Hãy là người đầu tiên thích bài này
VSN: Tiền thuê đất của Vissan tăng gấp 3 lần

Ông lớn trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cảm thấy sức ép lên hiệu quả kinh doanh vì tiền thuê đất đột ngột tăng mạnh.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí dịp cuối năm mới đây, ông Lê Minh Tuấn, Tổng giám đốc Vissan cho biết, năm 2024, mặc dù doanh thu có giảm nhưng lợi nhuận vẫn đạt kế hoạch đặt ra là 114,5 tỉ đồng, tăng so với năm 2023 (107 tỉ đồng).

Theo ông Tuấn, trong năm qua, kinh doanh gặp nhiều sức ép vì chi phí heo hơi tăng, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Việc duy trì được lợi nhuận nhờ vào công ty tiết giảm chi phí, tung ra nhiều sản phẩm mới và các chương trình tiếp thị hấp dẫn thu hút khách hàng.

"Tuy nhiên, bước sang năm 2025, khả năng duy trì lợi nhuận tương tự 2024 là rất khó khăn. Nguyên nhân, Vissan vừa nhận được thông báo từ cơ quan quản lý Nhà nước tăng tiền thuê đất từ 40 tỉ đồng lên 120 tỉ đồng trong năm 2025.

Đây là sức ép rất lớn lên hiệu quả kinh doanh cho công ty trong giai đoạn tới vì chi phí thuê đất tăng rất mạnh. Trong khi đó, Vissan phải thực hiện chương trình bình ổn giá nên không thể tăng giá sản phẩm tương ứng theo chi phí.

Chưa kể, nguyên liệu đầu vào cho chế biến thực phẩm và thịt heo tươi sống cũng được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa phục hồi" - ông Tuấn cho biết.

Theo giới phân tích, tiền thuê đất thường chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ. Việc giảm tiền thuê đất trực tiếp giúp giảm gánh nặng về chi phí cố định, đồng nghĩa với việc tăng dòng tiền tự do.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động khác như nghiên cứu và phát triển, mở rộng sản xuất, giảm giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, cũng như có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến động của thị trường.

Doanh nghiệp chỉ kinh doanh hiệu quả nếu chi phí thuê đất hợp lý. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Công ty chứng khoán SSI nhận định, các bất ổn xung quanh điều kiện bên ngoài khiến người tiêu dùng sẽ tiếp tục chú trọng đến giá cả và ưu tiên các sản phẩm có giá trị tốt.

Một vài cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự tự tin của người tiêu dùng đang cải thiện, nhưng chỉ có chưa đến một nửa số hộ gia đình cho thấy tình hình tài chính sẽ tốt hơn trong vòng 12 tháng tới.

Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu sẽ phục hồi chậm.

Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, Tết 2025, một triển vọng kinh tế tích cực hơn đang hình thành. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn thận trọng về tình hình tài chính của họ, cho thấy cách tiếp cận thận trọng đối với chi tiêu.

Để nắm bắt tốt nhất nhu cầu, các thương hiệu phải đổi mới và cung cấp các sản phẩm có giá trị, để phù hợp với nhu cầu mua sắm Tết đang thay đổi của người tiêu dùng.

Ông Tuấn cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết, Vissan sẽ thực hiện nhiều chương trình chiêu thị hấp dẫn thu hút khách hàng, đặc biệt giảm giá thịt heo để hỗ trợ cho người tiêu dùng có một cái Tết đủ đầy.

Nhờ hiệu quả kinh doanh tốt trong năm 2024, giá cổ phiếu Vissan đang có xu hướng tăng, và hiện đang giao dịch trong vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu.

Phương Minh-Link gốc

Bình luận (1)

Mới lên mà doanh thu ln ko tăng trưởng được ở 1 cty thịt ntn thì sớm thoái vốn để tôi làm cho kkk
16:40

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long