Mặc dù Mỹ đã tạm hoãn việc áp thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam trong vòng 90 ngày, nhưng các cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn bị bán tháo trong ngày cuối tuần. Nỗi lo ngại của nhà đầu tư về việc áp thuế có thể làm mất đi sức hấp dẫn của bất động sản khu công nghiệp đối với dòng vốn ngoại cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp quốc tế sẽ vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một trong những vị trí chiến lược để mở rộng cơ sở sản xuất.
Chính sách thuế đối ứng cao của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI ở Việt Nam. Ảnh minh họa: TL
Những hệ lụy từ "cú sốc" thuế
Sau phiên giao dịch bùng nổ kỷ lục vào ngày 10-4, ngay khi có thông tin hoãn thuế, thị trường đã đảo chiều vào ngày 11-4, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp. Dù chỉ số VN-Index tăng 54,12 điểm (tương đương 4,63%), nhưng các cổ phiếu nhóm khu công nghiệp như Becamex IDC (HOSE: BCM) lại lao dốc, thậm chí trượt xuống mức giá sàn.
Trước bối cảnh bất lợi này, Hội đồng Quản trị của Becamex IDC đã quyết định hoãn kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu công khai, một trong những giao dịch được cho là lớn nhất trong lịch sử thị trường vốn Việt Nam, động thái nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông.
Cũng ghi nhận tác động từ bối cảnh thị trường không thuận lợi, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) trước đó (ngày 8-4) cũng ra thông báo gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Dự kiến, đại hội sẽ được tổ chức chậm nhất trước ngày 30-6 tới.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KBC đối mặt với tình trạng bán tháo khi liên tiếp có 4 phiên giảm sàn, trước khi thị trường ghi nhận thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế 46%. Trong khi đó, ở ngày giao dịch cuối tuần, cổ phiếu KBC giữ mức 23.700 đồng/cp từ phiên trước.
Ngoài KBC và BCM, nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản khu công nghiệp như Sonadezi Châu Đức (SZC), Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), IDICO (IDC), Long Hậu (LHG)... cũng bị nhà đầu tư bán ra ồ ạt, ghi nhận mức giảm khi thông tin Mỹ thông báo áp thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam.
Diễn biến này cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp trước thông tin áp thuế đối ứng cao với Việt Nam của Mỹ. Các chuyên gia phân tích cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thuê của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất nước ngoài (FDI), từ đó tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp khu công nghiệp.
Công ty Chứng khoán MBS cũng nhận định rằng bất động sản khu công nghiệp là một trong nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất với thuế đối ứng của Mỹ.
Nâng chất hạ tầng hút FDI trong dài hạn
Trong báo cáo đánh giá tác động thuế đối ứng của Mỹ lên Việt Nam, Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI có thể bị suy giảm.
Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ mảng sản xuất cho công nghiệp chế tạo, các ngành công nghệ và điện tử.
Những yếu tố như chi phí nhân công thấp, hạ tầng phát triển và chính sách thương mại thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế hoặc sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang đê đa dạng hóa nguồn cung. Nhiều doanh nghiệp phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp trong nước đã nhân cơ hội này để mở rộng quy mô và tăng cường phát triển hạ tầng các khu công nghiệp mới.
Ảnh minh họa: LH
Dù vậy, môi trường đầu tư đang bị đe dọa bởi các chính sách thuế quan mới, đặc biệt là từ Mỹ. Quyết định của Mỹ về việc áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam đã gây ra những lo ngại lớn trong giới kinh doanh. Dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán, nhưng tâm lý lo ngại vẫn hiện hữu, có thể khiến các nhà đầu tư trì hoãn rót vốn mới vào Việt Nam.
TS. Huỳnh Thanh Điền nhận định, dù các dự án FDI hiện có tiếp tục duy trì hoạt động, nhưng những dự án mới hoặc sắp vào có thể bị trì hoãn do sự không chắc chắn về chính sách thuế. Họ sẽ theo dõi và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Các chuyên gia nhận định rằng nếu mức thuế này được áp dụng, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia có thể chuyển hướng tìm kiếm những địa điểm sản xuất khác ít bị ảnh hưởng hơn. Các ngành công nghệ và điện tử, vốn đang phụ thuộc vào Việt Nam như một trung tâm sản xuất, sẽ phải xem xét lại chiến lược đầu tư của mình, nhất là khi các chi phí gia tăng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh.
Chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush cảnh báo, nếu mức thuế này được áp dụng, các hãng công nghệ sẽ phải đánh giá lại chiến lược sản xuất tại Việt Nam. Việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế có thể không còn là một giải pháp tối ưu với họ. Điều này kéo theo việc các khu công nghiệp trong nước sẽ mất đi một lượng “đại bàng” không nhỏ.
Tuy nhiên, việc đánh giá tác động thực tế của chính sách thuế còn quá sớm, các nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi thông tin chính thức và diễn biến của quá trình đàm phán giữa hai nước.
Các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, thị trường bất động sản công nghiệp có thể chịu tác động lớn từ chính sách thuế mới. Về lâu dài, các doanh nghiệp quốc tế sẽ vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một trong những vị trí chiến lược để mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất.
Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, ông David Jackson, nhận định Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực nhờ nhiều lợi thế về lực lượng lao động, chi phí sản xuất hợp lý, vị trí địa lý chiến lược và chính sách thu hút FDI hiệu quả. Điều này củng cố nền tảng phục hồi cho ngành bất động sản trong thời gian tới.
Các ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn có nền tảng vững chắc để vượt qua các thách thức thương mại, nhờ vào kỹ năng đàm phán và các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Để vượt qua những thách thức này, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác thương mại, đồng thời nâng cao kỹ năng lao động và cơ sở hạ tầng. Những nỗ lực này sẽ củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cần cải thiện môi trường đầu tư và tạo ra những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ.
Với sự cạnh tranh đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ các thị trường khác, điều quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, nếu không có sự chuẩn bị thích hợp, Việt Nam có thể mất đi nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Bình luận (3)





