Với diện tích hơn 500 ha, khu đất nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, gần cảng Bãi Gốc (mực nước sâu 20-25m, tiếp nhận tàu 250.000 DWT).
Ngày 9/9/2014, tại xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), Dự án Lọc dầu Vũng Rô với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD chính thức tổ chức lễ động thổ sau 7 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án mở ra tương lai về một Nhà máy lọc dầu hiện đại cùng với cảng chuyên dụng kết hợp cảng hàng hóa sẽ hình thành ở đây, đưa Phú Yên trở thành trung tâm phát triển về lĩnh vực hóa dầu và sau lọc dầu ở miền Trung.
Dự án Lọc dầu Vũng Rô
Khu đất 538ha nhìn thẳng ra biển với cảng nước sâu Bãi Gốc, được xem là “viên ngọc quý” cho ngành công nghiệp nặng.
Nhưng giấc mơ ấy nhanh chóng tan biến. Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, do liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) lập ra, đã không vượt qua được khó khăn tài chính và khủng hoảng giá dầu toàn cầu. Năm 2018, dự án bị thu hồi sau 11 năm không triển khai, để lại một “bãi cát mênh mông” và những hộ dân di dời dang dở.
Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất xây dựng Khu liên hợp gang thép tại đây với vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng, công suất 6 triệu tấn thép/năm. Theo kế hoạch của Tập đoàn Hòa Phát, Khu liên hợp Gang thép sẽ đi vào hoạt động thương mại năm 2029 và sản phẩm đường ray sẽ phục vụ dự án Đường sắt tốc độ cao.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2025, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát đánh giá: “Mảnh đất ở Phú Yên có lẽ là mảnh đất cuối cùng ở Việt Nam có thể xây nhà máy thép.”
Vì sao vị tỷ phú nói vậy?
Một vài phép so sánh
Với diện tích hơn 500 ha, khu đất nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, gần cảng Bãi Gốc (mực nước sâu 20-25m, tiếp nhận tàu 250.000 DWT). Đây là yếu tố sống còn cho ngành thép, vốn phụ thuộc vào nhập quặng sắt từ Úc, Brazil và xuất khẩu sản phẩm.
Gần Quốc lộ 1A, ga Phú Hiệp (700m), và sân bay Tuy Hòa (2 km), Hòa Tâm có kết nối giao thông khá tốt, đặc biệt để vận chuyển thép ray dài 50-100m. Khu đất đã giải phóng mặt bằng một phần từ dự án Vũng Rô, với hạ tầng cơ bản như đường, điện, nước.
Các đặc điểm này phần nào tương đồng với Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 ở Quảng Ngãi.
Toàn cảnh KLH Hòa Phát Dung Quất 1 và 2
Một số khu vực cũng được đánh giá là “mảnh đất đẹp” có diện tích đất công nghiệp lớn cùng cảng nước sâu, như Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với cảng nước sâu Quy Nhơn hay Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) với cảng nước sâu Vân Phong. Tuy nhiên, ngành thép không nằm trong ngành được ưu tiên phát triển của địa phương.
Tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), khu đất ‘tuyệt đẹp’ rộng 3.300 ha, gần cảng Sơn Dương nước sâu (tiếp nhận tàu 300.000 DWT) và kết nối tốt với miền Bắc qua Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam (ga Vũng Áng) và sân bay Vinh… đã dành cho Dự án thép Formosa.
Một ‘siêu dự án’ thép từng rất rầm rộ là thép Cà Ná tại Ninh Thuận, được Tập đoàn Hoa Sen xúc tiến đầu tư với tổng vốn theo công bố là 10,6 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm. Khu đất này rộng tới 1.700 ha, gần cảng Cà Ná nước sâu. Năm 2017, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất Dự án để làm rõ một số vấn đề về môi trường, công nghệ, thiết bị. Cuối cùng, Hoa Sen đã từ bỏ dự án thép Cà Ná.
So sánh dự án Cà Ná với dự án ở Phú Yên, cả hai đều nằm ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ, thuộc các khu kinh tế trọng điểm, thuận lợi cho ngành thép nhờ khả năng tiếp cận cảng biển nước sâu. Đều có vị trí chiến lược kết nối các vùng kinh tế, trong đó Phú Yên gần Tây Nguyên và miền Nam, Cà Ná gần Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, dự án Phú Yên được đánh giá là có lợi thế hơn về vị trí do ít xung đột với các ngành kinh tế khác như du lịch hay thủy sản, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố được đưa ra khi phản biện về dự án Cà Ná là Ninh Thuận đối mặt với hạn chế về nguồn nước ngọt, khó khăn cho một nhà máy thép cần tiêu thụ lượng nước rất lớn.
Một dự án khác là Dự án thép xanh Xuân Thiện tại Nam Định, với vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng, đang được các cổ đông của Hòa Phát coi là một đối thủ đáng gờm. Dự án tận dụng vị trí gần cảng Hải Thịnh và các tuyến giao thông phía Bắc. Tuy nhiên, Nam Định không có cảng nước sâu, có thể khiến chi phí logistics cao hơn.
Trả lời cổ đông về nỗi lo mang tên thép xanh Xuân Thiện, ông Trần Đình Long tự tin nói rằng: Làm thép không dễ và cạnh tranh với Hòa Phát cũng không dễ.
Có thực sự Là “Mảnh Đất Cuối Cùng”?
Một chuyên gia phân tích về ngành thép tại ĐHCĐ của Hòa Phát đồng ý rằng các khu đất ven biển lý tưởng để làm dự án thép quy mô lớn tại Việt Nam - đáp ứng đồng thời các tiêu chí diện tích lớn, có cảng nước sâu, kết nối giao thông, hạ tầng sẵn có – là không nhiều, khi qua một số ví dụ nói trên có thể thấy Dung Quất (Quảng Ngãi), Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã được khai thác, Nhơn Hội (Bình Định) và Vân Phong (Khánh Hòa) ưu tiên du lịch, logistics và Cà Ná gặp nhiều vấn đề.
“Dùng từ “cuối cùng” có thể chỉ là cách ông Long nhấn mạnh” – Chuyên gia phân tích đánh giá – “Các khu kinh tế mới vẫn còn tiềm năng nếu quy hoạch thay đổi, ví dụ như Quảng Yên (Quảng Ninh). Công nghệ thép xanh, như Xuân Thiện, cũng mở ra lựa chọn trong nội địa nếu như họ triển khai được. Dù vậy, trong bối cảnh 2025, Phú Yên là cơ hội hiếm có”.
Nếu Hòa Phát thành công tại Phú Yên, dự án sẽ mang lại tác động sâu rộng. Dự án dự kiến tạo việc làm cho 12.000 - 20.000 lao động, đóng góp 10.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách, và thúc đẩy Khu kinh tế Nam Phú Yên thành trung tâm công nghiệp mới, giống như đã làm với Quảng Ngãi.
Còn với Hòa Phát, một ‘siêu dự án’ có công suất tương đương Khu Liên hợp Dung Quất 1 sẽ tiếp tục đưa Tập đoàn này nhảy vọt thêm một bậc thang mới, sau khi KLH Dung Quất 2 nâng tổng công suất lên 15 triệu tấn thép/năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.





