Trong năm 2024, công ty đã triển khai giải pháp nhằm duy trì và tăng trưởng thị trường, thị phần, phát triển thêm 10 tuyến dịch vụ container mới về các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn...
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) được thành lập năm 1995 với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Năm 2020, VIMC chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển VIMC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ Hàng hải trên phạm vi toàn cầu đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Mới đây, công ty đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2025. Theo đó, năm 2024 đánh dấu một năm đầy thách thức khi VIMC phải đối mặt với biến động mạnh của thị trường quốc tế, suy thoái kinh tế và những yêu cầu mới từ xu hướng giảm phát thải toàn cầu. Mặc dù vậy, VIMC đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Sản lượng vận tải biển đạt 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch; hệ thống cảng biển xử lý 145 triệu tấn hàng hóa, tăng 27% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng container đạt trên 6,2 triệu TEUs.
Tổng doanh thu của toàn hệ thống đạt 24.813 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch, trong đó doanh thu hợp nhất là 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023.
Lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 4.940 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2023, vượt 28% kế hoạch). Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của tổng công ty và là năm thứ tư, doanh nghiệp này đạt mức lãi trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, doanh thu và lợi nhuận tăng cao là do doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc đội tàu. Mặc dù năng lực đội tàu bị suy giảm song do đẩy mạnh các hoạt động thuê tàu ngoài dưới nhiều hình thức nên sản lượng vận tải biển vượt xa kế hoạch từ đầu năm.
Năm 2024, VIMC Lines mở rộng hoạt động và phát triển tuyến dịch vụ kết nối Malaysia, Singapore và Indonesia.
Sản lượng khối cảng biển tăng trưởng tốt do VIMC đã triển khai giải pháp nhằm duy trì và tăng trưởng thị trường, thị phần, phát triển thêm 10 tuyến dịch vụ container mới về các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn...
Trong năm, VIMC cũng đã đạt được kết quả tích cực khi triển khai các dự án. Các dự án trọng điểm như Bến container số 3, số 4 tại cảng Lạch Huyện và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã đạt tiến độ tích cực, đảm bảo đưa vào khai thác đúng thời hạn.
Đồng thời, VIMC đã triển khai các sáng kiến chiến lược như cảng thủy nội địa Ninh Giang và cảng cạn Đông Phố Mới, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái logistics hiện đại và hiệu quả.
Năm 2024, tiền lương người lao động bình quân đạt 18,2 triệu đồng/tháng, riêng công ty mẹ đạt 25,1 triệu đồng/tháng, bằng 109% kế hoạch.
Bước sang năm 2025, VIMC đặt mục tiêu củng cố vị thế dẫn đầu và mở rộng mạng lưới dịch vụ quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2025, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh khẳng định: "Không thể thay đổi được hướng gió, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cánh buồm".
Tổng công ty cho biết sẵn sàng thích ứng, biến thách thức thành cơ hội, dẫn dắt ngành hàng hải Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong và dẫn dắt ngành hàng hải Việt Nam trên bản đồ quốc tế.