"Sếp lớn" nhiều doanh nghiệp như Big Invest Group, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Big Invest Group... bán ra lượng lớn cổ phiếu thoái vốn dịp cuối năm.
Thời gian gần đầy, các "sếp lớn" đua nhau thoái vốn. Đơn cử, ông Võ Phi Nhật Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Big Invest Group (mã chứng khoán: BIG) vừa bán ra 800.000 cổ phiếu BIG để giảm sở hữu về 2.672.653 cổ phiếu (tương đương 17,72% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện từ ngày 5 - 12/12.
Ông Võ Phi Nhật Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Big Invest Group (ngồi giữa) vừa bán ra 800.000 cổ phiếu BIG.
Ngoài ra, trong ngày 12/12, bà Nguyễn Thị Hảo - Phó tổng giám đốc Big Invest Group đã bán ra 25.000 cổ phiếu để giảm sở hữu về 0,71% vốn điều lệ. Từ ngày 20/12 đến ngày 17/1/2025, ông Kiều Văn Khoa - Ủy viên HĐQT Big Invest Group đăng ký bán 50.100 cổ phiếu để giảm sở hữu về 2,35% vốn điều lệ.
Từ ngày 6 đến 19/12, ông Nguyễn Quang Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã: TDH) cũng đã hoàn tất bán ra gần 20,7 triệu cổ phiếu TDH như đã đăng ký. Theo đó, ông Nghĩa không còn là cổ đông lớn của công ty và hiện chỉ còn nắm 52.200 cổ phiếu TDH.
Giá trị thương vụ thoái vốn được xác định là gần 41,4 tỷ đồng, tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với giá mua vào ước tính 4.340 đồng/cổ phiếu, ông Nghĩa có thể đã lỗ hơn 48 tỷ đồng khi bán gần 20,7 triệu cổ phiếu kể trên.
Được biết, ông Nguyễn Quang Nghĩa đã mua hơn 20 triệu cổ phiếu TDH vào tháng 6/2023 và chỉ 2 tháng sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Kể từ đó đến nay, ông Nghĩa mới chỉ thực hiện một lần bán cổ phiếu duy nhất với khối lượng 382.000 đơn vị vào tháng 10/2023.
Trước đó, từ tháng 10 đến tháng 11/2024, các "sếp lớn" của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cũng đua nhau thoái vốn sau khi doanh nghiệp bị phạt nặng.
Cụ thể, ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký bán 500.000 cổ phiếu PNJ theo phương thức thỏa thuận, khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 14/10 - 12/11, giảm sở hữu tại PNJ từ hơn 1,7 triệu cổ phiếu xuống còn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,36% vốn điều lệ PNJ.
Tương tự, bà Đặng Thị Lài - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc cao cấp, Thành viên HĐTV công ty con của PNJ - đăng ký bán ra 600.000 cổ phiếu PNJ trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 30/10, giảm sở hữu tại PNJ từ 2,46 triệu cổ phiếu xuống còn 1,86 triệu cổ phiếu, tương đương 0,55% vốn điều lệ PNJ.
Ngoài các "sếp lớn", các doanh nghiệp khác cũng thi nhau thoái vốn, bán vốn.
Cụ thể, mới đây nhất, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC Corp - mã: DIG) thông qua chủ trương bán một phần cổ phiếu đang sở hữu tại Công ty Cổ phần Xây dựng DIC Holding (mã: DC4).
Theo đó, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng tối đa là 16,2 triệu cổ phiếu DC4, giá trị tham chiếu không thấp hơn giá tại ngày giao dịch. Thời gian giao dịch từ tháng 12/2024 đến hết quý I/2025.
Nếu hoàn tất việc chuyển nhượng số lượng cổ phần tối đa nêu trên, tỷ lệ sở hữu của DIC Corp tại DIC Holding giảm từ 35,59% xuống còn 7,79%. Với giá cổ phiếu DC4 trong phiên giao dịch ngày 23/12 là 13.850 đồng/cổ phiếu, sau khi chuyển nhượng hết số cổ phiếu trên, DIG sẽ thu về gần 225 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, Vinaconex (mã: VCG) đăng ký bán hơn 12,1 triệu cổ phiếu của Công ty CP Vimeco (mã: VMC), tương ứng với 46% vốn từ ngày 20/12 đến 17/1/2025.
Vimeco là công ty con của Vinaconex với tỷ lệ sở hữu 51,41%, tương ứng 13,4 triệu cổ phiếu. Vinaconex muốn giảm tỷ lệ sở hữu xuống 5%, tương ứng 1,3 triệu cổ phiếu. Vimeco sẽ không còn là công ty con của Vinaconex sau khi giao dịch hoàn thành.
Ngày 27/11/2024, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã: SHS) đã bán toàn bộ 1,8 triệu cổ phiếu MCP của Công ty CP In và Bao bì Mỹ Châu, tương ứng với 11,9% vốn.
Trước đó, SHS cũng thoái vốn hơn 2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco (Safoco - mã: SAF) vào ngày 16/10/2024. Theo đó, ước tính SHS thu về khoảng 140 tỷ đồng. Tại báo cáo soát xét bán niên, SHS ghi nhận giá mua khoản đầu tư SAF trị giá 125 tỷ đồng. Như vậy, ước tính công ty chứng khoán lãi trên dưới 15 tỷ đồng từ việc thoái vốn.
Trường hợp tại Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH), phía Vietnam Ventures Limited thuộc VinaCapital đăng ký bán gần 1,54 triệu cổ phiếu KDH từ ngày 5/12/2024 đến 3/1/2025, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tỷ lệ sở hữu của Vietnam Ventures Limited tại Khang Điền sẽ giảm từ 0,89% xuống còn 0,73%.
Hồi tháng 9/2024, quỹ này đã bán thành công 9,54 triệu cổ phiếu KDH trong tổng số gần 12 triệu cổ phần KDH đã đăng ký. Tổng cộng, từ tháng 7/2024 đến tháng 12/2024, Vietnam Ventures Limited đã thoái vốn gần 11,1 triệu cổ phiếu KDH.
Đặc biệt, Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, mã: SNZ) thoái vốn bất thành tại Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa. Cụ thể, đầu tháng 12/2024, Sonadezi cập nhật thông tin về việc không thể thoái vốn tại Amata Biên Hòa. Nguyên nhân được xác định là do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Trước đó, Sonadezi đã công bố kế hoạch thoái toàn bộ 4.222.964 cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ của Amata Biên Hòa, theo hình thức chuyển nhượng công khai. Mức giá tối thiểu được đề xuất là 126.700 đồng/cổ phiếu, với kỳ vọng thu về khoảng 535 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, giá trị khoản đầu tư của Sonadezi tại Amata Biên Hòa hiện được ghi nhận là hơn 47,1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức giá chào bán.
Cuối tháng 11/2024, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã: HPX) thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 12,78 triệu cổ phần, tương đương 18% vốn của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Có thể thấy, phần lớn động thái thoái vốn của các "sếp lớn" hay của các doanh nghiệp đều trong trạng thái "lỗ cũng bán".
Huy Tùng - Lê Thanh
Bình luận (2)