Hãy là người đầu tiên thích bài này
SGP: Hãng tàu biển số 1 thế giới bắt tay “ông trùm” vận tải biển Việt Nam, cổ phiếu công ty thành viên “bốc đầu”

Dự án siêu cảng Cần Giờ có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD). Quyết định chấp thuận đầu tư đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Ngày 16/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký quyết định số 148/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Quyết định đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Quyết định chấp thuận đầu tư căn cứ trên văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày 06/04/2023 và các văn bản giải trình do CTCP Cảng Sài Gòn (mã SGP) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

TIL được biết đến là đơn vị thành viên của hãng tàu biển hàng đầu thế giới Mediterranean Shipping Company (MSC). MSC có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.

Trong khi đó, SGP là công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC – mã MVN), được cổ phần hóa từ Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn. SGP chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/10/2015. Hiện tại, VIMC vẫn là công ty mẹ chi phối 65,4% vốn tại SGP. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng (9,83%), VietinBank (9,07%) và VPBank (7,44%).

VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng công ty hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.

Siêu cảng Cần Giờ được chấp thuận đầu tư là tin vui đối với các thành viên thuộc liên doanh, đặc biệt là SGP. Cổ phiếu này trên sàn chứng khoán ngay lập tức tăng “bốc đầu” lên mức 31.000 đông/cp, cao nhất trong vòng hơn nửa năm. Giá trị vốn hóa thị trường của SGP tương ứng đạt hơn 6.700 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thời điểm một năm trước.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2024, SGP ghi nhận doanh thu đạt 813,8 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 127,6 tỷ đồng, giảm tới 43,7% so với cùng kỳ. Theo giải trình, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm mạnh, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp, đồng thời áp lực chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ tăng đột biến.

Trong năm 2024, SGP đặt kế hoạch doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 237,33 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng năm 2024 với lãi trước thuế đạt 175,5 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã hoàn thành gần 74% so với kế hoạch năm.

Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, thời gian triển khai qua 7 giai đoạn trong vòng 20 năm (đến năm 2045). Quy mô bến cảng được thiết kế để tiếp nhận tàu mẹ có trọng tải lên đến 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU) và tàu feeder từ 10.000 đến 65.000 DWT, với tổng chiều dài bến cầu chính 7,2 km. Tổng diện tích sử dụng đất là 571 ha. Công suất dự kiến trong năm đầu tiên đạt 2,1 triệu tấn, tăng dần lên 16,9 triệu TEU khi hoạt động hết công suất. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định vị là cảng trung chuyển quốc tế đặc biệt, có quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế. Dự án đã được đưa vào Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính Phủ vê Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Linh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long