Hãy là người đầu tiên thích bài này
Ứng dụng công nghệ phát triển chăn nuôi đặc thù, bền vững

Trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh được ban hành tại Quyết định số 685 năm 2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh, lĩnh vực chăn nuôi có sản phẩm tiêu biểu là lợn giống, gà giống, cá giống; thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá thịt…. Để phát triển nhóm sản phẩm này bền vững, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại ngay từ khâu sản xuất.

Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn nguồn gen giống gà Hồ đặc sản tại Công ty TNHH Hương Việt Sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động; có 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về đàn giống, với việc tích cực ứng dụng công nghệ lai tạo, nhập ngoại đàn lợn lai 2,3 máu (Duroc, Piteran, Landace, Yorshre…); toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 con cụ kỵ, ông bà, bố mẹ, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 610.000 con giống lợn. Đối với đàn gia cầm, các trang trại tăng cường sử dụng giống bản địa, phục tráng, lai tạo nguồn gen tốt, tạo ra giống gà đặc sản của tỉnh như gà Hồ, gà lai Hồ, gà J.Dabaco... mỗi năm cung ứng khoảng 32 triệu con gà giống. Đối với sản phẩm chủ lực thương phẩm, nhờ đẩy mạnh hệ thống chuồng trại, quy trình chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, năm 2024, sản lượng thịt lợn tiêu thụ ước đạt 54.198 tấn; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 25.000 tấn, trứng gia cầm ước đạt 350 triệu quả trứng/năm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Về thủy sản, từ 2016 đến nay, có 6 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai nhằm đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng của các giống mới, giúp đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu giống cá thả nuôi; nâng cao năng lực, trình độ thâm canh của nông dân. Cụ thể, đó là công nghệ chọn tạo và lai ghép giữa các dòng cá giống (như lai dòng cá chép Việt, cá chép Hungari, cá chép vàng Indonesia để tạo ra cá chép F1 mang 3 dòng máu…) nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng, sinh sản, kháng bệnh. Công suất sản xuất giống luôn bảo đảm với khoảng 250,5 triệu con giống/năm (cá bột 123,1 triệu con, cá hương 74,1 triệu con, cá giống 48,2 triệu con). Các loại thủy sản thương phẩm chủ lực có năng suất, giá trị kinh tế cao như: cá trắm cỏ, cá chép lai, cá rô phi, cá điêu hồng, cá lăng đen (cá nheo Mỹ), cá tầm… được nuôi ngày càng phổ biến. Với đối tượng này, 80% các hộ lắp đặt hệ thống máy quạt nước, hệ thống sục khí tạo oxy trong ao nuôi, sử dụng các chế phẩm vi sinh làm ổn định chất lượng nước, nâng cao sức đề kháng cho cá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, với sự đầu tư về hạ tầng, công nghệ, quy trình sản xuất, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có chất lượng tốt, được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh và thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành Nông nghiệp, tỷ trọng sản xuất chăn nuôi ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, quy trình chăn nuôi tiên tiến (VietGAP)... đối với các trang trại, trừ một số trang trại quy mô lớn còn ít. Trong xây dựng thương hiệu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù về con giống, thịt thương phẩm vẫn chưa tạo dựng được uy tín, chưa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài…

Hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn các trang trại đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tăng số lượng đầu con hợp lý gắn với nhu cầu thị trường; ưu tiên phát triển những vật nuôi có tiềm năng; phấn đấu duy trì tổng đàn hằng năm khoảng 280.000-300.000 con lợn; 5,5 triệu con gia cầm; 17.000 con trâu, bò. Chuyển dịch mạnh chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại công nghiệp tập trung, bảo đảm an toàn sinh học; tổ chức sản xuất khép kín có tham gia liên kết theo chuỗi giá trị để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế. Quản lý tốt việc xử lý chất thải, phát triển các vùng nuôi an toàn về môi trường. Thúc đẩy công nghiệp giết mổ tập trung, ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản, chế biến gắn với việc xây dựng thương hiệu tạo dựng vị thế cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương. 

Song Giang

Link gốc

Bình luận (1)

Còn giảm,chưa lên được
06:12
 2

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long