Với các nhà máy phân bổ hầu khắp các tỉnh, ngành bia Việt Nam có vai trò kinh tế lớn khi luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp hàng đầu cho ngân sách.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), hàng năm, ngành đồ uống đóng góp cho ngân sách tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó đóng góp của các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Heineken, Coca - cola, Pepsi... chiếm tới hơn 80%.
Nguồn: Tổng cục Thuế (2015-2018) và tính toán của VBA (2019-2021) (VBA)
Điều này đến từ việc các doanh nghiệp đồ uống nói chung và doanh nghiệp bia nói riêng ở Việt Nam chịu mức thuế cao, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT).
Hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Gần đây, tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính nghiêng về phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030 với rượu 20 độ trở lên; áp thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70% với rượu dưới 20 độ. Và bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, việc đánh thuế khủng lên ngành bia ngày càng trở nên phổ biến như một cách để Chính phủ kiểm soát tình trạng lạm dụng rượu bia và thu thập nguồn thu từ thuế.
Các nhà máy sản xuất kinh doanh bia phân bổ hầu khắp các tỉnh thành đang đóng góp ngân sách lớn cho các địa phương. Ví dụ như Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh là doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế của tỉnh Hà Tĩnh khi đóng nộp hơn 504,8 tỷ đồng thuế nội địa trong 9 tháng năm 2023, các năm trước, doanh nghiệp này cũng thường xếp ở vị trí thứ hai, thứ ba.
Tỉnh Bình Định, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung tại Quy Nhơn cũng đã “soán ngôi” Công ty Xăng dầu Bình Định, trở thành DN nộp thuế lớn nhất tỉnh với số tiền 325,1 tỷ đồng.
Nhiều công ty bia khác cũng nằm trong top doanh nghiệp nộp thuế cao tại các địa phương. Mới đây, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để báo cáo về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam). Trước khi tạm dừng, Nhà máy của Heineken tại Quảng Nam nằm trong các DN đóng góp ngân sách lớn nhất cho Tỉnh Quảng Nam, cùng với các doanh nghiệp lớn như Thaco, nhóm công ty thuỷ điện...
Đối với 2 doanh nghiệp bia nội địa hàng đầu Việt Nam là Sabeco và Habeco, đặc biệt là Sabeco, thuế phát sinh trong năm 2023 của doanh nghiệp này lên đến 25.588 tỷ đồng, bằng 84% doanh thu của công ty.
Trong đó, thuế phát sinh lớn nhất là VAT gần 15.300 tỷ đồng, đã cấn trừ 13.444 tỷ đồng. Còn thuế phát sinh tại Habeco là 3.621 tỷ đồng, bằng 47% doanh thu, khoản thuế lớn nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thậm chí, thuế phát sinh và thuế đã nộp trong năm tại 1 số công ty con thuần sản xuất của Sabeco còn lớn hơn cả doanh thu do số thuế tiêu thụ đặc biệt lớn. Tại CTCP Bia Sài Gòn - Sông Lam, chỉ riêng thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp gần như bằng với doanh thu của năm 2023.
Các công ty con khác của Sabeco như Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Bia Sài Gòn Bình Tây hay Bia Sài Gòn - Miền Trung đã nộp cả nghìn tỷ tiền thuế thu nhập đặc biệt trong năm vừa rồi với số tiền nộp lần lượt là 1.639 tỷ, 1.670 tỷ và 922 tỷ, chiếm 80% - 90% tổng số thuế phải nộp.
Habeco ghi nhận trong năm 2023 đã nộp 3.666 tỷ đồng tiền thuế, trong đó, riêng thuế thu nhập đặc biệt là 3.105 tỷ đồng. Các công ty con của Habeco như CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa và CTCP Habeco Hải Phòng nộp khoảng 200 tỷ thuế thu nhập đặc biệt trong năm vừa rồi.
Công ty Cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long (Halobeco - HLB), doanh nghiệp bia có cổ phiếu có giá trị lớn nhất sàn chứng khoán trong năm 2023 cũng nộp 446 tỷ tiền thuế thu nhập đặc biệt. So với Sabeco hay Habeco, thuế thu nhập đặc biệt chỉ chiếm 56% tổng thuế phải nộp trong năm rồi của Halobeco.
Tiền thuế nộp trong năm 2023 của các doanh nghiệp bia
Bình luận (6)