Hãy là người đầu tiên thích bài này
Triển vọng các ngành bán lẻ năm 2025 và 2 cổ phiếu được đặt 'ngôi sao hy vọng'

Trong năm 2025, chuỗi bán lẻ dược phẩm và tạp hóa có khả năng tiếp tục mở rộng trong khi chuỗi bán lẻ ICT-CE và trang sức nhìn chung sẽ duy trì số lượng cửa hàng, tập trung vào các chiến lược kích thích nhu cầu tiêu thụ.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu có tốc độ mở mới mạnh mẽ thời gian qua.

Theo nhận định của Chứng khoán MB (MBS) trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ phát hành ngày 2/1, bức tranh phục hồi giữa các chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu và không thiết yếu trong năm 2024 có sự khác nhau. Các chuỗi bán lẻ điện tử tiêu dùng (Thế giới di động, Điện máy Xanh, FPT Shop) tái cơ cấu và đóng cửa thêm nhiều cửa hàng có kết quả kinh doanh không khả quan để tối ưu hóa chi phí, gia tăng lợi nhuận ròng.

Ngược lại, các chuỗi bán lẻ thực phẩm đã mở thêm một số cửa hàng mới khi cả Bách hóa Xanh và WinCommerce (WCM) đều ghi nhận lợi nhuận ròng trên cả công ty trong quý 2/2024. Bên cạnh đó, các chuỗi bán lẻ thực phẩm cải thiện doanh thu trung bình khoảng 15% so với cùng kỳ nhờ sự chuyển đổi lưu lượng từ các chợ truyền thống. Trong ngành bán lẻ dược phẩm, trong khi An Khang đang cố gắng tái cơ cấu để tiến đến điểm hòa vốn thì Long Châu đã xây dựng được một vị thế vững chắc hơn trong ngành.

MBS cho rằng, triển vọng tăng trưởng của các ngành bán lẻ trang sức, ô tô và ICT-CE (điện máy, công nghệ) trong giai đoạn 2025-2026 dự báo sẽ không mạnh, do các thị trường này đã đạt mức bão hòa. Trong khi đó, nhờ tính chất thị trường vẫn còn phân mảnh, ngành dược phẩm vẫn có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Ngành tiêu dùng vẫn duy trì sự ổn định và tiếp tục có tiềm năng, được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của thế hệ mới.

Cụ thể, đối với bán lẻ tiêu dùng, MBS cho rằng vẫn còn tiềm năng trong trung và dài hạn nhờ vào thu nhập khả dụng tăng cao, nhu cầu ngày càng tăng đối với lối sống chất lượng cao hơn. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận các mô hình bán lẻ hiện đại – một xu hướng phát triển trong ngành bán lẻ thực phẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các kênh bán hàng đa kênh (omni-channel) sẽ giúp các nhà bán lẻ khai thác tiềm năng đáng kể trên thị trường này.

Gần đây, các mô hình bán lẻ hiện đại của các "ông lớn" như Aeon Mall, Go! cũng như các mô hình bán lẻ nhỏ hơn như Bách hóa Xanh (BHX) và Wimart+ đã thành công trong việc thu hút một sự chuyển dịch đáng kể từ các mô hình thị trường truyền thống nhờ vào chiến lược bán hàng cạnh tranh và hiệu quả.

MBS cho rằng, sau giai đoạn có lợi nhuận của BHX và WCM, năm 2025 sẽ là thời điểm thích hợp để mở rộng mạng lưới cửa hàng và gia tăng phạm vi tiếp cận của các nhà bán lẻ hiện đại lớn khi nhu cầu tiêu dùng có thể tiếp tục phục hồi khả quan, sự lan tỏa từ ngành sản xuất sẽ mạnh mẽ hơn so với năm 2024, khi xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ. Hơn nữa, các nhà bán lẻ nước ngoài lớn cũng đang triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam, điều này làm nổi bật sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam. Dự kiến, trong quý 4/2024 đến 2025, khoảng 8 trung tâm thương mại lớn sẽ đi vào hoạt động.

Giá trị thị trường thực phẩm được dự báo có CAGR 9% trong giai đoạn 2024-2026. Nguồn: MBS

Với bán lẻ dược phẩm, sự bùng nổ của mô hình chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại là yếu tố chính giúp cho doanh thu thị trường đạt 7% CAGR (tăng trưởng kép) trong giai đoạn 2019-2024. Từ năm 2019-2024, theo Euromonitor, giá trị ngành bán lẻ làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt CAGR 7%, với phân khúc dược phẩm dự báo tăng trưởng ở mức khoảng CAGR 8%. Từ năm 2020-2024, các đối thủ lớn như Pharmacity, Long Châu và An Khang đã bắt đầu mở rộng nhanh chóng với tổng số lượng khoảng 2.500 cửa hàng dược phẩm. Long Châu dẫn đầu sự mở rộng này với tỷ lệ CAGR 74%. Sự tăng trưởng này đã làm tăng đáng kể phạm vi của bán lẻ dược phẩm hiện đại, từ 2% trong năm 2020 ước tính lên 8% vào năm 2024.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2023-2024, một số chuỗi bán lẻ dược phẩm được thành lập hoặc đầu tư bởi các tập đoàn nước ngoài như Trung Sơn Pharma được Dongwha Pharma mua lại với cổ phần 51%, Phượng Hoàng được thành lập bởi người sáng lập Pharmacity trước đây. Điều này cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường bán lẻ dược phẩm hiện nay tại Việt Nam, chỉ ra một xu hướng tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Với tốc độ mở rộng cửa hàng nhanh chóng, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi nhà thuốc hiện đại vẫn còn tương đối thấp (<10%) cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn nhiều cho các doanh nghiệp trong ngành. Các nhà thuốc truyền thống đang dần mất ưu thế trước những lợi thế của các chuỗi nhà thuốc hiện đại với danh mục sản phẩm đa dạng với giá cả ổn định hơn, khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, có hệ thống.

Đơn vị phân tích dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục là năm bùng nổ mở rộng mạnh mẽ của các chuỗi nhà thuốc hiện đại, tuy nhiên tốc độ sẽ chậm hơn giai đoạn vừa qua khi tỷ lệ bao phủ của Long Châu đã tiếp cận mức 5%.

Quy mô của các chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại có CAGR 56% trong giai đoạn 2019-2024. Nguồn: MBS

Với ngành bán lẻ ICT-CE, MBS cho rằng năm 2025, các doanh nghiệp sẽ không còn đóng mạnh các cửa hàng vật lý, thay vào đó là tập trung các chương trình kích thích chi tiêu mua sắm điện tử tiêu dùng, trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ vào tác động tích cực từ các yếu tố vĩ mô của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2025-2026, khi sự phục hồi của nền kinh tế tốt hơn đến từ sự lan tỏa mạnh mẽ ở khu vực sản xuất, tác động tích cực đến nhu cầu tiêu dùng, sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ở các chuỗi bán lẻ ở mức hai chữ số. Vì vậy, MBS kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng, hàng không thiết yếu sẽ bắt đầu khởi sắc kể từ năm 2025 và phục hồi tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Với ngành bán lẻ trang sức, MBS cho biết, nhu cầu trang sức trong năm 2024 sẽ thấp hơn so với giai đoạn 2022-2023 do sự phục hồi chưa khả quan của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu có thể cải thiện trong giai đoạn 2025-2026 nhờ vào mức tăng thu nhập của người lao đọng khi sự lan tỏa của khu vực sản xuất của Việt Nam ước tính cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Tổng thể, giá trị thị trường trang sức dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong giai đoạn 2024-2026.

Về cổ phiếu, trong năm 2025, MBS đánh giá khả quan MWG vì 2 lý do chính: Nhu cầu tiêu thụ điện tử tiêu dùng có thể quay trở lại mức bình thường như trước đại dịch Covid-19 giúp lợi nhuận ròng của Thế giới di động và Điện máy Xanh tăng 21% so với cùng kỳ, Bách hoá Xanh bước tiếp thành công với khu vực miền Trung và có lợi nhuận ròng khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2025. Ngoài ra, đơn vị phân tích nhận thấy PNJ hiện đang có mức định giá khá hấp dẫn với P/E 25 ~13x, thấp hơn P/E trung bình 3 năm là 16,6x, cùng với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận ròng 16% so với cùng kỳ trong năm 2025.

Link gốc

Bình luận (9)

Lái kẹp bi àh
11:26
 1
2 ngôi sao đang cắm đầu kkkkkk
11:27
 2
dự báo ngành bán lẻ sẽ ngấm đòn sinh trắc học ngân hàng, ví điện tử sớm nhất 😅
11:38

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long