Hãy là người đầu tiên thích bài này
Doanh nghiệp xây dựng: Lấy lại vị thế nhưng vẫn chật vật với bài toán nợ đọng

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng cũng đã bày ra một bức tranh nhiều dấu hiệu khởi sắc của ngành xây dựng trong quý vừa qua.

Theo Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý II/2024 và dự báo quý III/2024 do Tổng cục Thống kê công bố, trong số 6.056 doanh nghiệp ngành xây dựng trả lời điều tra của Tổng Cục Thống kê về tình hình hoạt động trong quý II/2024 so với quý I/2024, có 26,4% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 42,9% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 30,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.

Dự báo quý III/2024 so với quý II/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định tốt lên với 28,8% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 43,1% nhận định giữ ổn định và 28,1% dự báo khó khăn hơn.

Dù vậy tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng ngành Xây dựng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước nói chung và các vấn đề nội tại của ngành nói riêng.

Sự tăng trưởng của ngành Xây dựng còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công.

Doanh thu hoạt động xây dựng tăng mạnh

Không chỉ qua khảo sát, thực tế kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng được niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng đã bày ra một bức tranh nhiều dấu hiệu khởi sắc của ngành xây dựng trong quý vừa qua.

Một số doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với doanh thu từ hoạt động xây dựng tăng trưởng tích cực, thậm chí tăng bằng lần so với tình trạng hoạt động èo uột của cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đã công bố báo cáo tài chính cho giai đoạn từ ngày 1/4 – 30/6/2024 với doanh thu thuần đạt 6.595 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu doanh thu của công ty chủ yếu tới từ hợp đồng xây dựng, chiếm tới 6.583 tỷ đồng tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, một số mảng cho thuê thiết bị xây dựng, cho thuê văn phòng… cũng đem lại cho doanh nghiệp khoản thu tăng trưởng nhẹ.

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Coteccons báo lãi sau thuế đạt gần 59 tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Hay như Công ty Cổ phần FECON (HoSE: FCN), doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 816 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, tất cả doanh thu của công ty đều đến từ việc bán hàng, xây lắp và cung cấp dịch vụ.

Dù không có lãi lớn như Coteccons mà FECON chỉ báo lãi sau thuế quý II/2024 đạt hơn 720 triệu đồng nhưng đây cũng là cú lội ngược dòng của doanh nghiệp so với con số lỗ gần 1,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Hay như tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính cốt lõi ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính lại đem về cho Xây dựng Hòa Bình tới 46,18 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết nguyên nhân đến từ việc chuyển nhượng thành công cho Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên) và Công ty Cổ phần cơ khí và nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 684,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 đang lỗ tới hơn 268 tỷ đồng), đây là mức lãi kỷ lục trong một quý mà doanh nghiệp này đạt được kể từ khi đi vào hoạt động.

Tương tự như Xây dựng Hòa Bình, dù không có doanh thu tăng trưởng tốt nhưng với việc tiết giảm triệt để được chi phí, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) cũng báo lãi sau thuế quý II/2024 đạt 163 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận của Vinaconex tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ dù doanh thu giảm sút, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,8% lên 20%.

Bên cạnh đó, các chi phí cũng được tiết giảm đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2023, trong đó chi phí tài chính giảm từ 490 tỷ đồng về còn 236 tỷ đồng.

Những mảng màu tối trong bức tranh sáng ngành xây dựng

Bên cạnh những mảng sáng, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng phân hóa rõ rệt với một số doanh nghiệp từng "làm mưa, làm gió" dẫn dắt thị trường lại ghi nhận tình hình kinh doanh đi xuống.

Cụ thể như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận doanh thu đi xuống, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 2.003 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu của Ricons chủ yếu cũng đến từ các hợp đồng xây dựng, đạt hơn 1.905 tỷ đồng, giảm 177 tỷ đồng so với cùng kỳ, kéo theo đà giảm chung của tổng doanh thu.

Trong khi doanh thu đi xuống thì chi phí vẫn neo cao khiến Ricons ngậm ngùi báo lãi sau thuế chỉ ở mức 26 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng cộng khổ với Ricons là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) với doanh thu thuần quý II/2024 giảm 3,5 lần về mức 437 tỷ đồng do doanh thu hợp đồng xây dựng giảm sâu.

Trong khi đó, khoản mục giá vốn vẫn neo cao khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể chỉ hơn 36 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận tới hơn 117 tỷ đồng.

Mặc dù quý này Hưng Thịnh Incons có điểm sáng là doanh thu tài chính tăng cao lên ngưỡng 40 tỷ đồng nhưng cũng không đủ bù đắp lại sự thiếu hụt của hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, công ty xây dựng này báo lãi sau thuế chỉ đạt 1,7 tỷ đồng, giảm 28 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp xây dựng vẫn chật vật cùng bài toán "nợ đọng"

Với đặc thù của ngành xây dựng là làm trước, thanh toán sau và chỉ được tạm ứng ban đầu một phần, các doanh nghiệp phần lớn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu cho doanh nghiệp xây dựng hiện hữu khi chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ thanh toán hay thậm chí là không còn khả năng thanh toán.

Tại Coteccons, tại cuối quý II/2024 chiếm phần lớn trong tổng tài sản của công ty là các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn với gần 11.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hợp đồng thanh toán với đối tác như CTCP Vinhomes (1.128 tỷ đồng), Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (917 tỷ đồng), Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (176 tỷ đồng) và các khách hàng khác (9.627 tỷ đồng).

Đáng chú ý, một phần lớn tài sản của Coteccons đang nằm tại các khoản nợ xấu đều liên quan đến các công ty vướng lùm xùm lừa đảo, sai phạm trên thị trường, chiếm 2.242 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng tài sản.

Coteccons nhận định không có khả năng thu hồi 484 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh), 143 tỷ đồng của Saigon Glory (công ty thành viên của Bitexco), 122 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Minh Việt (công ty có Chủ tịch người nước ngoài đã bỏ trốn).

Bên cạnh đó, gần 1.500 tỷ đồng nợ xấu từ đối tác khác chỉ có khả năng thu hồi khoảng gần 900 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây dựng chật vật cùng bài toán "nợ đọng".

Tại FECON, tổng tài sản của công ty chỉ đạt 8.516 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024 nhưng có tới 4.013 tỷ đồng là các khoản phải thu, chiếm tới gần một nửa tổng tài sản.

Trong khi đó ở phía bên kia bảng cân đối, công ty có hơn 5.176 tỷ đồng nợ phải trả cần thanh toán, tương ứng chiếm 60% tổng tài sản, bao gồm 2.991 tỷ đồng nợ vay tài chính, công ty không thuyết minh chi tiết về các khoản nợ này.

Tại thời điểm 30/6/2024, Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn là 11.219 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản.

Báo cáo triển vọng của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá Luật Đất đai và Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ có hiệu lực sớm hơn, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng.

Chuyên gia từ BVSC đánh giá, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội trong nửa cuối năm 2024.

Nguyễn Hồng Nhung

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long