Lợi nhuận quí 3-2024 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà đi lên, với tín hiệu đầu tiên đã phát ra từ một số doanh nghiệp niêm yết sớm công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Liệu đây có là chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán giữa lúc đang phải chịu áp lực chốt lời?
Cao su Tây Ninh đã có lãi 101 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước và đã sớm vượt 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra trong năm nay.
Những tín hiệu tích cực
3.022 tỉ đồng là lợi nhuận sau thuế mà Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đạt được trong quí 3-2024, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy gã khổng lồ ngành thép Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Lũy kế chín tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát là 9.210 tỉ đồng, tăng vọt 140% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92% kế hoạch lợi nhuận năm. Sản lượng bán thép của doanh nghiệp này đã tăng 32% trong chín tháng đầu năm, giúp lợi nhuận mảng thép tăng 42%, trong khi mảng nông nghiệp ghi nhận mức tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), với lợi nhuận sau thuế chín tháng đầu năm đạt hơn 530 tỉ đồng, cao gấp 28,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, riêng quí 3 vừa qua, Dabaco lãi hơn 312 tỉ đồng, gấp 25 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 60% tổng lợi nhuận của chín tháng. Việc giá thịt heo tăng cao do ảnh hưởng bởi bão lũ khu vực miền Bắc và nguồn cung thịt heo giảm do dịch tả châu Phi đang diễn biến phức tạp, trong khi Dabaco đã kiểm soát được dịch bệnh, giúp doanh nghiệp này đạt lãi cao.
Công ty cổ phần (CTCP) Cao su Tây Ninh (TRC) báo lãi ròng quí 3 là 73 tỉ đồng, gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm trước và là quí lãi đậm nhất 11 năm qua. Theo Cao su Tây Ninh, giá bán mủ cao su trong quí 3 tăng, từ đó giúp lợi nhuận kinh doanh mủ cao su của cả công ty mẹ và công ty con là Tây Ninh Siêm Riệp PTCS tăng mạnh. Sau chín tháng, Cao su Tây Ninh đã có lãi 101 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước và đã sớm vượt 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra trong năm nay.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự phóng trong quí 3-2024, lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó hai nhóm ghi nhận tăng trưởng quán quân là bán lẻ và năng lượng với mức tăng lần lượt 381% và 321% so với cùng kỳ.
Dù thị trường chứng khoán trong quí 3 vừa qua không mấy thuận lợi, thanh khoản ở mức thấp, nhưng CTCP Chứng khoán VIX (VIX) vẫn ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 554 tỉ đồng, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quí 3 đạt gần 325 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng hoạt động tự doanh đóng góp lợi nhuận 401 tỉ đồng, tăng 146%. Lũy kế chín tháng đầu năm, doanh thu của VIX đạt 1.293,2 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 681,5 tỉ đồng.
Ngoài ra còn có thể kể đến CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR) với kết quả quí 3 đạt doanh thu thuần gần 58 tỉ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ; lãi ròng hơn 42 tỉ đồng, gấp 2,3 lần. CTCP CNG Việt Nam (CNG) lãi trước thuế chín tháng hơn 92 tỉ đồng, đạt 83% kế hoạch năm, riêng quí 3 lãi gần 35 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; CTCP Chứng khoán MB (MBS) báo lãi trước thuế đạt 724 tỉ đồng, tăng 41%.
Xu hướng phục hồi mạnh mẽ
Đó là số ít doanh nghiệp niêm yết đã sớm công bố báo cáo tài chính quí 3 vừa qua, với kết quả kinh doanh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Trong những ngày tới, khi bước vào giai đoạn cao điểm công bố lợi nhuận, kỳ vọng bức tranh sẽ còn khởi sắc hơn nữa và trở thành lực đẩy hỗ trợ thị trường chứng khoán, giữa lúc VN-Index vẫn đang “cù cưa” ngay vùng kháng cự 1.300 điểm.
Việc tăng trưởng GDP quí 3 vừa qua mạnh mẽ ở mức 7,4%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất là 8,19%, dòng vốn đầu tư của khu vực tư nhân đang dần phục hồi, đã phần nào phản ánh được hoạt động của các doanh nghiệp đang tăng trưởng tích cực trở lại.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 3-2024 cho thấy: có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quí 2-2024; 42,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ có 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Về đơn đặt hàng, có 33,3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quí 3-2024 cao hơn quí 2-2024; 44,1% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định và 22,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm.
Ở góc độ tài chính, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay, mà còn có cơ hội tiếp cận tín dụng với lãi suất phù hợp để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã giảm thêm hơn 1 điểm phần trăm, lãi suất cho vay bình quân bằng tiền đồng của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm.
Nếu như trong quí 2-2024 nhiều doanh nghiệp gánh chịu thiệt hại lớn từ rủi ro tỷ giá, với việc tiền đồng mất giá mạnh so với đô la Mỹ, thì bức tranh ngược lại đã diễn ra trong quí 3-2024 khi tiền đồng tăng giá trở lại. Điều này chắc chắn sẽ giúp không ít doanh nghiệp đang có các khoản vay ngoại tệ ghi nhận lãi lớn từ tỷ giá trở lại trong báo cáo kết quả kinh doanh quí 3. Thống kê cho thấy tiền đồng đã tăng giá xấp xỉ 3% so với đô la Mỹ trong quí 3 vừa qua.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự phóng trong quí 3-2024, lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó hai nhóm ghi nhận tăng trưởng quán quân là bán lẻ và năng lượng với mức tăng lần lượt 381% và 321% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận đột biến như Thế giới Di động (MWG), Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), Đô thị Kinh Bắc (KBC), Đầu tư và phát triển công nghiệp (BCM), Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Đầu tư Nam Long (NLG), Thép Nam Kim (NKG), Đạm Cà Mau (DCM), Dầu khí Nhơn Trạch (NT2), PC1 Group (PC1), Vietjet (VJC), Vietnam Airlines (HVN).
Bình luận (3)