Hãy là người đầu tiên thích bài này
Thaco, Bách Hóa Xanh, Long Châu, Golden Gate và loạt "bom tấn" quy mô tỷ USD kỳ vọng IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam

Dragon Capital kỳ vọng làn sóng IPO tiếp theo có thể xuất hiện vào năm 2027-2028, ước tính khoảng 47,5 tỷ USD có thể đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 năm tới.

Năm 2024 khép lại với nhiều tiếc nuối cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi làn sóng IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) gần như “đóng băng”. Việt Nam chỉ ghi nhận duy nhất một thương vụ IPO thành công thuộc về DNSE (mã DSE).

Khoảng 47,5 tỷ USD từ các thương vụ IPO có thể đổ vào thị trường trong 3 năm tới

Tại sự kiện Investor Day 2025 do Dragon Capital tổ chức, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc đầu tư Dragon Capital nhìn lại 2006 – 2007 làn sóng IPO nở rộ, hàng loạt doanh nghiệp đình đám “đổ bộ” lên sàn giúp nhà đầu tư kiếm tiền rất tốt khi vào đúng sóng.

Chỉ trong 2 năm, HoSE đã đón thêm hơn 100 cổ phiếu mới trong đó có hàng loạt “tên tuổi” như Vingroup (VIC), FPT, Nhựa Bình Minh (BMP), PV Drilling (PVD), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Khoáng sản Bình Định (BMC), Sudico (SJS), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB), SSI,… Làn sóng này giúp VN-Index lần đầu lên đỉnh 1.200 điểm.

Dragon Capital kỳ vọng làn sóng IPO tiếp theo có thể xuất hiện vào năm 2027-2028, ước tính khoảng 47,5 tỷ USD có thể "đổ bộ" vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 năm tới. 

Trong đó, 12,8 tỷ USD kỳ vọng đến từ mảng tiêu dùng với loạt tên tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hoá Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee. Quy mô niêm yết mới trong mảng dịch vụ tài chính cũng được dự báo đạt 5 tỷ USD với TCBS và VPS.

Ngoài ra, làn sóng IPO còn chờ đón nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng công nghệ và dịch vụ IT với Viettel IDC,  Công nghệ VNG, Misa, VNPay (4,7 tỷ USD); mảng khách sạn với thương vụ niêm yết của Vinpearl (2 tỷ USD); chăm sóc sức khoẻ với Nhà thuốc Long Châu, Xuyên Á (1,9 tỷ USD) và lĩnh vực giải trí Datviet Vac, Galaxy media (0,8 tỷ USD).

Không chỉ có các thương vụ IPO lớn, chuyên gia cho rằng “game” chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE của nhiều ông lớn như ACV, BSR, MCH với tổng quy mô khoảng 20 tỷ USD.

Một chu kỳ đầu tư mới đang hiện hữu

Về bối cảnh vĩ mô năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu GDP đạt mức tăng trưởng hai chữ số, trong đó tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính. Chuyên gia Dragon Capital cho rằng nếu chi tiêu đầu tư công hiệu quả, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có 2 kịch bản.

Đầu tiên, Chính sách thương mại Mỹ quá quyết liệt khiến Việt Nam phải điều chỉnh chính sách tiền tệ từ vừa phải đến thắt chặt nhẹ với lãi suất tăng 150-200 điểm thì GDP khó bứt phá và chỉ tăng 6,5-7%.

Kịch bản thứ hai có xác suất cao hơn là chính sách Trump có mục tiêu và chọn lọc, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và giữ lãi suất tăng khoảng 75 điểm thì tăng trưởng mạnh đạt mục tiêu cao 7,5-9%.

Triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 cũng được chuyên gia đánh giá dựa trên ba trường hợp.

Nếu chính sách bảo hộ thương mại xảy ra, lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 chỉ tăng 5-8%. Khi các nền kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể do tác động của chiến tranh thương mai, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed bị trì hoãn, gây áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam.

Trong kịch bản cơ sở, kinh tế toàn cầu giảm tốc nhưng tránh được suy thoái, các vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam được tháo gỡ, giúp ngân hàng tự tin giải ngân tín dụng, từ đó tiêu dùng cá nhân cải thiện, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 15-17%.

Tích cực nhất là trường hợp chính sách tài khoá được đẩy mạnh, đầu tư công tạo động lực và niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân thì lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng vượt lên 18-25%.

Trong kịch bản cơ sở, hiệu suất VN-Index sẽ tăng 15-17%, còn nếu niềm tin và tương lai tươi sáng hơn, lợi nhuận TTCK sẽ tốt hơn. Ông Tuấn cho rằng ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ sẽ có tăng trưởng lợi nhuận bền vững, trong khi đó công nghệ, thép và công nghiệp cũng có lợi nhuận tốt nhờ được hỗ trợ bởi chính sách.

Nhìn chung, chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ mới tăng trưởng trong 5 năm tới khi (1) Việt Nam bước vào kỷ nguyên tăng trưởng và đổi mới chính trị; (2) Một chu kỳ đầu tư mạnh mẽ đang dần hiện hữu; (3) Thị trường Việt Nam là cơ hội đầu tư tốt nhờ sự kết hợp giữa tiềm năng tăng trưởng và định giá hấp dẫn.

Hạ Anh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long