Nếu chuyển sàn thành công, ACV “hứa hẹn” sẽ là bom tấn thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, chặng đường niêm yết HoSE vẫn còn khá dài và còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết.
Cảng hàng không (mã ACV) là một trong những gã khổng lồ “ẩn mình” trên UPCoM chờ ngày niêm yết HoSE. Với giá trị vốn hóa lên đến hơn 237.000 tỷ đồng (~9,3 tỷ USD), ACV đứng thứ 4 trong danh sách những cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vietcombank, BIDV và Viettel Global.
Nếu chuyển sàn thành công, ACV “hứa hẹn” sẽ là bom tấn thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, chặng đường niêm yết HoSE của doanh nghiệp này vẫn còn khá dài và còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết.
Giải quyết các vấn đề để chuyển sang niêm yết HoSE
Theo báo cáo phân tích mới nhất của Vietcap, có 2 vấn đề được kiểm toán viên nhấn mạnh: (1) chờ quyết toán cổ phần hóa và (2) ACV bắt đầu ghi nhận doanh thu, chi phí liên quan đến tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả đường băng) từ năm 2021. Do đó, so sánh cùng kỳ về thu nhập và lợi nhuận của ACV báo cáo lưu chuyển tiền tệ không được áp dụng.
Quyết toán tài chính cổ phần hóa của ACV đã được phê duyệt, hỗ trợ việc hoàn tất quy trình này vào năm 2025. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMCS) đã thông qua báo cáo tài chính năm 2016 của ACV với tổng tài sản là 45.600 tỷ đồng (giảm 520 tỷ đồng so với báo cáo trước đó) và vốn nhà nước là 21.800 tỷ đồng tại thời điểm cổ phần hóa.
Theo Vietcap, số tiền chênh lệch phải trả ròng là 988 tỷ đồng (9% lợi nhuận sau thuế năm 2024 của ACV) đã được đối chiếu và có khả năng sẽ được ghi nhận là thu nhập một lần vào năm 2025. Với diễn biến này, ACV đang hướng tới giải quyết vấn đề đầu tiên để chuyển sang niêm yết trên HoSE.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án pháp lý vào tháng 12/2020 để ACV quản lý và khai thác tài sản hạ tầng hàng không (bao gồm cả đường băng) đến hết năm 2025 trong khi quyền sở hữu đường băng vẫn thuộc về Chính phủ. Theo đề án pháp lý này, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất ACV sử dụng nguồn thu từ tài sản cơ sở hạ tầng hàng không để tài trợ cho các dòng tiền cần thiết như bảo trì và sửa chữa tài sản.
Cho đến cuối năm 2025, Chính phủ sẽ đánh giá lại tài sản hạ tầng đường băng, có thể đưa vào bảng cân đối kế toán của ACV để đổi lấy việc tăng cổ phần Nhà nước. Trong thời gian Quyết định này có hiệu lực từ ngày 07/12/2020 đến ngày 31/12/2025, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định giá trị tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư đưa vào ACV thông qua việc tăng cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước.
Nghị định 167/2024/NĐ-CP sửa đổi cho phép ACV chia cổ tức bằng cổ phiếu: ACV đề xuất CMCS cho phép ACV chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 65% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giai đoạn 2019- 2023, nâng vốn điều lệ lên 32 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so với cuối năm 2024). Vietcap dự báo ACV sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu vào giữa năm 2025.
Loạt dự án trọng điểm đang triển khai
ACV đã và đang gấp rút triển khai một loạt dự án trọng điểm, trong đó đặc biệt là dự án Sân bay quốc tế Long Thành (LTA). Việc xây dựng bắt đầu vào cuối năm 2020 và ACV dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026 - chậm so với mục tiêu ban đầu là 2025 nhưng sớm hơn kỳ vọng của Vietcap là 2027.
LTA Giai đoạn 1 với một đường băng sẽ cung cấp sức chứa 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tại ĐHĐCĐ năm 2024 của ACV, ban lãnh đạo cho biết LTA sẽ phục vụ khoảng 90% chuyến bay quốc tế cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. ACV sẽ có thể thu phí cất cánh và hạ cánh (T-O/L) tại LTA vì ACV là nhà phát triển tiểu dự án thứ ba của LTA (bao gồm cơ sở hạ tầng đường băng và sân đỗ).
Tại dự án nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tiến độ thi công đã đạt khoảng 80% khối lượng. ACV cam kết sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác công trình dịp 30/4/2025, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, ACV đang tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho các dự án trọng điểm ngành GTVT như: Dự án Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Cát Bi; Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới; Dự án mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong năm 2025, ACV dự kiến khởi công mới một số các dự án quan trọng ngành giao thông vận tải như Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Cát Bi trong quý 1/2025; Mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới trong quý 1/2025.
Lượng khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng
Năm 2025, ACV đặt mục tiêu đón gần 119 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt 44 triệu lượt và khách nội địa gần 73 triệu lượt. Tổng doanh thu năm 2025 được kỳ vọng đạt 21.782 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.713 tỷ đồng.
Trong năm 2024, lượng khách hàng không quốc tế tăng 27% so với cùng kỳ 2023, đạt 41,1 triệu lượt khách. Vietcap dự báo lượng khách hàng không quốc tế năm 2025 sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 46,9 triệu lượt khách.
Vietcap dự báo mức tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi các chính sách thị thực thuận lợi và các sáng kiến du lịch đang thực hiện, mặc dù chúng tôi tiếp tục dự báo lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ dần phục hồi trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn. Đối với thị trường trong nước, bộ phận phân tích giữ nguyên dự báo năm 2025 là 74,8 triệu lượt hành khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần.
Doanh nghiệp này hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần.
ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.
Bình luận (8)





