Dù đối mặt với nguy cơ áp thuế từ chính quyền ông Trump, CEO VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng doanh thu gấp 3 lần trong thập kỷ tới
CEO Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Nguyễn Cảnh Tĩnh.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển, logistics và khai thác cảng biển - đang hướng tới tương lai đầy triển vọng, bất chấp những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Tổng giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, khẳng định tổng công ty sẵn sàng tận dụng các cơ hội trong bối cảnh thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu và đặt mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2035, tăng gấp hơn 3 lần so với mục tiêu năm 2025.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng những thay đổi tiềm năng từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể tác động đến luồng hàng hóa toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi.
“Nhu cầu của Mỹ đối với sản phẩm Việt Nam vẫn rất lớn”, ông Tĩnh nói.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn với xuất khẩu tương đương 85% GDP. Riêng năm 2023, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt 100 tỷ USD.
Ông Tĩnh nhấn mạnh rằng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu - sản xuất mọi thứ từ giày dép, quần áo cho đến điện thoại thông minh và linh kiện điện tử - sẽ giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh bất chấp những thách thức.
Lượng container qua các cảng Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng khoảng 4%/năm.
VIMC đang đặt mục tiêu mở rộng đội tàu thêm 20% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, nâng cấp cảng biển để đón những tàu có tải trọng lớn hơn và tăng cường số lượng tuyến vận tải quốc tế.
Hiện tại, VIMC sở hữu đội tàu gồm 48 chiếc, trong đó có 7 tàu container. So với “ông lớn” trong ngành như MSC (Thụy Sĩ) đang vận hành hơn 860 tàu container, quy mô của VIMC còn khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, VIMC đang có cổ phần tại 16 doanh nghiệp khai thác cảng với hơn 80 cầu cảng, chiếm 26% tổng số cầu cảng tại Việt Nam, cùng với đội tàu chiếm 25% công suất vận tải hàng năm của cả nước.
Cùng với việc mở rộng đội tàu, VIMC đặt mục tiêu cải thiện hạ tầng cảng biển và tăng năng lực xử lý hàng hóa. Các cảng biển Việt Nam đã xử lý 30 triệu TEU hàng hóa trong năm 2024, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2014.
Nhằm đạt được các mục tiêu lớn, VIMC đang tìm kiếm đối tác chiến lược có chuyên môn trong ngành hàng hải để hỗ trợ kế hoạch mở rộng. Tập đoàn dự kiến trình các cơ quan chức năng đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ gần 100% xuống 65%, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.
Một trong những dự án chiến lược mà VIMC đang theo đuổi là Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, TP.HCM, với vốn đầu tư dự kiến lên tới 4,5 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt dự án này, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được lựa chọn. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ cần khoảng 13,8 tỷ USD vốn đầu tư để mở rộng hệ thống cảng biển toàn quốc đến năm 2030.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng giúp Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với các cảng lớn trong khu vực như Singapore và Thượng Hải, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm trong mạng lưới thương mại toàn cầu.
Một container được dỡ xuống từ một tàu chở hàng tại Cảng Tân Vũ.
VIMC đang lên kế hoạch mở rộng các tuyến vận tải quốc tế đến Đông Bắc Á, Trung Đông, và đặc biệt là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ông Tĩnh cho biết dù phần lớn hàng hóa giữa hai quốc gia hiện nay được vận chuyển qua đường bộ, các tuyến đường thủy sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn nhờ khả năng giảm chi phí logistics.
Cách đây một thập kỷ, VIMC từng đối mặt với nguy cơ phá sản với khoản nợ hơn 67.500 tỷ đồng và lỗ lũy kế 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tái cấu trúc và sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp này đã trở lại mạnh mẽ.
Trong năm 2024, VIMC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.500 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước. Doanh thu đạt 18.200 tỷ đồng, tăng 30%. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 27%, đạt 145 triệu tấn. Năm 2025, doanh thu dự kiến tăng thêm 12%, đạt 20.300 tỷ đồng.
Mặc dù phải đối mặt với các chính sách thương mại từ Mỹ và sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn trong khu vực, VIMC vẫn có nhiều cơ hội nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào Việt Nam và nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBank, lượng container qua cảng biển Việt Nam dự kiến sẽ tăng 4% mỗi năm trong thập kỷ tới, phản ánh sự tăng trưởng bền vững của ngành logistics và thương mại.