Hãy là người đầu tiên thích bài này
Siêu bão Yagi “thổi bay” lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp

Do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), khiến hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm sâu, thậm chí là lỗ đậm.

Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Việt Nam, đặc biệt là tại Quảng Ninh - Ảnh: Mạnh Trường.

Cụ thể, Công ty CP Than Cao Sơn (UpCOM: CST) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.783 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ghi nhận lỗ hơn 6 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 101 tỷ đồng.

Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này là khoản lợi nhuận khác tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ, lên hơn 17 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thanh lý tài sản và thẩm định giá trị tài sản. Tuy nhiên, vẫn không thể “cứu” doanh nghiệp này khỏi một quý kinh doanh thua lỗ, với mức lỗ ròng gần 43 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 31 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ năm 2016 đến nay.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, do sản lượng tiêu thụ than giảm dẫn đến doanh thu sụt giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Yagi, việc khắc phục xử lý sự cố đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Tương tự, Công ty CP Than Núi Béo (HNX: NBC) ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 348 tỷ đồng, giảm mạnh đến 61% so với cùng kỳ. Cũng do kinh doanh dưới giá vốn nên doanh nghiệp lỗ gộp 63 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 117 tỷ đồng.

Mặc dù trong kỳ này hầu hết các chi phí của doanh nghiệp đều được cắt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khoản thu nhập khác cũng tăng mạnh hơn 400%, lên gần 4 tỷ đồng, nhưng NBC vẫn phải chịu lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 32 tỷ đồng.

Theo giải trình, nguyên nhân là do trong quý II và quý III thời tiết bất lợi, mưa lớn dài ngày, đặc biệt là trong tháng 9, doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ cơn bão số 3, khiến công ty phải dừng sản xuất dài ngày. Chất lượng than sản xuất giảm, công tác tiêu thụ than giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, NBC ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 71,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 68 tỷ đồng.

Công ty CP Than Vàng Danh (HNX: TVD) cũng trải qua một quý kinh doanh thua lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Theo đó, trong quý III, TVD mang về hơn 1.230 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lỗ gộp gần 11,4 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 78 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 57,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi hơn 10,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, nơi tâm bão Yagi đi qua (khu vực Uông Bí) kèm theo mưa lớn (lượng mưa đo được gần 450 ml) gây ảnh hưởng nặng nề đến khu vực sản xuất của Công ty; mưa lớn kèm theo dông bão làm mất điện lưới đã gây ngập các đường lò mức -50 khu Cánh gà, mức -10 và mức -175 khu Giếng Vàng Danh dẫn đến các diện sản xuất của các đơn vị tại khu vực này bị ảnh hưởng không thể sản xuất được….

Công ty phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố, do đó chi phí khắc phục sự cố và dừng sản xuất đã làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của Công ty.

Mặc dù may mắn thoát lỗ trong quý III, nhưng Công ty CP Than Hà Tu (HNX: THT) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh theo quý thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Cụ thể, trong quý III, THT ghi nhận doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 507 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận chỉ đạt 277 triệu đồng, giảm mạnh 97% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đặc biệt là cơn bão số 3 đã gây bất lợi cho sản xuất của công ty, khiến sản lượng tiêu thụ giảm tới 67% so với cùng kỳ, xuống còn gần 260.000 tấn, kéo theo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.

Quảng Ninh là một trong những địa phương có các doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão Yagi. Ảnh minh họa

Một doanh nghiệp khác không thuộc nhóm các doanh nghiệp ngành khai thác than ở Quảng Ninh là Công ty CP Vilacera Hạ Long (HNX: VHL) cũng chịu chung số phận thua lỗ trong quý III, mà nguyên nhân cũng đến từ siêu bão Yagi.

Cụ thể, trong quý III, VHL ghi nhận gần 282 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 26 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân tăng lỗ trong quý III là do doanh nghiệp đã hạch toán chi phí sửa chữa, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp phát sinh khoản chi phí khắc phục bão Yagi hơn 10,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc trích lỗ của công ty liên kết tăng so với cùng kỳ và tăng chi phí bán hàng do trích trước chi phí hỗ trợ tiêu thụ năm.

Công ty CP Vận tải biển Vinaship (UpCOM: VNA) mặc dù ghi nhận doanh thu tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 163 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn chịu lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2,7 tỷ đồng. Đây là mức lỗ nặng nhất từ năm 2020 đến nay của doanh nghiệp ngành vận tải biển này.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, ngoài nguyên nhân do biến động thị trường, hoạt động khai thác tàu còn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, bão Yagi làm tê liệt nhiều hoạt động của cảng và chuỗi logistic hàng hóa. Việc này khiến các tàu xếp hàng xi măng của công ty trong tháng 9 bị thiệt hại hàng chục ngày, do không điều động được hàng từ nhà máy ra cảng xếp dỡ.

Không những các doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão Yagi bị thiệt hại nặng nề, mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong nhóm dịch vụ bảo hiểm khi phải chi hàng trăm tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại sau bão.

Cụ thể, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UpCOM: ABI) mặc dù ghi nhận doanh kinh doanh bảo hiểm tăng 15% so với cùng kỳ, lên gần 529 tỷ đồng, tuy nhiên, do chi phí bồi thường tăng mạnh 93% so với cùng kỳ, lên gần 294 tỷ đồng. Qua đó, đẩy tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp này lên 466 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, ABI lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng trong quý III. ABI cho biết, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đã làm chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại tăng hơn 141 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tương tự, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long (UpCOM: BLI) cũng chịu chung số phận khi lỗ ròng hơn 9 tỷ đồng trong quý III. Theo đó, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm của BLI mặc dù tăng 5% so với cùng kỳ, lên gần 309 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí bồi thường bảo hiểm của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh 59% so với cùng kỳ, lên 164 tỷ đồng, kéo tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng 21% so với cùng kỳ, lên 280 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh 40% so với cùng kỳ, xuống còn gần 18 tỷ đồng. Kết quả, BLI lỗ sau thuế 9,4 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 28 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đợt thiên tai, bão lũ tháng 9/2024, khiến tổng chi phí bồi thường bảo hiểm tăng mạnh so với cùng kỳ.

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão Yagi và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Theo Chính phủ, bão số Yagi là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại kinh tế hơn 81.700 tỷ đồng.

Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng.

Chính phủ cho biết, dù đã chủ động chỉ đạo, ứng phó từ sớm, từ xa, kịp thời, quyết liệt, nhưng thiệt hại, mất mát do bão số Yagi và mưa lũ là rất lớn. Những thiệt hại, mất mát này cần nhiều nguồn lực và thời gian để khắc phục, nhất là tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng.

Theo thống kê, bão Yagi và mưa, lũ đã làm 323 người chết, 22 người mất tích và 1.978 người bị thương; 283.383 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 122.415 nhà bị ngập; 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 36.310ha và 11.835 lồng bè nuôi trồng | thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi....

Về cơ sở hạ tầng, có 14 sự cố đường dây 500kV, 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc; 3.755 điểm trường, 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại. Do bão và mưa lũ, tại 15 tỉnh, thành đã xảy ra 803 sự cố đê điều; 2.283 công trình thuỷ lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng...Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.703 tỷ đồng, trong đó, nặng nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang…

Link gốc

Bình luận (1)

Làm thêm ít tôn ủng hộ đồng bào lợp nhà nhé anh em.
06:46

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long