Giá dầu thô thế giới đang tăng mạnh, được thúc đẩy bởi xung đột leo thang ở Trung Đông, đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu dầu khí có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo giá dầu sẽ sụt giảm đáng kể nếu “cơn gió ngược” ập tới.
Theo quan sát, từ đầu tháng 10 đến nay, nhóm cổ phiếu dầu khí đang gây chú ý với thị trường bằng diễn biến nổi trội về giá cùng giao dịch sôi động. Thậm chí, nhóm cổ phiếu này còn liên tục ngược dòng thị trường “đỏ lửa”.
Gây chú ý với thị trường
Chẳng hạn, trong phiên 2/10, VN-Index chìm trong sắc đỏ từ khi mở cửa, song cổ phiếu dầu khí vẫn ngược dòng khi hầu hết đóng cửa trong sắc xanh. Đặc biệt, PSH tăng hết biên độ, lên 4.810 đồng/cp và kết phiên trong tình trạng không có bên bán. Trong khi đó, PLX tăng 1% lên 44.950 đồng, PVT tăng 0,7% lên 28.300 đồng và PVD tăng 0,5% lên 27.550 đồng/cp.
Hay như trong phiên 4/10, trong khi thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ thì nhóm cổ phiếu dầu khí lại ngược dòng khởi sắc và giao dịch sôi động. Một số cổ phiếu tạo điểm nhấn có thể kể đến như PLX, GAS, PVD, PVS, PVC.., trong đó PVD và PVS còn nằm trong top thanh khoản của thị trường.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang gây chú ý với thị trường bằng diễn biến giá nổi trội cùng giao dịch sôi động.
Việc giá dầu thô thế giới đang tăng mạnh, được thúc đẩy bởi xung đột leo thang ở Trung Đông là yếu tố thúc đẩy nhóm cổ phiếu dầu khí có những bước tiến khởi sắc, bởi đây là nhóm cổ phiếu biến động cao cùng với giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (ngày 7/10), giá dầu kéo dài đà tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp, có thêm hơn 3%. Kể từ tháng 8 đến nay, giá dầu Brent lần đầu tiên vượt mốc 80 USD/thùng.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates dự báo, nếu một cuộc xung đột rộng lớn hơn xảy ra ở Trung Đông, giá dầu có thể tăng thêm 3 - 5 USD/thùng.
Trước đó, nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch khá ảm đạm trong bối cảnh giá dầu thế giới duy trì thấp hơn kế hoạch và bão lũ diễn biến phức tạp ở trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành.
Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh lần thứ 9 liên tiếp từ đầu năm đã gây khó khăn lớn cho công tác điều hành kinh doanh của PVOil (OIL). Thêm vào đó, cơn bão số 3 và hiện tượng lũ quét, sạt lở đất sau bão diễn ra tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng kinh doanh của Tổng công ty. Các đơn vị của PVOil tại khu vực phía Bắc đều bị ảnh hưởng bởi bão lũ như đổ cột bơm, sập tường, mái che, một số kho/ cửa hàng xăng dầu của PVOil bị ngập nước phải ngừng xuất bán hàng khiến sản lượng và hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên bị sụt giảm nghiêm trọng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu tháng 9 của PVOil ước đạt khoảng 1 tỷ đồng. Luỹ kế 8,5 tháng đầu năm, PVOil ước lãi 480 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ ước lãi 395 tỷ đồng và công ty con ước lỗ 4 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 8,5 tháng đầu năm nay của PVOil kém tích cực hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 3 quý đầu năm 2023, Tổng công ty báo lãi trước thuế hợp nhất gần 837 tỷ đồng.
Cơn bão số 3 và mưa lũ tại miền Bắc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (DPM) trong tháng 9 vừa qua. Trong nửa đầu tháng 9, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm urê Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, NH3, UFC của công ty ước tính lần lượt đạt 58%, 56%, 50% và 50% kế hoạch tháng. Tổng doanh thu ước đạt 514,3 tỷ đồng, đạt 55%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2,8 tỷ đồng, chỉ đạt 6% kế hoạch tháng.
“Nhắm” vào cổ phiếu không bị ảnh hưởng bởi giá dầu
Nhận định về giá dầu trong thời gian tới, các nhà phân tích tại Tudor, Pickering, Holt & Co cho biết ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tiếp tục leo thang, điều đó không chỉ đe dọa sản lượng 3,4 triệu thùng dầu/ngày của Iran mà còn gây thêm gián đoạn đối với nguồn cung trong khu vực.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York nhận xét: "Có rất nhiều hoạt động mua bán khống trên thị trường bắt đầu từ tuần trước và vẫn đang tiếp diễn sang tuần này". Theo ông, đây là kiểu thị trường mua ngay, hỏi sau. Tuy nhiên, ông cảnh báo đợt tăng giá do lo sợ rủi ro địa chính trị sẽ khiến giá dầu sụt giảm đáng kể nếu Israel quyết định không tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Theo ước tính của 2 chuyên gia John Kilduff và Andrew Lipow, giá dầu có thể lao dốc 5-7 USD/thùng.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư “xuống tiền” với nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn nên cẩn trọng, chú ý theo dõi diễn biến thường xuyên, vì giá cổ phiếu có thể “quay xe” bất cứ lúc nào theo biến động giá dầu. Thay vào đó, có thể lựa chọn cổ phiếu có kết quả kinh doanh không quá ảnh hưởng bởi giá dầu.
Chẳng hạn như với cổ phiếu PVD của PVDrilling. Kết quả kinh doanh ngắn hạn của doanh nghiệp này không bị tác động bởi diễn biến tiêu cực của giá dầu, do các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đều ký dài hạn.
Mới đây, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ của PVDrilling đã chấp thuận các số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm của Tổng công ty, với doanh thu 6.277 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch 9 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế 668 tỷ đồng, tăng 107% so với kế hoạch 9 tháng và tăng 54% so với cùng kỳ.
PVDrilling cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm cao hơn so với kế hoạch 9 tháng cũng như cùng kỳ năm trước là nhờ đơn giá cho thuê giàn khoan cao hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Hiện, 4 giàn khoan của Tổng công ty đều hoạt động với công suất tốt, ổn định.
Thực tế, Quỹ ngoại Dragon Capital cũng đánh giá cao cổ phiếu này khi vừa “quay xe” trở lại làm cổ đông lớn của PV Drilling với tỷ lệ sở hữu 5,22%, sau chưa đầy 1 tháng bán cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu vốn xuống 4,92%.
Hay như cổ phiếu PVS của PTSC với tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận được VCBS nhận định đến từ 2 phân khúc chính là dầu khí truyền thống khi tiến độ các dự án lớn như Lô B – Ô Môn và Lạc Đà Vàng vừa được Chính phủ thông qua, và năng lượng tái tạo như các công trình điện gió ngoài khơi và trên bờ khi Chính phủ triển mạnh mẽ nguồn điện tái tạo để đáp ứng chuyển dịch năng lượng xanh.
PTSC là thành viên của PVN và là công ty trong nước duy nhất cung cấp tất cả các dịch vụ kỹ thuật dầu khí (trừ dịch vụ khoan). PTSC chiếm thị phần áp đảo ở các ngành liên quan, như thị phần dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí (97%), cơ khí dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng (mảng cảng, 100%), và dịch vụ kho nổi (FSO/FPSO, 60%). Doanh nghiệp còn sở hữu và vận hành đội tàu gồm 21 tàu dịch vụ, 3 kho nổi FSO và 2 kho nổi FPSO.
Trong khi đó, Fitch Ratings đánh giá việc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh trong dài hạn.
Bên cạnh đó, cổ phiếu BSR được kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch niêm yết trên HoSE ngay trong năm nay sau thời gian dài bị trì hoãn. Theo đánh giá sơ bộ của nhiều hãng chứng khoán, việc chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HoSE sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho cổ phiếu BSR cũng như giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn dễ dàng thu hút vốn và các đối tác.
Bình luận (8)