Trong 9 tháng qua, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển ước đạt 78,2 triệu tấn; số lượng tàu Việt Nam và nước ngoài vào, rời khu vực cảng biển Hải Phòng ước đạt 12.316 lượt.
Bốc xếp container hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Năm 2024, phấn đấu sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 107 triệu tấn, số lượng tàu thuyền thông qua đạt 16.950 lượt.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Bùi Nguyên Khôi chia sẻ, đạt được con số trên là do khu vực cảng biển Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định có liên quan tới lĩnh vực hàng hải nói chung và sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động hàng hải trong khu vực cảng biển Hải Phòng nói riêng.
Cùng đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chú trọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng, cho các chủ tàu, đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Còn theo ông Nguyễn Tường Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế đang ngưng trệ do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, các cảng biển Hải Phòng vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng mạnh mẽ là minh chứng cho thấy hiệu quả từ sự năng động không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả trong khai thác, điều hành sản xuất và chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn ngành kinh tế cảng biển Hải Phòng. Kết quả đó khẳng định thương hiệu xứng tầm của cảng biển Hải Phòng trong ngành hàng hải Việt Nam nói chung và hàng hải Hải Phòng nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khu vực cảng biển Hải Phòng đang gặp rất nhiều khó khăn về vị trí đổ thải nạo vét cho các công trình xây dựng cảng biển, hoạt động nạo vét, duy tu luồng, thủy diện cầu cảng, bến cảng.
Hoạt động hàng hải tại khu vực đang diễn ra với với mật độ cao như: hoạt động thi công xây dựng, nâng cấp cầu bến cảng, hoạt động nạo vét, duy tu luồng, thủy diện cầu cảng, bến cảng, và các công trình hàng hải khác diễn ra hết sức phức tạp, gây áp lực lên công tác an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường trong khu vực cảng biển Hải Phòng.
Kênh Hà Nam chỉ được thiết kế một chiều; các tàu trên 100.000 DWT chỉ được hành trình 1 chiều trên luồng Lạch Huyện gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch, điều tiết các tàu thuyền ra vào cảng, đặc biệt vào các thời điểm nước thuỷ triều lớn.
Theo ông Nguyễn Tường Anh, về công tác nạo vét luồng hàng hải, theo các Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quyết định số 442/QĐ-TTG ngày 22/5/2024 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển Hải Phòng được chia thành 3 khu vực chính gồm: Khu vực Lạch Huyện có độ sâu luồng là -14 m, đón các tàu container có sức chở 6.000 ÷ 18.000 TEU; tàu tổng hợp, hàng rời đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn; tàu khách đến 225.000 GT.
Khu bến Đình Vũ có độ sâu luồng là -7,0 m, đón các tàu tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng, khí trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện luồng Hải Phòng. Khu bến Sông Cấm có độ sâu luồng là -5,5 m, đón các tàu có trọng tải đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn, phù hợp với điều kiện luồng hành hải và tĩnh không công trình vượt sông.
Theo thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Lạch Huyện chiếm khoảng 10% và tới 90% hàng hóa thông qua các cảng khu vực thượng lưu kênh Hà Nam. Đoạn kênh Hà Nam hiện tại độ sâu -7 m và có những thời điểm bị sa bồi khiến các tàu có mớn nước -8,5 m trở lên phải neo chờ thủy triều và giảm tải hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, dự án nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ do Công ty cổ phần Gemadept nghiên cứu và đề xuất, nhằm hạ độ sâu luồng từ -7 m xuống -8,5 m, đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, thống nhất chủ trương, khởi công từ ngày 31/1/2024 và hoàn thành tháng 7/2024.
Ông Nguyễn Tường Anh cho rằng, bên cạnh những ưu điểm mang lại từ dự án nâng cấp luồng hàng hải này, thực tế cho thấy vẫn còn đó những nhược điểm, đó là việc nạo vét cải tạo đoạn luồng từ vũng quay trở tàu bến container quốc tế Hải Phòng đến thượng lưu Cảng Đình Vũ hiện nay mới được thực hiện Đoạn 1 L1=10,54 Km (từ Km20+660 đến Km31+200) trong khi phần còn lại chưa được triển khai dẫn tới không phát huy hết hiệu quả và gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp khai thác cảng khác trong khu vực Đình Vũ.
Trong thời gian tới sẽ có các bến tàu tại khu vực Lạch Huyện được đưa vào khai thác, sử dụng nên việc các tàu có trọng tải nhỏ hơn 50.000 DWT có thể ra, vào các cảng thuộc khu vực Đình Vũ sẽ làm giảm sức cạnh tranh cũng như giảm hiệu quả đầu tư của các bến được đầu tư của khu vực này.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, ngày 30/9, ông Nguyễn Tường Anh cho biết, căn cứ thực trạng hiện nay, để nâng cao chất lượng kết nối giao thông đến các cảng tại khu vực Hải Phòng, Cảng Hải Phòng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Hải Phòng có ý kiến với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải... tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội bộ các cảng trong khu vực, bổ sung cầu vượt biển và tuyến đường sau bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và nâng cấp luồng đường thủy nội địa để đảm bảo các cỡ tàu hoạt động.
Về việc nạo vét luồng quốc gia, Cảng Hải Phòng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Hải Phòng có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải sớm chấp thuận chủ trương cho các cảng thượng lưu của Cảng Nam Đình Vũ được nạo vét đoạn luồng còn lại đến -8,5 m để đảm bảo độ sâu đồng nhất cho tuyến luồng, tạo sự bình đẳng cho các cảng trong khu vực.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét mở rộng kênh Hà Nam để cho tàu thuyền hành trình 2 chiều, góp phần giảm áp lực lên các tuyến luồng hàng hải, đặc biệt tại các thời điểm nước thuỷ triều lớn.
Đoàn Minh Huệ (TTXVN)