Giá cước vận tải, cước cho thuê tàu neo ở mức cao giúp các doanh nghiệp vận tải tàu dầu đạt được kết quả kinh doanh tích cực.
Nhiều doanh nghiệp lãi lớn
Kết thúc quý II/2024, Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 359 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận mức lãi hơn 62 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm 2024, PV Trans Pacific ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng hơn 8%.
Giá cước vận tải, cước cho thuê tàu dầu vẫn neo ở mức cao giúp các doanh nghiệp kinh doanh có lãi (Ảnh minh họa).
Theo lý giải của PV Trans Pacific, lợi nhuận trong quý II tăng so với cùng kỳ do đội tàu của công ty tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt. Doanh nghiệp cũng thực hiện tiết giảm tốt chi phí đội tàu. Ngoài ra, các yếu tố chênh lệch tỷ giá tăng và doanh thu tài chính giảm cũng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty.
Tương tự, Công ty CP Vận tải Xăng dầu Vitaco cũng thông báo mức lợi nhuận trước thuế đạt 31,6 tỷ đồng, tăng mạnh tới 290% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ vận tải khi chiếm tới hơn 253 tỷ đồng. Kết thúc quý II, doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Vitaco chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận với gần 53 tỷ đồng, tăng 165% so với nửa đầu năm 2023.
Theo Vitaco, nguyên nhân giúp doanh nghiệp tăng mạnh lợi nhuận sau thuế kỳ này chủ yếu đến từ giá vốn hoạt động vận tải giảm (chi phí khấu hao đội tàu viễn dương giảm).
Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco) cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. 6 tháng đầu năm 2024, Vosco đạt mức lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 358 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Xét riêng trong quý II/2024, báo cáo tài chính hợp nhất của "anh cả đỏ" vận tải biển Việt Nam cho thấy doanh nghiệp mang về doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Vosco trong quý II đạt hơn 344 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ năm 2023 và doanh nghiệp ghi nhận mức lãi trong quý II cũng tăng hơn 200 lần, đạt 283,8 tỷ đồng.
Hiện nay, Vosco đang kinh doanh với 3 mảng tàu gồm tàu dầu, tàu container và tàu tổng hợp. Trong đó, việc khai thác tàu dầu đang mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.
Thị trường vẫn sáng
Theo các chuyên gia quốc tế, các bất ổn về tình hình địa chính trị thế giới, cùng cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ đã khiến tuyến đường vận tải biển quốc tế thay đổi.
Nhiều tàu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, khiến quãng đường vận chuyển dài hơn và giá cước tăng. Với tàu dầu, nhu cầu với dầu thô và tàu dầu sản phẩm cũng đã tăng lần lượt khoảng 5,5 và 4,5% trong nửa đầu năm 2024.
Giá cước thuê tàu chuyến, giá cước thuê tàu định hạn và giá tàu cũ được dự báo tăng trong suốt 2 năm 2023 và 2024.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường hàng hải độc lập Drewry cho thấy trong 6 tháng qua, mức giá trung bình cho thuê tàu trong 1 năm cho tàu cỡ Aframax (tàu chở dầu có trọng tải từ 80.000-120.000 tấn) đã tăng từ 41.700 USD/ngày lên 44.300 USD/ngày.
Với nhu cầu tăng cao, giá cho thuê tàu dầu định hạn (trong khoảng 3 năm) cũng tăng từ 30.400 USD/ngày lên 36.700 USD/ngày so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc PVTrans Pacific, giá cước tàu dầu hiện có xu hướng đứng yên và có xu hướng giảm nhẹ do sản lượng dầu của Nga đang giảm khoảng 20%.
"Trong quý III, dự kiến giá cước có thể kém hơn nhưng vào cuối năm 2024 có thể bật tăng trở lại. Các biến động của thị trường hiện nay vẫn thất thường và các dự báo chỉ mang tính ngắn hạn", ông Chính chia sẻ.
Không chỉ giá cước vận tải, giá mua bán tàu cũng tăng cao. Lãnh đạo PVTrans Pacific tiết lộ, giá tàu tùy từng kích cỡ và tuổi tàu. Tiêu biểu, tàu Aframax cỡ 15 tuổi có giá khoảng 42 triệu USD. Ở phân khúc tàu dầu sản phẩm MR (tàu trọng tải từ 40.000-50.000 DWT) tăng khoảng 20%.
Dù vâỵ, trước những tín hiệu tích cực của thị trường tàu dầu trong thời gian trước mắt, để sớm tận dụng các cơ hội từ thị trường, bổ sung năng lực đội tàu, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trên đà thực hiện đầu tư thêm tàu mới.
Tiêu biểu, Vitaco lên kế hoạch đẩy mạnh tìm kiếm đầu tư 1 tàu viễn dương thay thế tàu Petrolimex 08 đã thanh lý vào thời điểm thích hợp với giá trị đầu tư tối đa 40 triệu USD. Trong khi đó, PV Trans Pacific cũng dự kiến gia tăng đội tàu. Doanh nghiệp dự kiến tiếp tục đầu tư 2 tàu MR và 1 tàu Aframax, hoặc 4 tàu MR, hoặc 2 tàu Aframax trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường để phát triển đội tàu, tăng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn.