Việc từ bỏ thương hiệu “Bản Việt” cho thấy quyết tâm “làm mới” công ty chứng khoán từ Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng. Và động thái “làm mới” đầu tiên là đẩy mạnh cho vay margin.
Thấy gì từ việc dư nợ margin tăng vọt?
Mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 vẫn đang tiếp diễn nhưng với ngành chứng khoán, bức tranh tài chính đã lộ diện hoàn toàn. Gây ấn tượng đặc biệt là trường hợp của Công ty Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI).
Chỉ trong vòng 1 quý, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của Vietcap đã tăng tới 28,6%, vượt trội so với tăng trưởng toàn ngành là 4%. Xét trong Top 20 công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất ngành, Vietcap là công ty có dư nợ cho vay margin tăng trưởng nhanh nhất trong quý vừa qua và đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Song hành với sự gia tăng “thần tốc” của dư nợ cho vay margin, thị phần môi giới cổ phiếu của Vietcap cũng ghi nhận bước tiến đáng chú ý, đây chính là bàn đạp để đẩy mạnh cho vay margin. Công ty chứng khoán của Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng xếp thứ 4 về thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE trong quý III/2024, cao nhất kể từ quý III/2020.
Nhìn lại, Vietcap từng thường xuyên ở trong Top 3 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE, thậm chí có quý vươn lên vị trị quán quân (quý IV/2018) nhưng cho tới quý III/2020 đã bị đẩy xuống vị trí thứ 5 trước áp lực từ VNDIRECT và VPS. Tới quý IV/2021, Vietcap thậm chí còn bị đẩy xuống vị trí thứ 8. Việc thị phần môi giới của công ty chứng khoán này bất ngờ tăng vọt trong quý vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.
Thị phần môi giới của Vietcap bứt phá trong quý III/2024
Dư nợ cho vay margin tăng mạnh, doanh thu từ hoạt động này cũng tăng theo. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, lãi từ các khoản cho vay và phải thu (chủ yếu là cho vay margin) của Vietcap đạt 621 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong năm 2023, lãi cho vay margin của Vietcap còn thấp hơn cả năm 2022.
Mảng cho vay margin khởi sắc là một tín hiệu tích cực đối với Vietcap, không chỉ bởi nguồn thu được gia tăng, mà còn vì xu hướng này có thể giúp lợi nhuận của Vietcap tăng trưởng ổn định hơn trong tương lai.
Vốn dĩ lợi nhuận của Vietcap những năm qua khá trồi sụt là bởi công ty chứng khoán này phụ thuộc nhiều vào hoạt động tự doanh và dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB). Trong khi hoạt động tự doanh dao động mạnh theo thị trường chứng khoán thì nguồn thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư lại không đều do phụ thuộc vào tiến độ các thương vụ lớn.
Thống kê từ nền tảng đầu tư Simplize cho thấy tăng trưởng lợi nhuận bình quân 5 năm qua của Vietcap ở mức… (âm) - 3,5%, trong khi trung vị tăng trưởng lợi nhuận bình quân 5 năm của 11 công ty chứng khoán quy mô cỡ vừa và lớn là 18,17%, phản ánh mức độ thiếu ổn định của lợi nhuận Vietcap. Điển hình, có năm lợi nhuận sau thuế của Vietcap lên đến gần 1.500 tỷ đồng (năm 2021) nhưng có năm chỉ gần 500 tỷ đồng (năm 2023).
Gần nhất, trong 9 tháng năm nay, lợi nhuận sau thuế của Vietcap tăng tới 88% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 692 tỷ đồng. “Nhân vật chính” lại không phải là mảng cho vay margin mà là mảng tự doanh khi lãi thuần từ tài sản ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng gấp gần 3 lần và cao hơn lãi từ hoạt động cho vay margin xét về giá trị tuyệt đối.
Đổi tên, đổi vận
Dư nợ margin tăng vọt, thị phần môi giới lên nấc cao mới, lợi nhuận 9 tháng tăng 88% đều là những bước tiến quan trọng của Vietcap kể từ công ty chứng khoán này đổi tên.
Trước đó, theo Nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 30/3/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap, tên viết tắt cũng được đổi từ VCSC thành Vietcap.
Việc từ bỏ thương hiệu “Bản Việt” cho thấy quyết tâm “làm mới” từ ban lãnh đạo công ty chứng khoán này mà đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng. Và điều đầu tiên cần “làm mới” có lẽ là tấn công mạnh mẽ vào mảng cho vay margin khi dư nợ margin của Vietcap kể từ sau khi đổi tên đến nay đã tăng gấp đôi, từ khoảng 5.100 tỷ đồng lên khoảng 10.100 tỷ đồng chỉ sau một năm rưỡi.
Chủ tịch Vietcap Nguyễn Thanh Phượng
Lợi nhuận của công ty chứng khoán này cũng “đổi vận” từ khi khoác lên mình thương hiệu mới. Từ mức chỉ vài chục tỷ đồng trong quý IV/2022 và quý I/2023, sang đến quý II/2023, lợi nhuận sau thuế của Vietcap đã lên mức 117 tỷ đồng và tiếp tục duy trì ở mức trên 100 tỷ đồng mỗi quý trong 3 quý tiếp theo. Đến quý II/2024 và quý III/2024, mặt bằng lợi nhuận đã lên trên 200 tỷ đồng mỗi quý.
Nhìn về tương lai, Vietcap vẫn còn khá nhiều dư địa để tăng cường cho vay margin. Tính đến cuối quý III/2024, tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của Vietcap mới chỉ ở mức 117%, cách xa mức trần 200% theo quy định nhà nước; trong khi đó, một số công ty chứng khoán đã lên sát mức trần, nhất là trường hợp của HSC - công ty chứng khoán từng một thời cùng với Vietcap thường xuyên nằm trong Top 3 thị phần môi giới nhưng sau đó bị VNDIRECT và VPS đánh bật ra.
Nếu vượt qua được thời kỳ sa sút và đưa tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) về mặt bằng thời kỳ trước (18-27% trong giai đoạn 2018 - 2021), lợi nhuận của Vietcap sẽ phá mức đỉnh gần 1.500 tỷ đồng thiết lập năm 2021. Hành trình này không hề dễ dàng, ngoài việc đẩy mạnh cho vay margin thì có lẽ cần thêm may mắn từ diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán.
Bình luận (12)