Hãy là người đầu tiên thích bài này
Loạt cổ phiếu mà bán chỉ vàng không đủ đi 1 lệnh: Nhiều mã tăng nóng từ đầu năm, đại diện tỷ USD vốn hóa cũng góp mặt

Với những mã cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán, nhà đầu tư thậm chí có thể phải bỏ ra khoảng 3 – 4 chỉ vàng mới đủ đi 1 lệnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua thời gian dài gần như lặng sóng nhưng nhiều cổ phiếu vẫn âm thầm đi lên, đạt đến những mức giá cao “ngất ngưởng”. Thậm chí, để thực hiện 1 lệnh (không tính lô lẻ) mua các mã cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán, nhà đầu tư có thể phải bán vài chỉ vàng.

Từ đầu năm 2021, lô giao dịch trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM được đồng bộ là 100 đơn vị, nghĩa là nhà đầu tư giao dịch khớp lệnh với số lượng ít nhất 100 cổ phiếu và phải là bội số của 100. Giao dịch số cổ phiếu từ 1 đến 99 cổ phiếu được xếp vào diện giao dịch lô lẻ. Lô lẻ thường phát sinh do việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, tách cổ phiếu hoặc thực hiện quyền mua cổ phiếu.

Theo thống kê, toàn sàn chứng khoán hiện có tổng cộng 39 mã cổ phiếu mà nhà đầu tư bán 1 chỉ vàng SJC (giá mua – bán cập nhật tại ngày 16/2 là 87,3 – 90,3 triệu đồng/lượng) nhưng không đủ đi 1 lệnh mua. Trong đó, HoSE có 17 mã, HNX có 8 mã, còn lại 14 mã cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM.

Với những mã cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn có thị giá trên 300.000 đồng/cp như WCS – Bến xe Miền Tây, HGM – Khoáng sản Hà Giang, CMF – Cholimex hay HLB – Bia Hạ Long, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 3 – 4 chỉ vàng mới đủ đi 1 lệnh.

Danh sách này có nhiều cổ phiếu “hot” với mức tăng hàng chục %, thậm chí bằng lần từ đầu năm 2025, có thể kể đến như KSV – Khoán sản TKV (+164%), TOS - Dịch vụ Tân Cảng (+97%), MVN – VIMC (+61%), HGM – Khoáng sản Hà Giang (+55%), CTD – Coteccons (+34%), SJS – Sudico (+25%),…

Đáng chú ý, nhóm các cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn có rất nhiều cái tên quen thuộc với giới đầu tư, thậm chí có cả các doanh nghiệp tỷ USD đứng top đầu sàn về vốn hóa. Điển hình như Vietcombank (VCB), Cảng hàng không (ACV), FPT, Masan Consumer (MCH), VIMC (MVN), Vietjet Air (VJC),…

Ở thời điểm hiện tại, câu chuyện “bán vàng mua chứng khoán” có lẽ không nằm trong suy nghĩ của nhiều người. Giá vàng thế giới vẫn chưa hết nóng và được dự báo sẽ còn leo thang trong bối cảnh thế giới đầy rẫy những biến động khó lường. Giá vàng trong nước dù không hoàn toàn đồng pha nhưng cũng khó nằm ngoài xu hướng này.

Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực nhất định từ những yếu tố bên ngoài. Theo SGI Capital, những tháng tới tiếp tục là giai đoạn môi trường quốc tế có rất nhiều biến động lớn về thương mại, kinh tế, và chính trị có thể ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền đầu tư toàn cầu. Cụ thể là Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN đang bị bán ròng mạnh do các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về mô hình kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhất vào thị trường Mỹ sẽ nhạy cảm và chịu ảnh hưởng lớn nếu bị chính quyền Trump áp thuế nhập khẩu. Bởi vậy, việc chủ động chuẩn bị trước các kịch bản bị áp thuế và có sẵn đối sách ứng phó sẽ giúp giảm sốc cho doanh nghiệp xuất khẩu và toàn bộ nền kinh tế chung hơn là kỳ vọng Việt Nam với quan hệ đối tác chiến lược hiện nay sẽ tránh được thuế quan.

Tuy nhiên, SGI Capital cũng cho rằng, quyết tâm và năng lực ứng phó của Chính phủ cũng như sự năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp rồi sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua các khó khăn và tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới. “Trong ngắn hạn, ảnh hưởng từ bên ngoài có thể dẫn tới những thay đổi về kinh tế và biến động lớn trên TTCK, tạo ra rủi ro và cơ hội. Rủi ro và biến động lớn luôn tạo ra các cơ hội lớn, cho những ai sẵn sàng”, quỹ đầu tư đánh giá.

Về dài hạn, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan nhờ vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết và câu chuyện nâng hạng đang ngày càng rõ ràng hơn.

Hà Linh-Link gốc

Bình luận (1)

RAL xứng đáng có thị giá cao nhất tam sàn. RAL chỉ số P/E = 4 hiện tại đã vươn mình đổi mới thành công ty công nghệ gắn với hệ sinh thái chiếu sáng ứng dụng AI và IoT giúp tăng lợi nhuận đều qua các n...Thêm
07:47
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long