Chênh lệch lãi lỗ sau kiểm toán tiếp tục nở rộ trong mùa kiểm toán 2023 trong bối cảnh Bộ Tài chính siết chặt quản lý hoạt động của các đơn vị kiểm toán sau đại án SCB.
Bộ Tài chính đang "siết" chặt quản lý hoạt động kiểm toán. Ảnh minh họa: VACPA
Chênh lệch lãi lỗ sau kiểm toán là vấn đề “nhức nhối” trên thị trường chứng khoán nhiều năm qua. Lợi nhuận doanh nghiệp là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như công cụ chủ yếu để định giá cổ phiếu, từ đó giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định mua bán. Tuy nhiên, tình trạng chênh lệch lợi nhuận sau kiểm toán đang làm méo mó định giá, ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư.
Tại mùa kiểm toán 2023, vấn đề này càng trầm trọng hơn khi có hàng loạt doanh nghiệp công bố BCTC kiểm toán với lợi nhuận chênh lệch rất nhiều so với tự lập, thậm chí có trường hợp chuyển từ lãi sang lỗ đậm.
Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) công bố BCTC hợp nhất kiểm toán ghi nhận lãi ròng 16,8 tỷ đồng, giảm đến 249 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Điều này khiến thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) giảm mạnh từ 2.240 đồng xuống 143 đồng, qua đó P/E của cổ phiếu trở nên đắt đỏ lên mức 145 lần.
Nguyên nhân có sự điều chỉnh lớn trong kết quả kinh doanh của LTG chủ yếu đến từ phần lợi nhuận công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng, loại trừ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC hợp nhất tự lập và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
Lợi nhuận trong năm 2023 của Lộc Trời cũng diễn biến rất thất thường như quý I lỗ 80,5 tỷ đồng, quý II lãi đậm 426 tỷ đồng, quý III lỗ 327 tỷ đồng và quý cuối năm lãi 247 tỷ đồng. Giao dịch giá rẻ được Lộc Trời hạch toán vào kỳ BCTC quý II/2023 và giúp lãi ròng kỷ lục nhờ đánh giá tài sản của công ty liên kết – Lương thực Lộc Nhân. Giai đoạn tháng 5-9/2023 cũng là thời gian cổ phiếu này có bước tăng giá mạnh từ vùng 22.000 đồng/cp lên 32.500 đồng/cp (giá sau chia) theo con sóng cổ phiếu ngành gạo. Sau đó, cổ phiếu lao dốc về vùng 23.000 đồng/cp cùng thông tin lỗ đậm quý III.
Với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC), doanh nghiệp này tăng lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán lên 1.115 tỷ đồng do tăng mạnh chi phí quản lý khi phải trích lập thêm dự phòng phải thu khó đòi so với báo cáo tự lập.
Sự không ăn khớp giữa đơn vị kiểm toán cùng bộ phận kế toán Xây dựng Hòa Bình trong vấn đề hạch toán dự phòng phải thu khó đòi cũng đã phát sinh từ năm 2022. Doanh nghiệp thậm chí phải tăng lỗ cả nghìn tỷ đồng từ 1.138 tỷ lên 2.567 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi năm 2022.
Xây dựng Hòa Bình cũng đã có văn bản làm rõ hơn nguyên nhân tăng lỗ năm vừa qua. Cụ thể, trong năm công ty đã ký hợp đồng bán một số khoản nợ phải thu cho một công ty mua bán nợ. Theo hợp đồng, khoản nợ này doanh nghiệp sẽ thu trong vòng 12 tháng, đã ghi nhận lợi nhuận của giao dịch này sau khi chuyển giao các món nợ cho bên mua và nhận được thanh toán 10% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Kiểm toán AASC, liên quan đến tính chắc chắn của việc mua bán khoản nợ, chỉ khi bên mua trả được toàn bộ khoản nợ này trong năm 2023 thì mới được ghi nhận toàn bộ giá trị mua bán nợ đó vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Do đó, AASC chỉ đồng ý ghi nhận lợi nhuận khoản tiền đã thu được trong năm 2023, phần còn lại sẽ ghi nhận tương ứng theo giá trị thực thu vào từng thời điểm thu thêm.
Ngoài ra, Kiểm toán AASC điều chỉnh tăng trích lập dự phòng phải thu khách hàng tính theo tuổi nợ đối với nhóm 3 khách hàng chiến lược của Hòa Bình. Song, theo ý kiến của HBC, ba khách hàng này là những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh với tài sản là những dự án rất lớn, có giá trị cao nhưng ghi nhận trong sổ sách theo nguyên giá thì rất thấp. Tập đoàn đã có quá trình hợp tác rất tốt qua nhiều năm (trên 10 đến trên 20 năm), đã và đang nhận thầu nhiều dự án lớn của những khách hàng này. Trong năm 2023, 3 khách hàng trên đã chuyển hơn 1.109 tỷ đồng cho HBC và riêng từ 1/1/2024 đến nay, đã chuyển thêm hơn 119 tỷ đồng. Do vậy, trên quan điểm của HBC thì không thấy có rủi ro không thu hồi được nợ.
Nhiều trường hợp khác giảm lãi mạnh sau kiểm toán như DIC Corp (mã: DIG), Transimex (mã: TMS), Nhiệt điện Phải Lại (mã: PPC)…; hay tăng lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng như Đầu tư LDG (mã: LDG), Đức Long Gia Lai (mã: DLG)…; Vạn Phát Hưng (mã: VPH), Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã: TTF) chuyển từ lãi sang lỗ…
“Siết” quản lý hoạt động kiểm toán
Nhìn chung, sai số trong báo cáo tự lập so với kiểm toán có thể đến từ nhiều yếu tố như năng lực đội ngũ kế toán doanh nghiệp, quan điểm thận trọng hay theo ý chí của người đứng đầu doanh nghiệp. Dù lý do gì thì hệ quả đem đến là nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp, xa hơn nữa là nghi ngờ tính minh bạch thông tin của thị trường chứng khoán – điều mà cơ quan quản lý đang hướng đến nhằm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường trước 2025.
Mặt khác, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi chất vấn trước Quốc hội ngày 18/3 vừa qua, không ít doanh nghiệp kiểm toán độc lập thời gian qua đã bỏ qua sai sót với đối tượng kiểm toán vì lợi ích của kiểm toán viên, dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước, bao che sai phạm, tiêu cực. Điển hình như vụ án SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán độc lập có tầm cỡ có sai phạm.
Do vậy, từ góc độ quản lý Nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính đã chỉ đạo “siết” rất chặt quản lý hoạt động kiểm toán từ khâu kiểm toán viên, ban hành chuẩn mực về kiểm toán và phương thức kiểm toán. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại hồ sơ, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Trong năm 2023, Bộ đã xử lý vi phạm hành chính với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề, đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên và có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên.
Trước yêu cầu của bối cảnh mới cùng bảo vệ uy tín của mình, doanh nghiệp cần xem lại khâu lập báo cáo tài chính để tránh những sai sót không đáng có, giảm thiểu chênh lệch so với báo cáo kiểm toán.
Mỹ Hà
Bình luận (12)