Mặc dù nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà liên tục phản đối về việc đấu nối trái phép vào tuyến đường BOT của Dự án nhưng mới đây, Khu Quản lý đường bộ 1 lại cấp giấy phép thi công xây dựng nút giao đấu nối tạm thời có thời hạn đến ngày 15/5/2025 tại Km1+240/phải tuyến đường BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B, tỉnh Hà Nam.
Điểm đấu nối tại Km1+240/phải tuyến đường BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B (Hà Nam). Ảnh: Bích Thảo
Ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Thái Hà cho biết, từ năm 2021, sau rất nhiều lần nhà đầu tư gửi văn bản báo cáo về tình trạng đấu nối trái phép của Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Thái Hà (tại vị trí Km1+040 phải tuyến) vào tuyến đường BOT do Công ty đầu tư, quản lý và khai thác, ngày 19/3/2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giao Cục Đường bộ Việt Nam xử lý dứt điểm vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép vào đường dẫn cầu Thái Hà.
Ngày 25/3/2024, Khu Quản lý đường bộ I, Công ty CP BOT cầu Thái Hà, Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Thái Hà và UBND huyện Lý Nhân đã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường vị trí vi phạm đấu nối trái phép tại Km1+040 (phải tuyến) và các bên thống nhất đóng điểm đấu nối trái phép này ngay trong ngày 25/3/2024. Tuy nhiên, đến ngày 9/4/2024, Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Thái Hà không đóng điểm đấu nối trái phép như đã cam kết mà vẫn sử dụng và khai thác bình thường.
Ngày 4/4/2024, Khu Quản lý đường bộ I cấp giấy phép thi công xây dựng nút giao đấu nối tạm thời có thời hạn (từ ngày 4/4/2024 - hết ngày 15/5/2025) vào đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km1+240/phải tuyến lý trình Dự án BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B, tỉnh Hà Nam.
Đại diện Công ty CP BOT cầu Thái Hà cho biết, Công ty đã có văn bản gửi Bộ GTVT và các cơ quan chức năng để khẳng định nhà đầu tư chỉ chấp nhận đấu nối khi bên đề nghị đấu nối đáp ứng các vấn đề an toàn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, thu phí, trả chi phí đầu tư, chi phí vận hành, bảo trì đối với đoạn tuyến sử dụng. Tuy nhiên, Cục Quản lý đường bộ, Khu Quản lý đường bộ I, địa phương đều “phớt lờ” ý kiến của nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đức Hán, cán bộ của Ban Quản lý dự án huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) xác nhận, địa phương đang khai thác điểm đấu nối tại Km1+240/phải tuyến đường BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B, tỉnh Hà Nam. Các xe cộ thi công phải lưu thông trên một phần tuyến đường BOT cầu Thái Hà và việc này được Khu Quản lý đường bộ I cấp phép.
Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Ngô Văn Hải, đại diện Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Thái Hà để làm rõ về sự việc này. Ông Hải né tránh việc xác nhận có hay không thực tế này và cho rằng, phía nhà đầu tư Khu công nghiệp đang thực hiện theo cam kết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I cho rằng, việc mở điểm đấu nối tại Km1+240/phải tuyến đường BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B là có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với địa phương (tỉnh Hà Nam) để thực hiện vì lợi ích chung cho xã hội. Công ty CP BOT cầu Thái Hà không đồng ý với việc này là xuất phát từ lợi ích của 1 doanh nghiệp. Khu Quản lý đường bộ I là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên có cái khó, cái phức tạp trong việc ra quyết định này. Đơn vị cấp phép thi công xây dựng cho chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng điểm đấu nối này để phục vụ thi công Dự án ĐT.495B là ưu tiên lợi ích chung của xã hội và địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia về đầu tư cho biết, việc Khu Quản lý đường bộ I cấp giấy phép thi công xây dựng đấu nối tạm thời tại lý trình Km1+240/phải tuyến Dự án BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công 1 dự án khác của địa phương khi chưa có sự đồng ý và thỏa thuận của nhà đầu tư BOT là vi phạm quyền lợi của nhà đầu tư đối với sản phẩm BOT trong thời gian vận hành dự án. Việc sử dụng một phần đường BOT để phục vụ thi công Dự án ĐT.495B chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình mà nhà đầu tư có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng; làm sụt giảm phương án tài chính hoàn vốn đầu tư của nhà đầu tư, nguy cơ gây mất trật tự, mất vệ sinh và an toàn cho các phương tiện khi lưu thông trên đoạn đường này. Trong hợp đồng BOT đã ký kết, Bộ GTVT là đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án, Khu Quản lý đường bộ I (thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) không đủ chức năng và thẩm quyền để cấp phép điểm đấu nối vào dự án BOT của nhà đầu tư đang trong thời gian vận hành cho địa phương sử dụng làm đường công vụ thi công một dự án khác.
Tuấn Dũng