Liên tục đầu tư các công nghệ, máy móc thi công, luôn tập trung đầu tư nâng cao trình độ tay nghề kỹ sư và công nhân giúp cho CIENCO4 luôn là nhà thầu hiệu quả, đáng tin cậy. Từ bàn đạp về “chất” này, CIENCO4 luôn có mặt tại các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, tạo ra sức hút lớn đối với các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quá khứ hào hùng
Tên gọi CIENCO4 gắn liền với hệ thống doanh nghiệp “họ” CIENCO của Bộ GTVT hơn chục năm về trước. Đó là những tổng công ty xây dựng công trình giao thông lừng lẫy của ngành GTVT từ thời chiến tranh đến thời bình.
Ngày 27/12/1962, tại Hà Nội, Chính phủ ra Quyết định số 1477/QĐ-CP thành lập Cục Công trình, trực thuộc Bộ GTVT. Đây chính là đơn vị tiền thân của Tập đoàn CIENCO4 hôm nay. Buổi đầu thành lập, Cục Công trình đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy ở nhiều địa phương miền Bắc, đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch vùng Khu 4 cũ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cục Công trình được xem là đơn vị hậu phương dự bị trực tiếp cho Đoàn 559, đóng góp sức người, sức của mở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Tháng 6/1965, Cục Công trình được chuyển từ Hà Nội vào Nghệ An, đổi tên thành Cục Công trình I với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và đảm bảo các tuyến giao thông trọng điểm từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh - Quảng Trị, phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Công nhân CIENCO4 thi công trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ
Đất nước thống nhất, Cục Công trình I được đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp công trình I, tập trung lực lượng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Rất nhiều công trình trọng điểm bị phá hoại được khôi phục lại như Cảng Nhật Lệ, Cảng Bến Thủy, cầu Cấm, Cảng Cửa Lò, đặc biệt là chiến dịch thi công các cầu và đường sắt Thống Nhất. Cuối năm 1982, Xí nghiệp Liên hợp công trình I được đổi thành Liên hiệp Các xí nghiệp xây dựng công trình giao thông 4.
Bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1991 Bộ GTVT quyết định tách lực lượng xây dựng cơ bản trong Liên hiệp để thành lập Tổng Công ty Xây dựng giao thông miền Trung. Tháng 12/1995, Tổng Công ty được thành lập lại và đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4), dần trở thành doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về xây dựng công trình giao thông.
Cienco4 – liên tục đổi mới công nghệ để được gọi tên vào các dự án trọng điểm ảnh 2
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, CIENCO4 là đơn vị đầu tiên trong ngành GTVT hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp từ ngày 2/6/2014, với tên mới là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP. Sau cổ phần hóa, CIENCO4 đối diện với khó khăn trăm bề: chưa ổn định được tổ chức, thị trường lao dốc.
Bài toán đặt ra là phải tiết kiệm nhất có thể để có nguồn lực nuôi dưỡng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xác định phương châm đó, một số đơn vị trực thuộc phải giải thể, có đơn vị được sáp nhập, cổ phần hóa nhằm tinh gọn bộ máy. Công ty mẹ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng phòng, ban, tăng trách nhiệm, kiêm nhiệm. Từ những chiến lược theo thời điểm đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn một nửa so với trước đây.
Coi công nghệ và con người là nền tảng
Sau cổ phần hóa, Tập đoàn CIENCO4 vẫn coi áp dụng công nghệ tiên tiến vào thi công các công trình giao thông là yếu tố sống còn. CIENCO4 là đơn vị đi đầu ngành GTVT trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhất như: Công nghệ xây dựng cầu dây văng, công nghệ đúc hẫng với khẩu độ lớn 150m; Công nghệ thi công cầu vòm bê tông cốt thép thường, công nghệ dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực bằng phương pháp đà giáo ván khuôn cố định hoặc di động; Công nghệ thi công cọc khoan nhồi đường kính lên tới 2m với độ sâu đến 100m, cọc ống thép SPSP...
CIENCO4 thi công cao tốc Bắc - Nam
Trong thi công đường bộ và sân bay, Tập đoàn CIENCO4 cũng làm chủ những công nghệ tiên tiến như: Công nghệ xử lý nền đất yếu bằng các phương pháp: Cọc cát, bấc thấm; Công nghệ thi công mặt đường bê tông xi măng bằng máy rải chuyên dụng,… Trong thi công hầm là công nghệ thi công hầm qua núi NATM, công nghệ thi công bảo vệ mái dốc bằng phương pháp neo đất và bê tông phun.
Các công nghệ hiện đại khác cũng được đội ngũ kỹ sư CIENCO4 nghiên cứu, ứng dụng như: Công nghệ xử lý đất yếu bằng Jet Grouting hầm nút giao Trung Hòa, thi công hố móng sâu theo công nghệ Bottom-up với chiều sâu đào lớn nhất lên tới 32m tại dự án Metroline Bến Thành Suối Tiên; Công nghệ thi công Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá; Công nghệ thi công tường vây Barrette; Công nghệ thi công Cảng nước sâu Cửa Lò; Công nghệ thi công cọc CDM đường kính lớn,...
Vành đai 3 trên cao, dự án mang dấu ấn kỹ thuật quan trọng của Cienco4
Nhiều công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật, nhờ có thiết bị và công nghệ mới nên đã được thực hiện có hiệu quả, như: công nghệ extradosed thi công cầu dầm cáp hỗn hợp tại cầu An Đông (Ninh Thuận); Công nghệ ván khuôn trượt - MSS lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam tại cầu Thanh Trì (Hà Nội); Thi công trụ cầu cao gần 100m ở cầu Pá Uôn, cầu dây văng Phước Khánh với chiều cao trụ gần 140m so với mặt nước là trụ cầu cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay; Công nghệ cầu vòm bê tông cốt thép không gian 3 chiều có khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam tại cầu Cổ Cò, thành phố Đà Nẵng.
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp họ CIENCO gặp khó và vắng bóng sau cổ phần hóa, CIENCO4 vẫn tiếp tục giữ vững được thương hiệu trên nhiều công trình lớn của đất nước. CIENCO4 đã được Chính phủ, Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” chỉ định tham gia thi công 2 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là: Bùng - Vạn Ninh, Hậu Giang - Cà Mau, với tổng giá trị xây lắp đảm nhận gần 4.000 tỷ đồng.
CIENCO4 là nhà thầu uy tín về chất lượng và tiến độ
Thương hiệu CIENCO4 cũng hiện diện trên hàng loạt các dự án giao thông đường bộ trọng điểm trải dài trên cả nước như: Gói thầu XL-02 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với giá trị hơn 705 tỷ đồng; gói thầu số 2-XL cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, với giá trị hơn 1.910 tỷ đồng; gói thầu XL04 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với giá trị của gói thầu hơn 1.139 tỷ đồng và luôn về đích đúng hẹn.
Tại gói thầu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với giá trị hơn 9.249 tỷ đồng, Tập đoàn CIENCO4 là một trong các nhà đầu tư được lựa chọn cùng liên doanh. Cùng đó, dấu ấn tại các dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; Đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội); Cầu Cửa Hội; Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, metro Bến Thành - Suối Tiên; Cao tốc Bến Lức - Long Thành. Xây dựng vị thế trong thi công cầu đường, CIENCO4 cũng đang ngày càng khẳng định uy tín trong thi công xây dựng công trình đặc thù đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao như các dự án nâng cấp đường cất/hạ cánh sân bay (Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi,...). Và mới đây nhất là nhà thầu tham gia thi công siêu dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
CIENCO4 cũng kịp đặt dấu chân trên hàng loạt các công trình hầm chui đô thị lớn, điển hình là hầm chui Lê Văn Lương (thông xe tháng 10/2022), hầm chui thuộc dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng, thông xe tháng 3/2022); hầm chui Thanh Xuân; hầm chui Trung Hòa (Hà Nội, thông xe năm 2016). Mới đây nhất, CIENCO4 tiếp tục là nhà thầu được chọn là nhà thầu thi công hầm chui nút giao Kim Đồng - Giải Phóng (Hà Nội) trị giá hơn 560 tỷ đồng.
Mở rộng hợp tác kinh doanh
Về lĩnh vực đầu tư, CIENCO4 đã đi đầu trong liên kết với Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long đầu tư thi công xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Có thể nói, CIENCO4 là đơn đơn vị xây dựng đầu tiên của ngành GTVT dám làm, đã làm thành công hình thức đầu tư BOT tại nhiều dự án.
Mở rộng xu thế hợp tác phát triển, CIENCO4 đã ký thỏa thuận hợp tác với một loạt các nhà đầu tư tài chính, xây dựng có tên tuổi như: Vinacapital, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Sumitomo Mitsui Nhật Bản, Tập đoàn Hemaraj, Tập đoàn JFE (Nhật Bản), Tổ chức WBI (Nhật Bản), các nhà thầu xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc: Hanshin, Ilsung, Kyeryoung,... Đây là những đối tác sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, giúp tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án và trực tiếp hỗ trợ nguồn vốn đầu tư vào các dự án do CIENCO4 làm chủ đầu tư, cũng như liên danh, liên kết đấu thầu các dự án vốn ODA về lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Nhà ga ngầm trên tuyến Metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên do CIENCO4 thi công
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, CIENCO4 luôn coi trọng giá trị nguồn nhân lực. Trong nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên của tập đoàn luôn ra sức thi đua, xây dựng sản xuất, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Đặc biệt hơn nữa, trong bối cảnh khối lượng dự án giao thông ít, doanh thu giảm, dù không có sự tăng trưởng, song việc đảm bảo được việc làm, giữ được người và chưa bao giờ giảm lương, chế độ của người lao động, các kỹ sư, công nhân với CIENCO4 đã là thành công rất lớn và là một trong số ít các CIENCO của ngành GTVT làm được.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Huỳnh, để CIENCO4 giữ vững được vị thế cả về tiềm lực, năng lực đầu tư thì yếu tố chính vẫn là con người. Từ con người nảy sinh ra ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó. Nhờ đó, trải qua nhiều thăng trầm, doanh nghiệp vẫn vững vàng vượt qua, đẩy mạnh đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quyền lợi, chính sách, chế độ cho người lao động, đáp ứng đầy đủ trách nhiệm đóng thuế, bảo hiểm cho Nhà nước. Vị thế, tiềm lực của tập đoàn không chỉ thể hiện qua việc sở hữu một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, từng kinh qua với tất cả các loại hình công trình giao thông: Sân bay, cảng biển, hầm đô thị, hầm cao tốc, đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc… mà đó còn là giá trị doanh thu, nguồn lực tài chính sẵn có, các công nghệ thi công hiện đại, vốn “hợp đồng công trình tương tự” để cạnh tranh một cách sòng phẳng với nhiều nhà thầu lớn khác.
Chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tập đoàn là tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông tại thị trường Việt Nam, tiến tới hội nhập và tiệm cận với quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Ngoài lĩnh vực truyền thống là hạ tầng giao thông, CIENCO4 còn tới lĩnh vực bất động sản và kinh doanh tài chính. Đây là “kiềng 3 chân” được doanh nghiệp tập trung phát triển cho giai đoạn tới.
Bảo An
Bình luận (7)