Tại Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng năm 2024 do Sở Công Thương TP Đà Nẵng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vào đầu tháng 8-2024 vừa qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định xung đột quân sự tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là giữa Nga với Ukraine ở Châu Âu và khu vực Trung Đông đã ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển quốc tế khiến cho giá cước vận tải hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển quốc tế tăng lên.
Cước vận tải hàng hóa bằng đường biển quốc tế đang neo ở mức cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa lên tàu tại cảng Đà Nẵng để vận chuyển ra nước ngoài.
Không dám nhận đơn hàng mới
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nói chung, trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng đang lo lắng trước việc cước vận tải hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển quốc tế tăng lên. Ông Dương Tiến Lâm - Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Logistics Việt Nam tại TP Đà Nẵng, cho biết, từ tháng 4-2024, cước vận tải container đường biển quốc tế tăng mạnh trở lại, có thời điểm tăng bằng với thời điểm xảy ra dịch COVID-19 (giai đoạn 2020-2021) đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp. Ngoại trừ giá cước vận tải biển quốc tế đi thị trường Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số nước Đông Nam Á không thay đổi nhiều, còn lại giá cước đi các thị trường như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông bị tăng lên rất cao.
Vị Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Logistics Việt Nam tại TP Đà Nẵng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần tính toán, cân nhắc chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển quốc tế vì điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng tồn kho, hiệu quả hoặc việc giao, bán các đơn hàng để đảm bảo không bị thiệt hại. "Từ thực tế trong thời điểm dịch COVID-19, đã có một số đơn vị tồn kho quá lớn ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền, thậm chí phá sản. Từ giờ đến cuối năm 2024 có nhiều dự đoán khác nhau, các kịch bản khác nhau, tuy nhiên điểm chung là đang biến động rất lớn, vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải tính toán", ông Dương Tiến Lâm khuyến cáo.
Là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ, bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food (H.Hòa Vang), cho hay, hiện doanh nghiệp này đang rất khó khăn với các lô hàng đi thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ. "Giá trị hàng hóa của doanh nghiệp không lớn, trong khi giá cước vận tải biển tăng quá cao, chiếm tới hơn 50% phi phí nên chúng tôi rất khó khăn trong quyết định có nhận đơn hàng mới hay không. Hiện nay giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị cũng đang tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, vì vậy, trong thời gian này, thậm chí doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới từ thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ", bà Mai Thị Ý Nhi chia sẻ thêm.
Chia sẻ khó khăn với đối tác
Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (DFP) có nhà máy sản xuất tại KCN Hòa Cầm (Q.Cẩm Lệ), đang vào mùa hàng xuất khẩu mới. Ông Huỳnh Trinh - Giám đốc DFP cho biết, đơn vị này may mắn hơn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, lâm sản khác tại miền Trung là đã có đơn hàng ổn định của đối tác truyền thống đến từ thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, chi phí logistics tăng cũng làm giảm lợi nhuận của đơn vị. Theo hợp đồng đã ký kết, DFP sẽ giao hàng cho đối tác tại cảng Đà Nẵng, nghĩa là bên mua hàng chịu chi phí vận chuyển. "Về lý thuyết, chi phí logistics tăng thì bên mua chịu, nhưng do giá cước vận tải biển quốc tế tăng quá cao nên phía đối tác đã đàm phán với Công ty để giảm một phần giá thành sản phẩm. Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn với đối tác, chấp nhận giảm lợi nhuận để đôi bên cùng hài hòa lợi ích", ông Huỳnh Trinh cho hay. Cũng theo Giám đốc DFP, việc giảm giá mỗi lô hàng có thể từ 3 - 10% tùy đợt hàng và tùy chi phí vận tải biển thời điểm đó. "Chấp nhận là lợi nhuận giảm, nhưng làm ăn thì có lúc này lúc kia. Đổi lại chúng tôi có đơn hàng ổn định, duy trì việc làm thường xuyên, ổn định và đảm bảo chế độ cho người lao động", ông Huỳnh Trinh chia sẻ thêm.
Với doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lốp cao su như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) ở KCN Liên Chiểu (Q.Liên Chiểu), 70% doanh thu của DRC đến từ xuất khẩu. Trong đó, các thị trường chính là Brazil, Hoa Kỳ. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc DRC thông tin, trong xu hướng cạnh tranh vô cùng khốc liệt, logistics chiếm vai trò quyết định đối với xuất khẩu khi Việt Nam chưa có các hãng vận tải lớn để đồng hành cùng doanh nghiệp. Đơn cử như Thái Lan, chính phủ có chính sách hỗ trợ cho chi phí logistics. Bởi vậy, cùng một container hàng từ Thái Lan xuất khẩu đi Hoa Kỳ luôn có chi phí thấp hơn 100 - 200 USD so với Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc DRC, trong giai đoạn hiện nay, khi chi phí vận tải tăng mạnh, doanh nghiệp phải nỗ lực để có sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh để tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, DRC cũng mong muốn sẽ có thêm những hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý thông qua việc kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu có cùng điểm đến tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Châu Âu, Hoa Kỳ để đảm bảo có dung lượng container lớn, từ đó có sơ sở đàm phán giá với các hãng tàu, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí logistics nói chung, chi phí vận tải hàng hóa bằng đường biển quốc tế nói riêng.
PHÚ NAM
Bình luận (2)
**Doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng trước việc cước vận tải biển quốc tế tăng cao**
Tại Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng năm 2024, nhiều doanh nghiệp và chuyên gi...Thêm