Hãy là người đầu tiên thích bài này
Gam màu sáng tối trong bức tranh kinh doanh của ngành hàng không

Ngành hàng không đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm 2024 nhờ hoạt động vận chuyển phục hồi ấn tượng.

Hàng loạt "ông lớn" trong ngành hàng không đã công bố kết quả kinh doanh với nhiều con số cao "chưa từng thấy" sau nửa đầu năm. Bên cạnh đó, nỗi lo về cơ cấu tài chính vẫn hiện hữu và chưa thể được giải quyết trong ngắn hạn.

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Công ty CP Hàng không Vietjet vừa công bố báo cáo tài chính bán niên sau kiểm toán với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, sau hợp nhất, Vietjet đạt hơn 34.000 tỉ đồng doanh thu và hơn 1.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024, tăng trưởng lần lượt 15% và 307% so với cùng kỳ.

Trong đó, riêng doanh thu vận tải hàng không nửa đầu năm đạt hơn 33.860 tỉ đồng. Lãi trước thuế đạt 1.166 tỉ đồng, gấp gần bảy lần cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá mới đây nhất của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Saigon Ratings, Vietjet được duy trì bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn vnBBB- với triển vọng “Ổn định”.

Vietjet được đánh giá có sự phục hồi rõ rệt trong thời gian qua, đồng thời có thể bứt phá phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong trung và dài hạn nhờ tiềm năng tăng trưởng ở mảng vận chuyển hàng hóa và đặc biệt là mảng vận chuyển khách quốc tế.

Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trước đó đã công bố báo cáo bán niên được kiểm toán với số liệu tích cực trở lại sau chuỗi bốn năm liền thua lỗ.

Theo đó, trong nửa đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 52.560 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 5.400 tỷ đồng so với mức lỗ 1.386 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình từ phía Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh trong 6 tháng qua chủ yếu đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ tăng và hãng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa, hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác cũng như mở thêm các đường bay mới.

Ngoài công ty mẹ, các công ty con của Vietnam Airlines đều kinh doanh có lãi. Trong đó, tổng công ty ghi nhận thu nhập khác hợp nhất tăng mạnh do Pacific Airlines được đối tác xóa nợ theo thỏa thuận trả máy bay.

Tại Đề án cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đang được xét duyệt, công ty dự kiến sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh bán niên đầy ấn tượng, với lợi nhuận chạm mức cao kỷ lục. Đáng chú ý, ACV sở hữu biên lợi nhuận gộp “tăng vọt” lên đến trên 60%.

Theo đó, doanh thu thuần đạt 11.178 tỷ đồng, tăng 16% và lãi ròng đạt 6.148 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng đến từ cả hai mảng chính là dịch vụ hàng không, tăng 500 tỷ đồng lên mức 4.550 tỷ đồng, trong khi mảng phi hàng không tăng thêm 100 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng.

ACV cho biết, lợi nhuận tăng ấn tượng nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của khách quốc tế trong nửa đầu năm với mức tăng gần 40%, bất chấp tổng sản lượng khách giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cùng với đó, sản lượng cất hạ cánh quốc tế cũng tăng mạnh 27%, đạt hơn 126.700 lượt chuyến.

Thêm nữa, hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng góp phần không nhỏ khi sản lượng hàng hóa và bưu kiện đạt gần 730.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 498.000 tấn, tăng 21% và hàng hóa nội địa đạt 231.000 tấn, tăng 36%.

Nhờ đó, “ông trùm” cảng hàng không Việt Nam đã hoàn thành hơn 80% mục tiêu lợi nhuận năm chỉ sau sáu tháng.

Áp lực tài chính

Bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc, áp lực về nợ vay vẫn hiện hữu với các vị “đại gia” trong ngành hàng không.

Đối với Viejet, theo Saigon Ratings, các khoản phải thu khách hàng có giá trị lớn làm ảnh hưởng trọng yếu tới dòng tiền kinh doanh.
Bên cạnh đó, các nghĩa vụ nợ nội bảng và cam kết ngoại bảng có giá trị lớn của công ty đã tăng mạnh trong năm 2023 với 9.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành mới, tương đương hơn một phần tư tổng dư nợ tài chính. Lãi suất các lô trái phiếu này đã không còn ở mức thấp như các đợt phát hành trước, gây áp lực lớn lên chi phí vốn của công ty trong ngắn và trung hạn.

Đáng chú ý, hiện Vietjet vẫn đang có khoản nợ xấu hơn 1.700 tỷ đồng tại ACV, tăng 470 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản sau điều chỉnh của Vietjet là trên 60% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng để phục vụ việc mở rộng và phát triển các tuyến bay quốc tế.
Theo giới phân tích, động thái này yêu cầu Vietjet cần có sự đánh giá kỹ về dòng tiền và tính hiệu quả của phương án để đảm bảo rủi ro của các khoản vay, tránh ảnh hưởng tới quá trình phục hồi vốn đang "mong manh" trong bối cảnh ẩn chứa nhiều biến số bất định.

Còn với Vietnam Airlines, hãng kiểm toán KPMG nhấn mạnh, tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 40.787 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn là 13.351 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.633 tỷ đồng.

Như vậy, khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Về phía “đại gia” ACV, dù hoạt động kinh doanh ghi nhận những con số kỷ lục nhưng bức tranh tài chính của ACV vẫn còn đó những “gam màu tối”.

Tính đến cuối tháng 6, nợ xấu của tổng công ty tăng mạnh gần gấp rưỡi so với đầu năm, lên hơn 8.256 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các khoản nợ xấu “khủng” của Bamboo Airways (2.265 tỷ đồng), Pacific Airlines (880 tỷ đồng) hay Viettravel Airlines (325 tỷ đồng)… đã được trích lập dự phòng 100%.

Cuối kỳ, ACV đã trích lập dự phòng tổng cộng gần 3.900 tỷ đồng đối với các khoản nợ trên và con số nợ/trích lập này vẫn tiếp tục tăng theo quý và đe dọa đáng kể tới cơ cấu tài chính và triển vọng tăng trưởng của công ty nếu không sớm được giải quyết.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không năm 2024 là từ 80 triệu lượt trong đó nội địa là 38,3 triệu lượt và quốc tế là 41,7 triệu lượt.

Trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, các chỉ tiêu về vận tải hàng không năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách (tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023).

Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1,16 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2023); trong đó, hàng hóa nội địa là 210.000 tấn (tăng 10,5% so với năm 2023), hàng hóa quốc tế là 950.000 tấn (tăng 3,6% so với năm 2023).

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 58 triệu lượt khách (tương đương năm 2023); trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu lượt (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 19,5 triệu lượt (tăng 30% so với năm 2023).

Dũng Phạm

Link gốc

Bình luận (2)

Deé bao giờ đóng cữa nổi! Con đẻ làm sao chết nổi! Ngáp mạnh vô
20:23
Nói đi nói lại thì méo bán, gom thêm khi có giá tốt
21:33
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long