Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cảng HICT Lạch Huyện đạt sản lượng kỷ lục năm 2024

Nửa cuối năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng HICT Lạch Huyện lên tới 805.701 TEU, cao hơn 6 tháng đầu năm (799.536 TEU). Luỹ kế cả năm, tổng sản lượng của Tổng công ty Tân Cảng đạt hơn 1,6 triệu TEU, vượt xa công suất thiết kế 1,1 triệu TEU.

Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) vừa công bố bản tin thị trường tháng 12/2024 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Theo đó, TC-HICT kết thúc tháng 12/2024 với 38 chuyến tàu cập cảng và đạt sản lượng hàng hóa thông qua là 138.292 TEU, trong đó có 78.236 TEU hàng nhập khẩu và 60.056 TEU hàng xuất khẩu (lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu tới từ các tuyến dịch vụ đi trực tiếp Hoa Kỳ chiếm tới 62% tổng sản lượng tháng).

Tính cả năm 2024, TC-HICT đã ghi nhận tổng sản lượng đạt tới 1.605.287 TEU hàng hóa thông qua từ 471 chuyến tàu, tăng 26% so với sản lượng thông qua năm 2023.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, TC-HICT ghi nhận sản lượng đạt 799.536 TEU (tăng 51,5 % so với sản lượng 6 tháng đầu năm 2023), doanh thu đạt 1.438 tỷ đồng, vượt kế hoạch 17%; lợi nhuận trước thuế 834 tỷ đồng. Như vậy, nửa cuối năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa thông qua lên tới 805.701 TEU, lớn hơn nửa đầu năm.

Kể từ khi đón container đầu tiên vào cảng làm hàng ngày 13/5/2018 cho đến nay, TC-HICT đã liên tiếp phá vỡ những kỷ lục. Cảng lần đầu tiên đạt cột mốc 500.000 TEU năm 2020; kể từ đó, trong 3 năm liên tiếp 2022, 2023, 2024, Cảng đã giữ vững “phong độ” với các cột mốc 1.000.000 TEU, và 2024 cũng là năm TC-HICT phá vỡ mọi giới hạn, vượt mục tiêu 1.500.000 TEU, tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về sản lượng thông qua tại khu vực miền Bắc, top 4 toàn Việt Nam và chiếm đến 23% thị phần các cảng tại Hải Phòng.

TC-HICT là chủ đầu tư Cảng container quốc tế Tân Cảng – Hải Phòng, tên gọi khác của cảng Lạch Huyện bến cảng số 1 và số 2, là cảng biển nước sâu đầu tiên, và là duy nhất đến nay đang vận hành tại miền Bắc. TC-HICT có vốn điều lệ 2.461,48 tỷ đồng, là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nắm giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản (nắm giữ 17,5% vốn), Công ty Wan Hai Lines Đài Loan (nắm giữ 16,5% vốn) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản (nắm giữ 15% vốn).


Cụm bến 3-4 Lạch Huyện của CTCP Cảng Hải Phòng dự kiến đi vào hoạt động trong Quý I/2025.

"Sức hút" của cảng nước sâu Lạch Huyện

Là cảng nước sâu duy nhất tại khu vực miền Bắc tính đến thời điểm hiện tại, Lạch Huyện được các chuyên gia đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Theo các chuyên gia, những bến cảng mới sắp được đưa vào khai thác tại Lạch Huyện trong quý đầu năm 2025 sẽ giúp nâng cao năng lực hàng hoá thông qua cảng biển Hải Phòng.

Điều này càng có ý nghĩa khi sản lượng hàng hoá qua khu vực liên tục tăng trưởng. Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, 5 năm qua, sản lượng hàng hoá qua cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) với 2 bến tại Lạch Huyện đã tăng từ hơn 431.000 TEU vào năm 2019 lên hơn 1,6 triệu TEU (tính tới đầu cuối tháng 12/2024 như đã đề cập).

Việc bến 1, 2 Cảng TC - HICT có lượng hàng thông qua liên tiếp phá vỡ những kỷ lục đã cho thấy tiềm năng lớn tại cảng biển nơi đây. Đây cũng là triển vọng tích cực cho các dự án cụm cảng khác tại khu cảng nước sâu Lạch Huyện như bến cảng số 3 và số 4 do CTCP Cảng Hải Phòng – công ty con của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; bến container số 5 và số 6 của CTCP Tập đoàn Hateco với tổng vốn 6.425 tỷ đồng. Bộ đôi dự án này dự kiến sẽ đi vào vận hành trong quý I/2025.

Một lợi thế phát triển khác của các dự án cảng biển trên đến từ sự tham gia góp vốn của các hãng tàu lớn. Các chuyên gia từ VCBS nhận định các cảng biển có sự tham gia góp vốn hay chia sẻ lợi ích với hãng tàu có lợi thế hơn hẳn trong việc cạnh tranh nguồn hàng.

Cụm bến 5-6 Lạch Huyện của Tập đoàn Hateco sắp sửa đi vào hoạt động. 

Dữ liệu từ VCBS cũng chỉ ra Cảng HITC có các hãng tàu sở hữu là MOL (17,5%), Wan Hai Lines (16,5%) và Itochu (15%)… Đặc biệt, bến cảng số 3 và số 4 Cảng Lạch Huyện được khai thác bởi liên doanh Cảng Hải Phòng và Công ty Terminal Investment Limited - công ty con chuyên về khai thác và đầu tư cảng container của Mediterranean Shipping Company (MSC).

Như Nhadautu.vn từng đề cập, do khác nhau về chiến lược mà liên minh 2M giữa MSC và Maersk sẽ chấm dứt vào quý II/2025 (liên minh 2M đã tồn tại gần 10 năm). Sau khi tách khỏi liên minh 2M, MSC hoạt động độc lập với đội tàu lớn nhất thế giới (khoảng 5 triệu TEU), thị phần dự kiến 19,8%.

Chứng khoán VNDirect đánh giá sự mở rộng mạnh mẽ của MSC tại thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam, với các dự án đầu tư vào cảng Lạch Huyện và Cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Cần Giờ, sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động giao thương hàng hải trong khu vực. Điều này sẽ tạo ra nhiều tuyến dịch vụ mới, gia tăng lưu lượng hàng hóa và củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm logistics quan trọng.

Ngoài ra, xu hướng đầu tư FDI mạnh mẽ vào khu vực phía Bắc được kỳ vọng mở ra cơ hội cho các cụm cảng nước sâu ở Lạch Huyện (chủ yếu xuất nhập đi Mỹ và EU). Theo các chuyên gia từ Chứng khoán An Bình (ABS), ngành cảng biển năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sản lượng hàng hóa thông cảng cải thiện và giá cước bốc dỡ hàng hóa dự kiến đi ngang. Nhóm phân tích ABS còn cho rằng động lực của ngành này còn đến từ nguồn vốn FDI tăng trưởng.

ABS cho biết nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip, v.v đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Đặc biệt, vào tháng 12/2024, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Công nghệ số một thế giới NVIDIA đã được ký kết, mở ra cơ hội thu hút thêm đầu tư và nâng cao năng lực công nghệ trong lĩnh vực sản xuất chip và thiết bị bán dẫn.

Theo chủ tịch JCI Việt Nam, giải ngân vốn FDI vào Việt Nam trong 2025 có thể đạt kỷ lục mức trên 30 tỷ USD, nhờ hấp lực từ các ngành công nghiệp trọng điểm như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm.

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng FDI bao gồm xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khi các công ty áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”; Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quan trọng bao gồm CTPPP và EVFTA giúp tiếp cận các thị trường lớn và các yếu tố vĩ mô hỗ trợ như ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế.

Khả Mộc-Link gốc

Bình luận (2)

Mai cảng tím hết hết.
22:33
23:14

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long