Petrolimex nộp ngân sách nhà nước ước đạt 31.250 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch.
Ngày 07/01/2025, Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã:PLX) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Tại Hội nghị, Petrolimex cho biết Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Doanh thu hợp nhất ước đạt 270.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1,5% so với năm 2023 và bằng 144% kế hoạch.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 3.500 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với năm trước và bằng 121% kế hoạch. Nộp NSNN ước đạt 31.250 tỷ đồng bằng 130% kế hoạch.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PLX đạt 212.990 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính doanh thu của PLX trong quý 4 đạt hơn 57.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng.
Về triển vọng tương lai, theo báo cáo của VCBS, triển vọng của PLX tích cực nhờ nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam và tổng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo.
Các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp được Chính Phủ yêu cầu phải đảm bảo. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được yêu cầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. Đồng thời xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, để không thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022
Đồng thời, VCBS kỳ vọng giá dầu biến động ổn định sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Theo dự báo của EIA, việc xung đột đã leo thang trong những tuần gần đây đã làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung và biến động giá dầu.
EIA kỳ vọng khả năng sản xuất dầu thô dư thừa đáng kể, có thể được đưa vào hoạt động trong trường hợp xảy ra gián đoạn và việc sản lượng ở Libya sẽ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 10, sau những lần ngừng sản xuất gần đây. VCBS cho rằng những điều này sẽ góp phần giảm tác động biến động mạnh của giá dầu.
Ngoài ra, trong kỳ điều chỉnh giá ngày 4/7/2024, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức áp dụng trong giá cơ sở xăng dầu, điều này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xăng dầu.
Những điểm mới trong Nghị định 83/2023/NĐ-CP kinh doanh xăng dầu có tác động tích cực đối với các các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu như PLX.
Dự thảo Nghị định mới kỳ vọng sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025 có tác động tích cực đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu do các quy định về chi phí kinh doanh phản ánh sát sao hơn những thay đổi thực tế về chi phí của doanh nghiệp như giảm thời gian điều hành các chi phí cấu thành trong công thức giá bán tối đa.
Bên cạnh đó, việc tự quyết định giá bán (nhưng thấp hơn giá cơ sở) sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành như PLX và OIL do có thể tận dụng các ưu thế của doanh nghiệp về hệ thống phân phối, kho dự trữ xăng dầu để tăng tổng chi phí hoạt động định mức và lợi nhuận định mức thực nhận để cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2025 là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu Jet A1. Hiện tại, có hai đơn vị chính cung cấp nhiên liệu máy bay tại Việt Nam, trong đó công ty con PLX (CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex - PA) chiếm hơn 30% tổng thị phần.
Kế hoạch đầu tư công vào cơ sở hạ tầng giao thông sẽ là động lực dẫn dắt chính cho mảng kinh doanh hóa dầu trong năm 2024 -2025.
Bình luận (11)