Hãy là người đầu tiên thích bài này
Triển vọng tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2025

Vietcap dự báo ngành cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các chính sách thuế của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo ngành thuỷ sản phát hành ngày 14/1, Chứng khoán Vietcap cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam tăng lần lượt 6% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm của Việt Nam đều phục hồi. Trong quý 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng mạnh ở mức 35% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16%; và tăng nhẹ 2% tại thị trường châu Âu.

Vietcap dẫn số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho thấy, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ/EU/Trung Quốc/Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh, lần lượt ở mức 22%/19%/14%/12%. Với nhu cầu phục hồi ngày càng mạnh và những lo ngại về nguồn cung của ngư dân và các đơn vị sản xuất nhỏ trong ngành tôm và cá tra, đơn vị phân tích kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh trong quý 4/2024 và cả năm 2025.

Vietcap dự báo ngành cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các chính sách thuế của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2. Thực tế, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump (2017–2021), xuất khẩu cá tra Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự phát triển khuôn khổ pháp lý.

Cuộc chiến thương mại đã chuyển hướng nhu cầu của Mỹ về hải sản Trung Quốc sang các sản phẩm thay thế của Việt Nam, đặc biệt là cá tra. Vào năm 2018, Việt Nam đã đáp ứng thành công các tiêu chuẩn tương đương nghiêm ngặt hơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đối với xuất khẩu cá tra, đảm bảo tiếp cận thị trường này.

Ngoài ra, trong cùng năm đó, Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với một loạt hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm một số sản phẩm hải sản như cá rô phi. Những chính sách đó đã dẫn đến giá bán trung bình (ASP) cao kỷ lục đối với cá tra vào năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2012.

Ngược lại, tôm Việt Nam trong giai đoạn này chứng kiến sự cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador khi các quốc gia này tận dụng chi phí nuôi trồng thấp hơn.

Giá trị xuất khẩu của cá tra Việt Nam theo tháng. Nguồn: Vietcap

Vietcap cho rằng cá tra Việt Nam có khả năng tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách thuế quan thuận lợi, đặc biệt nếu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump thực hiện việc tăng thuế đối với cá rô phi Trung Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, cá tra Việt Nam có lợi thế về chi phí thấp hơn so với cá rô phi Trung Quốc, với giá bán trung bình trước thuế của cá tra là 3 USD/kg so với 3,2 USD/kg của cá rô phi (giá bán trung bình sau khi áp dụng mức thuế hiện tại là 3,1 USD/kg đối với cá tra và 4 USD/kg đối với cá rô phi). Ngay cả khi có khả năng áp dụng mức thuế 10-20% đối với cá tra, giá bán trung bình của cá tra Việt Nam khả năng vẫn thấp hơn cá rô phi Trung Quốc.

"Cá tra Việt Nam có thể duy trì giá cả cạnh tranh, được hưởng lợi từ lợi thế về thuế quan và sự thay đổi cơ cấu nhu cầu nếu Mỹ duy trì mức thuế cao đối với cá rô phi Trung Quốc và nếu các nhà sản xuất cá tra Việt Nam tiếp tục thích ứng tốt với các điều kiện thị trường. Vì vậy, Vĩnh Hoàn (VHC) là bên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này," đơn vị phân tích nêu nhận định.

Về xuất khẩu tôm, Vietcap cũng đánh giá tích cực qua các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá/thuế chống trợ cấp. Theo kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 22/10/2024, thuế chống trợ cấp cho tôm Ấn Độ/Ecuador là 5,77%/3,78%, cao hơn mức 2,84% của Việt Nam. Nếu kết quả chính thức này được duy trì đến tháng 12/2024, vị thế của tôm Việt Nam dự kiến sẽ được củng cố trên thị trường Mỹ và đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ giá cho các nhà chế biến tôm Việt Nam.

Sản lượng xuất khẩu tôm thẻ và tôm sú của Việt Nam theo thị trường. Nguồn: Vietcap

Ngoài ra, đơn vị phân tích còn nêu một số yếu tố thuận lợi khác giúp mang lại triển vọng tích cực cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2025. Đó là chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng tại Mỹ và sự phục hồi dự trữ hàng tồn kho vào cuối năm 2024 đến năm 2025; Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy chi tiêu và tiêu dùng trong dân chúng, giúp hỗ trợ cho việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào thị trường này; các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của EU đối với các sản phẩm thủy sản của Nga và Trung Quốc có thể có lợi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Phạm Ngọc-Link gốc

Bình luận (5)

Ai còn cái hình NÍN - úp vào mẹt nó nào
10:12
 1
10:19
Mấy mã thuỷ sản năm nay đói mốc mỏ
10:20

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long