng sinh học sang sử dụng xăng RON95, chấp nhận giá cao hơn.
Phần lớn người tiêu dùng đều đi xe đời mới, với tiêu chuẩn cao nên không an tâm sử dụng xăng E5RON92 mà chọn xăng RON95. Do đó, việc tiêu thụ mặt hàng này gặp nhiều khó khăn", vị này cho biết thêm.
Theo một số thương nhân, đầu vào của xăng E5RON92 chủ yếu là do Petrolimex phân phối, nhưng hàng "lúc có lúc không", mức chiết khấu cũng không hấp dẫn khi thấp hơn từ 100 - 150 đồng/lít so với xăng RON95, nên không bù đắp được chi phí kinh doanh mặt hàng này. Hiệu quả kinh doanh với xăng E5RON92 kém, chủ yếu là thua lỗ, tồn trữ chiếm diện tích lớn nên thương nhân không kinh doanh.
"Riêng với Petrolimex, do sở hữu nhiều cây xăng lớn, độ phủ rộng, có nhiều ưu thế hơn nên vẫn duy trì mặt hàng này, dù hiệu quả không cao", một thương nhân nói và khẳng định hầu hết các doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ khi kinh doanh mặt hàng này.
Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, áp chính sách khuyến khích cao hơn hoặc nâng chất lượng xăng sinh học để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thúy Hiền cho hay từ năm 2018, xăng sinh học được bán rộng rãi trên thị trường cả nước nhưng xu hướng tiêu dùng ngày càng giảm đi. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng E5RON92 có mức chênh lệch thấp nên không khuyến khích tiêu dùng mặt hàng xăng này.
"Hơn nữa, phương tiện hiện đại được sử dụng nhiều hơn nên người dân có nhu cầu tiêu dùng với các mặt hàng có chất lượng cao hơn", bà Hiền nói và cho hay chỉ thị về đẩy mạnh sử dụng mặt hàng xăng E5RON92 vừa được ban hành cũng đã giao Vụ KH&CN tổng kết việc triển khai lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
NGỌC AN
Bình luận (2)
Roăng, phớt, .... nhanh hõng
=> từ khâu thiết kế đến nhiên liệu sử dụng ko tương thích