Theo SSI Research, quý I/2025, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có sự phân hóa rõ nét: một bên bứt tốc mạnh mẽ, một bên chật vật đi lùi.
Mới đây, SSI Research đã công bố báo cáo “Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2025” của 39 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE. Đáng chú ý, danh sách xuất hiện doanh nghiệp báo lãi tới 700%.
Nhóm địa ốc “dậy sóng”, loạt ngân hàng tăng trưởng 2 chữ số
Nổi bật trong danh sách, lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc được khoảng 445 tỷ đồng, tăng mạnh 711% so với khoản lỗ 77 tỷ đồng của quý trước. SSI Research cho hay, động lực tăng trưởng đến từ việc bàn giao gần 30 ha đất khu công nghiệp tại Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Ở phân khúc bất động sản dân dụng, Nhà Khang Điền tiếp tục duy trì chiến lược phát triển an toàn, với lợi nhuận ước đạt 270 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với quý I/2024. Dự án The Privia tại quận Bình Tân đã bước vào giai đoạn bàn giao, hỗ trợ công ty duy trì kết quả kinh doanh tích cực bất chấp bối cảnh toàn ngành vẫn còn nhiều lực cản.
Tại mảng bán lẻ, FPT Retail được dự báo ghi nhận lợi nhuận khoảng 130 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đến từ việc cải thiện cơ cấu hàng hóa, kiểm soát tồn kho hiệu quả, trong khi hệ thống nhà thuốc Long Châu tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Một số doanh nghiệp khác cũng được hưởng lợi từ yếu tố chu kỳ và cải thiện biên lợi nhuận. Cao su Đồng Phú dự kiến tăng trưởng gần 86% nhờ giá bán cao su phục hồi và sản lượng tiêu thụ ổn định. Sonadezi Châu Đức cũng được kỳ vọng tăng hơn 55%, chủ yếu nhờ giá cho thuê khu công nghiệp cải thiện và biên lợi nhuận gộp tích cực hơn cùng kỳ.
Ở nhóm công nghệ, FPT duy trì đà tăng trưởng ổn định với lợi nhuận hợp nhất quý I/2025 ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng hai chữ số tại các thị trường Nhật Bản và Mỹ, trong khi mảng giáo dục tiếp tục mở rộng quy mô và biên EBITDA cải thiện rõ rệt.
Ước tính lợi nhuận quý I/2025 của một số doanh nghiệp niêm yết (Nguồn: SSI Research)
Về phía các ngân hàng ngân hàng, ở nhóm tư nhân, Sacombank được kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Kết quả này phản ánh nỗ lực giảm chi phí dự phòng tín dụng, đồng thời duy trì tăng trưởng ổn định ở mảng tín dụng và dịch vụ.
Bên cạnh Sacombank, VPBank được dự báo đạt lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, tăng 32%. Trong đó, ngân hàng mẹ duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định, còn FE Credit có dấu hiệu hồi phục tích cực với tiến độ giải ngân và thu hồi nợ được cải thiện so với cùng kỳ.
Trong khi đó, HDBank tiếp tục là điểm sáng với lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và 18% so với quý trước. Động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ở mức 6% ngay trong quý I và đóng góp ổn định từ công ty con HD Saison.
Ngoài ra, MB dự kiến đạt lợi nhuận 6.500–6.700 tỷ đồng, tăng 15%, nhờ tín dụng mở rộng và nền khách hàng cá nhân ngày càng lớn. ACB đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng 12%, với hiệu suất hoạt động bền vững và tỷ lệ CASA ổn định. Trong khi đó, MSB được kỳ vọng ghi nhận 1.700 tỷ đồng, tăng 11%, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng và biên lợi nhuận cải thiện.
Tại nhóm quốc doanh, VietinBank được SSI dự báo lợi nhuận đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 42% so với quý I/2024. Động lực tăng trưởng đến từ dư nợ tín dụng tăng khoảng 5%, trong khi nền lợi nhuận thấp cùng kỳ năm trước tạo hiệu ứng so sánh tích cực. Biên lãi thuần duy trì ổn định trong bối cảnh chi phí vốn được kiểm soát tốt.
Với BIDV, lợi nhuận dự kiến dao động trong khoảng 8.000–8.500 tỷ đồng, tăng từ 8–15%. Tăng trưởng tín dụng tuy chỉ đạt khoảng 2%, nhưng biên lãi thuần (NIM) được cải thiện nhờ cơ cấu lại danh mục cho vay và huy động.
Loạt “ông lớn” cài số lùi lợi nhuận
Trái ngược với nhóm doanh nghiệp tăng trưởng về lợi nhuận, một số tên tuổi lớn trên sàn lại ghi nhận mức suy giảm rõ rệt trong quý I/2025, chủ yếu đến từ yếu tố chu kỳ ngành, biến động giá hàng hóa và biên lợi nhuận thu hẹp.
Hoa Sen là trường hợp ghi nhận mức giảm sâu nhất trong danh sách. Lợi nhuận sau thuế quý I/2025 ước đạt 100 tỷ đồng, giảm tới gần 69% so với cùng kỳ. SSI Research nhận định nguyên nhân đến từ giá thép cán nóng HRC chưa phục hồi như kỳ vọng, trong khi sức tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều yếu, dẫn tới sản lượng tiêu thụ thấp và biên lợi nhuận gộp co hẹp đáng kể.
Ước tính lợi nhuận quý I/2025 của một số doanh nghiệp niêm yết (Nguồn: SSI Research)
Cùng chịu ảnh hưởng từ biến động giá hàng hóa, Petrolimex – “tay to” ngành phân phối xăng dầu ước lãi 500 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với quý I/2024. Diễn biến giá dầu giảm hơn 10% trong giai đoạn đầu năm, cộng với biến động tỷ giá và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ trong nước khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc duy trì hiệu quả kinh doanh.
Trong lĩnh vực lọc hóa dầu, BSR – đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – báo lãi 550 tỷ đồng, giảm khoảng 51% so với cùng kỳ. Mặc dù giá dầu Brent có dấu hiệu ổn định, nhưng chênh lệch giá crack spread không còn hấp dẫn như năm ngoái, trong khi chi phí bảo trì bảo dưỡng định kỳ vẫn ở mức cao, tác động trực tiếp đến hiệu suất vận hành và lợi nhuận.
Gemadept – doanh nghiệp hàng đầu trong ngành logistics – cũng ghi nhận kết quả sụt giảm với lợi nhuận ước đạt 450 tỷ đồng, giảm khoảng 31% so với quý I/2024. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm sản lượng thông quan tại các cảng chính do ảnh hưởng của nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sang châu Âu và Mỹ vẫn còn yếu.
Một cái tên khác là Hà Đô Group cũng được dự báo mức giảm lợi nhuận gần 28%, còn 192 tỷ đồng. Việc chưa có dự án mới bàn giao trong quý I và sản lượng điện thương phẩm không tăng trưởng đã khiến doanh thu hợp nhất thấp hơn so với cùng kỳ, kéo theo hiệu quả tài chính suy giảm.
Tại nhóm ngân hàng, OCB được dự báo có lợi nhuận giảm, ước đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ và 31% so với quý trước. SSI Research cho hay, nguyên nhân chính đến từ tỷ lệ nợ xấu cao, kéo theo chi phí trích lập dự phòng gia tăng. Năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của OCB đạt 3,17%, tăng 0,51 điểm % so với năm 2023.
Bình luận (10)





