Chuyển đổi dải sản phẩm tập trung vào sữa bò tươi 100% là bước đi tất yếu để các doanh nghiệp giành ưu thế thị phần trong sữa nước.
Trang trại bò sữa của TH Truemilk. Ảnh: TH Truemilk
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành sữa nước Việt Nam phát hành ngày 17/12, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thị trường sữa nước bao gồm 3 loại: Sữa hoàn nguyên, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng. Người dân tại các quốc gia phát triển chủ yếu tiêu thụ sữa bò tươi, còn sữa hoàn nguyên phổ biến tại các quốc gia kém/đang phát triển.
Tại Việt Nam, hầu hết các nhà sản xuất sữa nước lớn ở Việt Nam đều có năng lực sản xuất 2 dòng chính: Sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng (từ nguyên liệu sữa bò tươi) và sữa hoàn nguyên (từ trộn sữa bột với các tỷ lệ khác nhau vào trong sữa tươi, hoặc trộn sữa bột nguyên liệu với nước thành sữa). Ở thời điểm trước năm 2015, các nhà sản xuất trong nước thường sử dụng chủ yếu bột sữa nguyên liệu trong sản xuất nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Đối với các nguyên liệu sản xuất sữa nước xếp hạng theo giá thành, bột sữa nguyên liệu là rẻ nhất, tiếp đến sữa tươi tự sản xuất ở trang trại, cuối cùng là sữa tươi nhập từ các hộ nông dân chăn nuôi.
Tuy nhiên, thực trạng nêu trên đang dần thay đổi cùng xu hướng tăng tiêu dùng các sản phẩm từ sữa bò tươi và cao cấp hóa, khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khắt khe với nguồn gốc nguyên liệu sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các nhà sản xuất sữa vì thế cũng chuyển dịch sang sản xuất nhiều loại sản phẩm có nguồn gốc từ sữa tươi hơn.
Sự thành công của TH Truemilk qua thời gian chứng minh cho xu hướng này (thị phần tăng nhanh 15% trong giai đoạn 2010-2024), khi doanh nghiệp tập trung toàn bộ phát triển ngách sữa tươi 100% từ bò trong ngành sữa nước, được xem là tôn chỉ kinh doanh của hãng. Việc sáp nhập Dalatmilk - hãng sữa bò tươi 100% khác vào hệ thống Tập đoàn TH Truemilk vào năm 2019 càng củng cố hơn cho điều này.
VDSC lưu ý thêm một điều cốt lõi làm nên thành công của TH Truemilk ở ngành sữa nước chính là sự đồng bộ trong quản lý chăn nuôi đàn bò. Điều này giúp tạo sự ổn định trong chất lượng, hương vị sữa. Vì vậy, dù có sự thâm nhập thêm từ các đối thủ trong nước (VNM, IDP, Friesland Campina), thị phần sữa nước của TH Truemilk vẫn tăng trưởng ổn định qua thời gian.
Tại Việt Nam, TH Truemilk và Nutifood là một trong số ít các doanh nghiệp chỉ khai thác đàn bò chăn nuôi, trong khi Vinamilk (VNM) khai thác đồng thời cả đàn bò từ trang trại và đàn bò hợp tác cùng nông dân, còn Friesland Campina, IDP không có trang trại, chỉ sử dụng sữa thu mua từ nông hộ.
Số lượng đàn bò của VNM (nghìn con, trái) và các đàn bò tự vận hành của các hãng sữa (phải).
Xét về cổ phiếu ngành sữa trong danh sách theo dõi, VDSC cho rằng Vinamilk cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch từ sữa hoàn nguyên sang sữa tươi từ bò với các sản phẩm GreenFarm, 100% Organic…, tăng số lượng đàn bò qua các năm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp VNM vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến bột sữa nguyên liệu, do lượng nguyên liệu sữa tươi từ trạng trại tự vận hành đóng góp trong cơ cấu sản xuất VNM chưa cao.
Thêm vào đó, việc vừa sử dụng sữa bò tự khai thác và sữa bò nhập từ nông hộ khiến rủi ro chất lượng sữa nước không đồng nhất, khó tạo lợi thế cạnh tranh về hương vị, nguồn gốc sữa trong tâm lý người tiêu dùng trên thị trường. Điều này góp phần làm suy giảm thị phần sữa nước của VNM trong các năm qua.
Do đó trong trung hạn, VDSC cho rằng VNM sẽ tiếp tục nỗ lực gia tăng nguồn sữa tươi từ bò hơn như một hướng đi lấy lại thị phần đã mất trong mảng sữa nước thông qua tăng năng suất sữa từ bò lên (hiện đạt 30-35 lít/ngày/con ở trang trại VNM, cao hơn hộ nông dân 18-20 lít/ngày) thay vì xây dựng thêm trang trại, theo chia sẻ của lãnh đạo VNM trong buổi họp nhà đầu tư quý 3/2024.
Công ty chứng khoán nhận định, tiến độ phát triển của nguồn sữa này sẽ là yếu tố tiên quyết tới triển vọng tăng trưởng của VNM trong trung hạn, trước tình hình cạnh tranh gay gắt trong ngành sữa nước Việt Nam.