Hãy là người đầu tiên thích bài này
CII: Băn khoăn khoản lợi nhuận ròng CII mang về cho cổ đông

Từ 2018 trở đi, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông sở hữu cổ phiếu CII chỉ còn chiếm 40% đến 50% tổng lợi nhuận sau thuế. Gánh nặng chi phí lãi vay lớn là một trong nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Cầu Sài Gòn 2 - dự án CII đầu tư. Nguồn: CII

Theo BCTC hợp nhất quý III, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) ghi nhận doanh thu thuần đạt 707 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 36% lên 59%, lợi nhuận gộp tăng 58% lên 419 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm, không có phần lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên kết như cùng kỳ, chi phí quản lý tăng cao và tăng lỗ hoạt động khác. Theo đó, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 95 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 96 tỷ cùng kỳ năm trước và về mức thấp nhất trong 4 quý gần đây.

Đáng chú ý, phần lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ chỉ đạt vỏn vẹn 6 tỷ đồng, chiếm 6,3% lợi nhuận sau thuế và giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 539 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; phần phân bổ cho cổ đông công ty mẹ chỉ 271 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50% và gấp 4 lần cùng kỳ.

Nhìn lại trong 10 năm trở lại đây, giai đoạn trước 2017, phần lợi nhuận mang về cho cổ đông sở hữu cổ phiếu CII chiếm 70% - 90% tổng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, từ 2018 trở đi thì sụt giảm về chỉ còn 40% đến 50%. Riêng năm 2021, doanh nghiệp bị lỗ lợi nhuận sau thuế 242 tỷ đồng thì phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ thậm chí lớn hơn với 332 tỷ đồng.

Đồng thời, xét theo từng quý trong năm, phần lợi nhuận CII mang về cho cổ đông phổ thông ghi nhận cũng không đồng đều. Có quý tỷ lệ lên đến 80% - 90% nhưng có những quý rớt về 10% - 20%. Trong những năm gần đây luôn xảy ra tình trạng một quý gánh cho cả năm, như năm 2020 và 2022 là quý I, năm 2023 là quý IV và năm nay nếu không có yếu tố đột biến quý cuối năm thì cũng là quý I.


Bóc tách lợi nhuận CII

CII hoạt động theo mô hình holdings nên lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất sẽ được phân bổ cho 2 đối tượng, một là cổ đông công ty mẹ (cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông CII) và đối tượng còn lại là nhà đầu tư sở hữu tỷ lệ không chi phối tại các công ty con.

Tại cuối quý III, CII có 12 công ty con trực tiếp, 9 công ty con gián tiếp qua CII B&R (mã: LGC), 4 công ty con gián tiếp qua Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB). Trong đó, 2 công ty con chủ chốt gồm CII B&R và NBB chỉ ghi nhận tỷ lệ lợi ích khoảng 55%; các công ty con trực tiếp còn lại tỷ lệ lợi ích từ 95% đến 100%.

Do chỉ sở hữu 55% lợi ích tại CII B&R và NBB nên tỷ lệ lợi ích của CII tại các công ty con sở hữu gián tiếp quá 2 đơn vị này cũng chỉ khoảng 26% - 28% hoặc 50% - 55%, riêng với Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án B.O.T đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) đạt tỷ lệ lợi ích 89% qua đầu tư gián tiếp.

Các công ty con được phân ra để đảm nhận 3 mảng kinh doanh chính gồm cầu và đường, bất động sản, xây dựng và dịch vụ. Trong đó, mảng cầu và đường đang làm mảng ăn nên làm ra nhất, dịch vụ cũng tăng trưởng đều đặn nhưng tỷ lệ đóng góp thấp, còn bất động sản và xây dựng tương đối khó khăn.

CII B&R là công ty con được CII tái cấu trúc từ Công ty cổ phần Cơ kí điện Lữ Gia, tiếp quản đầu tư và thu phí danh mục dự án cầu, đường từ CII như cầu Sài Gòn 2, Xa lộ Hà Nội, tuyến tránh Ninh Thuận, mở rộng QL1 qua tỉnh Ninh thuận, cầu Rạch Miễu, dự án mỏ rộng Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, dự án DT 741 (tỉnh Bình Dương), cầu Cổ Chiên, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Trong 9 tháng năm nay, CII B&R đạt 1.965 tỷ đồng doanh thu, tăng 79% và lợi nhuận sau thuế 640 tỷ đồng, tăng 69%. Song, tại một số dự án như mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Miễu hay cầu Cổ Chiên, CII B&R hợp tác với các đối tác khác để triển khai dự án nên tỷ lệ lợi ích chỉ khoảng 50%. Mặt khác, tại công ty con này, CII hợp tác với đối tác chiến lược là Metro Pacific Tollways Corporation cùng phát triển, CII nắm gần 55% vốn và đối tác nắm gần 45% vốn. Do vậy, phần lợi nhuận CII B&R mang về CII chỉ vào khoảng 242 tỷ đồng.

Công ty con hạt nhân tiếp theo của CII là Đầu tư Năm Bảy Bảy. CII từng bán phần lớn vốn NBB giảm sở hữu từ 94% xuống 37,52% vào 2021 – 2022 để cân đối tài chính. Đến cuối 2023 và năm 2024, CII bắt đầu gom lại cổ phiếu NBB, trở lại thành công ty con từ 18/3/2024. Theo kế hoạch, CII muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên tối đa gần 80% vốn. CII vừa đăng ký mua tiếp gần 5 triệu cổ phiếu NBB từ 5/11 đến 2/12 để tăng sở hữu lên 64,5% vốn.

Tương tự như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, kết quả kinh doanh NBB không khả quan trong 9 tháng đầu năm nay khi chỉ mang về cho cổ đông công ty mẹ 792 triệu đồng.

CII Service đảm nhận mảng dịch vụ của CII ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ổn định 2 năm gần đây. Doanh thu năm 2023 đạt 121 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế 18,6 tỷ đồng, tăng 19%. CII E&C – mảng xây dựng đi xuống khi lãi sau thuế năm 2023 đạt 750 triệu đồng, giảm phân nửa 2022 do dự án, công trình chậm triển khai, giảm tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ngoài ra, mảng tài chính cũng đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận CII mang về cho cổ đông phổ thông. Giai đoạn trước 2017 hay cá biệt năm 2022, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ chiếm tỷ trọng 80% đến 90% lợi nhuận sau thuế phần lớn nhờ lợi nhuận mảng tài chính. Hàng năm, CII luôn có các thương vụ mang về doanh thu tài chính lớn 1.000 tỷ đến 1.500 tỷ đồng, đến từ đánh giá lại khoản đầu tư công ty con, bán cổ phiếu công ty con cho nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư nước ngoài hoán đổi cổ phiếu... Tuy nhiên, chi phí tài chính ngày càng gia tăng đã khiến hiệu quả hoạt động tài chính suy giảm. Chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí tài chính của CII là chi phí lãi vay. Giai đoạn trước 2017, chi phí lãi vay của CII chỉ vào khoảng 400 – 500 tỷ đồng. Song, chi phí này ngày càng phình to, đến năm 2023 là 1.314 tỷ đồng, gấp 2,46 lần; 9 tháng đầu năm nay là 986 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm nay, phần lợi nhuận phân bổ cho cổ đông công ty mẹ đạt 271 tỷ đồng thì có đến 259 tỷ ghi nhận từ quý I. Trong quý đầu năm, CII có khoản doanh thu tài chính 532 tỷ đồng, bù đắp được chi phí tài chính giúp hoạt động tài chính có lãi 82 tỷ đồng. Riêng 430 tỷ đồng doanh thu tài chính đến từ đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty liên kết sau khi nắm quyền kiểm soát (Đầu tư Năm Bảy Bảy).

Bước sang quý II và III, doanh thu hoạt động tài chính không đủ bù đắp chi phí khiến hoạt động này lỗ lần lượt 130 tỷ và 168 tỷ đồng. Qua đó, phần lợi nhuận thuộc về cổ đông phổ thông cũng teo tóp về lần lượt 15 tỷ và 6 tỷ đồng.

Tại cuối quý III, công ty có khoản nợ vay 19.260 tỷ đồng, hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu và gấp 6 lần vốn điều lệ. Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc công ty khẳng định đây là hệ số nợ cực kỳ an toàn trong đầu tư BOT bởi đối với dự án BOT thông thường cơ cấu vốn gồm 11% vốn chủ và 89% vốn vay. Mặt khác, doanh thu thu phí sẽ tăng theo thời gian nhờ lưu lượng xe ngày càng tăng và giá vé được điều chỉnh tăng, nguồn tiền trả nợ được đảm bảo và lợi nhuận cho chủ đầu tư được cơ quan nhà nước đảm bảo. Dù vậy, lãnh đạo CII cho biết trong năm nay tập trung tái cấu trúc nguồn vốn để giảm chi phí lãi vay và dòng tiền thu hồi từ các dự án được phân bổ hợp lý.

Ngọc Điểm-Link gốc

Bình luận (16)

Bài viết khá chi tiết. Nhưng tóm lại là cổ như ***. Đấm lên k xong đấm xuống cũng dở. Tiền mặt ít quá thì bán xuống đi
12:15
 1
Con lạy cha, cho con 2 chữ bình an với cái tết này
12:19
Thì về *** 10 đi k nói nhiều
12:27

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long