Hãy là người đầu tiên thích bài này
Các 'ông lớn' Nhà nước làm ăn ra sao?
Thông tin mới nhất từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), từ đầu năm đến nay, 17/19 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, ước đạt trên 53.200 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Cụ thể, tính đến hết quý II/2022, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 Tập đoàn, Tổng công ty, không bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước đạt 892.166 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Tổng doanh thu của 19/19 công ty mẹ (tập đoàn, tổng công ty) ước đạt 543.429 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu hợp nhất và Công ty mẹ đều đạt cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)...

 
Trong 6 tháng đầu năm Petrovietnam đạt lợi nhuận vượt trội so với kế hoạch năm và cùng kỳ.
 
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 53.274 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ. Trong đó, một số Tập đoàn, Tổng công ty đã đạt lợi nhuận cao hoặc có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với kế hoạch năm và với cùng kỳ, như Petrovietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...
 
Tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất của 16/19 tập đoàn, tổng công ty, không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), SCIC và VEC, ước đạt 125.829 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ.
 
Tổng nộp ngân sách nhà nước 19/19 công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty ước đạt 31.818 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Petrovietnam, TKV và Petrolimex...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết hiện nay, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn có những tồn tại, hạn chế; hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn nhiều khó khăn. "Việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 đòi hỏi Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 doanh nghiệp trực thuộc cần đẩy mạnh hơn nữa các mặt công tác để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao", ông Hoàng Anh nói.
 
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo kiểm toán năm 2020 gửi Quốc hội, trong đó nêu tên nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể như Công ty mẹ - Vinachem có 5 trong tổng số 22 công ty con có lỗ lũy kế hết năm 2020 khoảng 15.400 tỷ đồng, 01 công ty con khác đang dừng hoạt động; Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào thuộc Công ty mẹ Petrolimex lỗ lũy kế hết năm 2020 là hơn 114 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 57 tỷ đồng.
 
Công ty mẹ - PVGas có 2/6 công ty con có số lỗ luỹ kế trên 600 tỷ đồng; Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, số vốn đầu tư của các công ty con vào công ty liên kết, doanh nghiệp đầu tư bị thua lỗ mất vốn cũng khá nhiều. Trong đó, có 4/5 công ty liên kết, đầu tư của Công ty mẹ HUD thuộc hạng mục đầu tư dài hạn lỗ năm 2019 và 2020 là hơn 55 tỷ đồng.
 
Tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, có 2/9 công ty liên kết lỗ lũy kế trên 120 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (2/5 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 95,25 tỷ đồng), Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (1 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 9,83 tỷ đồng).
 
Bên cạnh kết quả kinh doanh thua lỗ và lỗ luỹ kế cao, Kiểm toán Nhà nước còn nêu ra thực trạng quản lý tài chính, các cân đối lớn trong hoạt động quản lý dòng tiền, tài chính của doanh nghiệp Nhà nước.
 
Chẳng hạn, Tại PVGAS, công ty mẹ chưa cân đối dòng tiền từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày đáo hạn khi xây dựng kế hoạch dòng tiền tháng/quý.
 
Công ty mẹ - VNS duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao (trên 63 tỷ đồng/ngày, giai đoạn 12/10-28/12/2020 trên 152 tỷ đồng/ngày), chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
 

Bình luận (9)

Gvr là ông lớn ăn bám
16:25
 1
Thuận Buồm Xuôi Gió lỗ lắm hả bạn
16:28
Simon lỗ chứ. Rơi như thế sao ko lỗ được. Toàn lỗ kép thôi
16:29

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long