Hãy là người đầu tiên thích bài này
Vui – Buồn hậu Báo cáo tài chính soát xét bán niên

Hậu BCTC soát xét bán niên năm 2024, bên cạnh những doanh nghiệp tăng lãi, vẫn ghi nhận nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” lợi nhuận, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ.

Hậu báo cáo tài chính soát xét bán niên, nhiều doanh nghiệp "bốc hơi" hàng tỷ đồng - Ảnh minh họa.

Một trong số ít những doanh nghiệp đón nhận “tin vui” hậu Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên là Công ty CP Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1), ghi nhận lãi ròng tăng mạnh so với BCTC tự lập. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, PC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.306 tỷ đồng, tăng 1% so với BCTC tự lập trước đó. Giá vốn cũng giảm nhẹ tương ứng, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 11% so với trước soát xét, lên hơn 1.008 tỷ đồng. Lãi ròng bán niên của doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng mạnh 68% so với trước soát xét, lên 239,5 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, việc phân loại lại các khoản mục điều chỉnh hồi tố trên BCTC trước soát xét 6 tháng 2024 về năm 2023 đã dẫn đến lợi nhuận năm 2023 giảm và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 tăng sau soát xét.

Trên BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đã điều chỉnh số liệu so sánh tại ngày 01/01/2024 do Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy BCTC hợp nhất đã phát hành năm trước cần điều chỉnh về cách tính, hạch toán thuế và xác định doanh thu tại 2 công ty con.

Trong khi đó, hậu kiểm toán, hàng loạt các doanh nghiệp phải ngậm ngùi chấp nhận lợi nhuận bị “bốc hơi” hàng tỷ đồng, hoặc tăng lỗ, hoặc là chuyển từ lãi sang lỗ…

Cụ thể, Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung HoSE: LEC) tăng mạnh lỗ ròng sau soát xét. Cụ thể, sau soát xét lỗ ròng bán niên của LEC tăng từ lỗ 8 tỷ đồng, thành lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng.

Theo giải trình của LEC, chênh lệch này do Công ty điều chỉnh giảm doanh thu phí quản lý khu căn hộ Harmony chưa đúng kỳ của Công ty mẹ là 110 tỷ đồng và điều chỉnh tăng gần 25 tỷ đồng chi phí tài chính tại công ty con, trong đó tăng chi phí lãi vay do hạch toán thiếu hơn 6 tỷ đồng, tăng chi phí tài chính phát sinh gần 19 tỷ đồng do công ty con (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Hòa Bình) trở thành công ty liên kết. Các khoản chênh lệch trên đã khiến lỗ ròng của doanh nghiệp này tăng lên hơn 30 tỷ đồng hậu soát xét bán niên, cùng kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng.

LEC cho biết, Công ty lỗ nặng hơn cùng kỳ xuất phát từ doanh thu hoạt động xây lắp công trình tại công ty con giảm mạnh (giảm 55%), trong khi chi phí tài chính tăng mạnh (tăng 80%) do công ty con (Công ty CP Đầu tư và Phát triên Ánh Dương Hòa Bình) trở thành công ty liên kết.

Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) ghi nhận cũng doanh thu thuần giảm mạnh 78% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó, xuống chỉ còn 2,6 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp bán niên của doanh nghiệp ngành bất động sản này chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, cũng giảm mạnh 73% so với trước soát xét.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế bán niên của NRC chuyển từ lãi hơn 7 tỷ đồng, thành lỗ 10,4 tỷ đồng. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chuyển lãi thành lỗ sau soát xét là do điều chỉnh giảm doanh thu từ các khoản doanh thu của các hợp đồng tư vấn.

Cụ thể, các khoản doanh thu từ các hợp đồng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp đã hoàn thành và sẽ được ghi nhận bổ sung ngay khi xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Nguyên nhân thứ hai là do điều chỉnh tăng chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều chỉnh dự phòng công nợ phải thu khó đòi và thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo đề nghị của kiểm toán.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là một trong những cơ sở để định giá cổ phiếu của doanh nghiệp - Ảnh minh họa.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR) với kết quả kinh doanh được điều chỉnh mạnh sau soát xét. Theo đó, doanh thu thuần của SGR trong nửa đầu năm 2024 sau soát xét giảm từ 77 tỷ đồng xuống còn 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đáng kể, từ 22,3 tỷ đồng lên mức 33 tỷ đồng. Kết quả, công ty đã chuyển từ lãi 2,4 tỷ đồng sang lỗ 23,4 tỷ đồng.

Theo giải trình của doanh nghiệp, việc lợi nhuận sau thuế thay đổi là do điều chỉnh giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, các khoản doanh thu này sẽ được ghi nhận vào kỳ sau khi đủ điều kiện. Thêm vào đó, chi phí quản lý tăng cao do việc trích lập dự phòng phải thu theo yêu cầu của kiểm toán.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) mặc dù doanh thu không thay đổi, các khoản chi phí của doanh nghiệp này giảm đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập trước đó, nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của TTF lại giảm mạnh 98% so với trước soát xét, xuống chỉ còn 0,12 tỷ đồng; Lãi ròng bán niên chuyển từ lãi hơn 4,4 tỷ đồng, thành lỗ ròng hơn 5,4 tỷ đồng sau soát xét.

TTF cho biết, nguyên nhân là do bổ sung trích lập dự phòng phải thu từ khách hàng. Cụ thể, tại ngày 30/06/2024, khoản dự phòng phải thu khó đòi của TTF được điều chỉnh từ mức hơn 33 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên gần 48 tỷ đồng sau soát xét. So với cùng kỳ, khoản này tăng hơn 7 tỷ đồng.

Được biết, đây cũng không phải lần đầu tiên, doanh nghiệp ngành gỗ này bị xóa gần như toàn bộ lợi nhuận sau soát xét. Theo đó, gần đây nhất là tại Báo cáo kiểm toán năm 2023, TTF từ lãi 11 tỷ đồng, chuyển thành lỗ ròng 134 tỷ đồng sau soát xét. Nguyên nhân là do doanh nghiệp gánh thêm chi phí phạt thuế cộng với lỗ từ xóa sổ và thanh lý tài khoản.

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG) ghi nhận doanh thu thuần bán niên 2024 hơn 635 tỷ đồng, giảm 23% so với báo cáo tự lập. Dù giá vốn giảm theo nhưng lãi gộp của DIG vẫn đi lùi 29%, còn gần 109 tỷ đồng. Lãi trước thuế sau soát xét giảm đến 55%, còn gần 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại được hoàn gần 10 tỷ đồng, nên lãi ròng sau soát xét của DIG chỉ giảm 5%, còn gần 9 tỷ đồng.

Thuyết minh giữa 2 báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu từ kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp giảm hơn 77% sau soát xét, xuống còn hơn 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động xây dựng cũng giảm 9%, xuống còn gần 466 tỷ đồng.

DIG cho biết, doanh thu từ kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm 2024 chủ yếu đến từ chuyển nhượng căn hộ tại dự án Cap Saint Jacques (CSJ), chuyển nhượng nhà xây thô tại dự án Đại Phước và dự án Vị Thanh tại Hậu Giang.

Hay như tại Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HoSE: TEG) cũng ghi nhận doanh thu tài chính giảm 11% so với báo cáo tự lập. Đây cũng là nguyên nhân khiến lãi ròng bán niên sau soát xét của doanh nghiệp này giảm đến 33% chỉ còn gần 3 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận từ hoạt động tài chính hợp nhất soát xét giảm do kiểm toán chỉ ghi nhận một phần lợi nhuận nội bộ đã loại trừ từ giao dịch trước đây (TEG bán Công ty CP Du lịch Trường Thành Island cho công ty con là Công ty CP Đầu tư Xây dựng 108 Trường Thành), thay vì ghi nhận toàn bộ như trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập.

Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao hay thấp, lời hay lỗ là thể hiện năng lực cũng như vị thế của doanh nghiệp. Đồng thời cũng là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động, là chỉ số quan trọng để định giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Do đó, việc BCTC tự lập của nhiều doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn đối với BCTC đã được kiểm toán đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, cũng như tính minh bạch của doanh nghiệp, thậm chí có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư nếu trót tin tưởng vào BCTC của các doanh nghiệp mà đưa ra các quyết định mua, bán cổ phiếu.

Link gốc

Bình luận (12)

vn mà, lừa lọc qúa nhiều, tử tế và uy tín chỉ là con số rất ít
07:33
May là không lỗ là may rồi
07:36
vl chênh thế thì cho đi tù hết đám kế toán nội bộ đi, thế này khác nào lừa đảo chiếm dụng vốn.
07:48

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long