Hãy là người đầu tiên thích bài này
Vận tải container qua cảng Chân Mây: Nỗ lực vượt “sóng to, gió ngược”

Vận tải hàng container qua Cảng Chân Mây vừa mới triển khai đã gặp phải nhiều thách thức, tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng đã đạt được những kết quả nhất định.

Vừa “vươn khơi” đã gặp “sóng to, gió ngược”

Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thường lệ lần thứ 7, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND tỉnh này đã nhận định, 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức nằm ngoài dự báo từ đầu năm với tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chiến tranh Nga- Ucraina kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm…

Trước những đợt “sóng to” đó, “đứa con” - vận tải hàng container qua cảng của Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) vừa “hạ sinh” được 1 năm cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng.

Kinh tế - Vận tải container qua cảng Chân Mây: Nỗ lực vượt “sóng to, gió ngược” (Hình 2).

Hoạt động vận tải hàng container qua Cảng Chân Mây trải qua một năm nhiều khó khăn, thách thức.
Tại báo cáo khái quát tình hình xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây về những khó khăn trong việc khai thác hàng container, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây đã chỉ ra nhiều khó khăn - những “cơn gió ngược” trên tiến trình vận hành, hoạt động.

Đặc biệt liên quan đến công tác thị trường, theo Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, hiện nay, mặt hàng container nội địa chủ lực trên địa bàn là vật liệu xây dựng như: gạch, frit, men…Tuy nhiên, hiện  hàng tồn kho tại nhà máy vẫn đang còn rất nhiều, trong khi sức mua lại ít nên phải hạn chế lại dây chuyền sản xuất, giảm nhân công, hoạt động cầm chừng, sức mua của thị trường giảm đi rõ rệt so với thời điểm đầu năm.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế giảm mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc và sợi do không có đơn đặt hàng từ các nước Âu Mỹ. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa của khu vực Miền Trung không nhiều, mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống các trung tâm logistics. Giữa các doanh nghiệp, các hãng tàu và công ty logistics vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác nhất định để triển khai xuất nhập hàng container qua Cảng Chân Mây.

Một số doanh nghiệp đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng, nên vẫn còn ngại thay đổi, việc thay đổi cảng xuất/nhập khẩu hàng container còn phụ thuộc vào điều kiện thương mại đã ký kết với đối tác mua/bán ở nước ngoài.

Nỗ lực vượt khó, không ngừng nâng cấp

Dù nhiều khó khăn như vậy nhưng theo Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan ban ngành, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của khách hàng, đối tác, các đơn vị liên quan, từ đó, đã nỗ lực không ngừng trong việc phục vụ khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển nhanh chóng và thông suốt nhất.

Ký biên bản ghi nhớ giữa Hãng tàu RCL và Công ty CP Cảng Chân Mây về việc mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng biển Chân Mây.

Trong quá trình nỗ lực vượt “sóng to, gió ngược” đó, Cảng Chân Mây đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị; thường xuyên thông tin đến khách hàng về chính sách hỗ trợ của tỉnh và của cảng; hỗ trợ khách hàng 24/7 các dịch vụ tại cảng; đặc biệt, ưu tiên sắp xếp bố trí cầu bến cho tàu container vào cầu ngay khi đến cảng và tiến tới ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, nhằm cung cấp cho đối tác, khách hàng dịch vụ có chất lượng, nhanh chóng, thuận tiện và giản đơn nhất. Năng suất xếp dỡ container tại cảng hiện tại cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của hãng tàu. Trong quá trình triển khai dịch vụ hàng container, Cảng Chân Mây luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho container và hàng hóa của khách hàng.

Không chỉ vậy, Cảng cũng đã xây dựng đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ giám định, sửa chữa container có chứng chỉ IICL theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc kiểm tra tình trạng, chất lượng và sửa chữa container theo yêu cầu của các hãng tàu. Đồng thời, đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như: Kho ngoại quan 2.500m2, bãi hàng container. Triển khai áp dụng phần mềm để quản lý và khai thác hàng container.

Song song đó, ngoài việc tích cực liên hệ, làm việc với từng doanh nghệp trên địa bàn để nắm thông tin hàng hóa, tình hình thị trường xuất nhập hàng container, Công ty còn luôn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục khi xuất nhập hàng qua cảng, cũng như thủ tục, quy trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách của UBND tỉnh.

Chính sách hiệu quả, thay đổi diện mạo

Chính nhờ tinh thần vượt khó này, Cảng đã đạt được một số thành quả nhất định qua 1 năm triển khai dịch vụ hàng container.

Theo đó, Cảng đã tiếp nhận và xếp dỡ cho 65 chuyến tàu container cập cảng (21 chuyến tàu ngoại, 44 chuyến tàu nội). Công tác triển khai làm hàng đã diễn ra khá tốt và an toàn. Trung bình mỗi tháng đón 4-5 chuyến tàu cập cảng. Nguồn hàng container xuất nhập qua Cảng Chân Mây khá đa dạng, ngoài các mặt hàng tại địa phương, còn có một số nguồn hàng từ Quảng Trị (Cao su), Quảng Bình (Ván ép), từ Lào (Cao su), Đà Nẵng và Quảng Nam (Nước giải khát, sữa)…

Đặc biệt, kể từ khi HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế có chính sách hỗ trợ, thông qua Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022, đến nay đã có 01 hãng tàu quốc tế và 01 hãng tàu nội địa mở tuyến tàu container qua Cảng Chân Mây.

Đến nay đã có một số hãng tàu, doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ như: Công ty TNHH Vận tải container Hải An (Hãng tàu Hải An), Công ty Cổ phần Đầu tư A&B Việt Nam, Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế), Công ty cổ phần Frit Phú Xuân với tổng số tiền được hỗ trợ gần 8 tỷ đồng.

Hiện ngoài các doanh nghiệp trên địa bàn, còn có những doanh nghiệp lớn từ Lào như Sun Paper, AIDC đã quan tâm, nghiên cứu triển trai xuất nhập hàng container qua Cảng. Từ đó, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả nước bạn Lào, tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Trên tiến trình hoạt động những năm tiếp theo, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây tiếp tục tăng cường kết nối, làm việc với các hãng tàu, Feeder để thực hiện việc trung chuyển hàng xuất, nhập khẩu tuyến Hải Phòng ↔ Chân Mây (Huế) ↔ Hồ Chí Minh (Cát Lái, Cái Mép)].

Kết nối với các hãng tàu RCL lên kế hoạch triển khai đưa tàu container về Cảng Chân Mây trong tháng 12/2023. Tiếp tục làm việc với các khách hàng, thuyết phục thay đổi lựa chọn Cảng Chân Mây để xuất/nhập hàng container; phối hợp với các hãng tàu gặp gỡ khách hàng là các doanh nghiệp có tỷ trọng hàng hóa lớn trong tỉnh, tìm kiếm các khách hàng tiềm năng tại Quảng Trị, Quảng Bình và Lào.

Không ngừng trao đổi cung cấp thông tin cho các hãng tàu để chào mời dịch vụ container của Chân Mây, thông tin Nghị quyết hỗ trợ của tỉnh cho các hãng tàu, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Thuyết phục hãng tàu mở tuyến hàng container quốc tế qua Cảng Chân Mây trong năm 2024.

Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cũng thông tin, trong năm 2024,  sẽ sớm bổ sung công năng tiếp nhận, khai thác tàu container cho Bến số 01, mở rộng kho bãi, đồng thời đầu tư thêm thiết bị chuyên dụng phục vụ làm hàng container.

Để tiến trình và những kế hoạch đạt hiệu quả, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cũng đã mạnh dạn có những kiến nghị, đề xuất như: Mong muốn UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cần duy trì mức hỗ trợ và gia hạn thời gian áp dụng Chính sách hỗ trợ cho hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập hàng container qua Cảng Chân Mây. Thời gian 3-5 năm để hãng tàu lập kế hoạch.

Đồng thời, sớm hoàn thành Giai đoạn 2 - Dự án Đê chắn sóng nhằm hạn chế ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng.

Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cũng kiến nghị tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng ICD, kho bãi, dịch vụ hậu cần để cùng với doanh nghiệp khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế được thuận lợi.

Lâu nay, Cảng Chân Mây được xem như trái tim của Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân viên Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, trong tương lai, việc thu hút tàu hàng container qua cảng sẽ là bước đột phá để hiện thực hóa tiềm năng của cảng biển này góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung, hoàn thành nhiều mục tiêu kinh tế của địa phương, đặc biệt là mục tiêu trước mắt, gần nhất, trọng tâm nhất là  xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Lê Kông

Bình luận (1)

Múc HAH VOs
20:49

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long