2 vị CEO cho rằng doanh nghiệp cần lưu ý 2 vấn đề: Tập trung phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ.
Ngày 23/12, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Bức tranh kinh tế - Xu thế toàn cầu, cơ hội Việt Nam”. Tọa đàm thuộc khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sao vàng đất Việt 2024.
Tham dự Tọa đàm có ông Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cùng các Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: ông Nguyễn Doãn Thắng, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, ông Hoàng Công Đoàn, ông Nguyễn Hồng Phong, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch CLB Sao Vàng đất Việt, cùng lãnh đạo Hội DNT Việt Nam các thời kỳ, lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đại diện các CLB trực thuộc hội cùng 200 doanh nghiệp đạt giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2024.
Lãnh đạo Trung ương Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tham dự Tọa đàm.
Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả: ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT. Điều phối tọa đàm: ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư.
Ông Lê Trí Thông: Chính sách thời Trump 2.0 chưa tác động ngay đến Việt Nam
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.
Việc các nhà kinh tế dự báo chính chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu và chuyển dịch chuỗi cung ứng về nước, theo quan điểm của tôi, trong 2 năm tới sẽ chưa ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam.
Tuy nhiên chính sách kinh tế luôn phải có góc nhìn dự báo tới 2026-2027, vì vậy có thể giai đoạn này những lợi thế có thể tình huống đảo ngược, doanh nghiệp luôn luôn phải sẵn sàng ứng phó.
Trong ngắn hạn 2025, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi sản xuất, vốn đầu tư FDI ra khỏi Trung Quốc. Theo tôi, một số lĩnh vực có thể hưởng lợi từ làn sóng này như logistics, khu công nghiệp, bán lẻ, hi vọng ngành bất động sản với câu chuyện của chính sách tiền tệ, dòng tiền và thủ tục cũng sẽ có khởi sắc.
Liên quan đến vấn đề trí tuệ nhân tạo, xu hướng công nghệ hot hiện nay, đây là cuộc chơi tốn tiền và không dễ vì liên quan đến chất lượng dữ liệu và cách huấn luyện. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải biết cách đặt đầu bài và dùng AI giải quyết đề bài, đó mới là yếu tố cốt lõi.
Ví dụ từ Trung Quốc, họ vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới không phải đến từ việc trở thành “công xưởng thế giới” mà là đặt cược vào internet. Họ có chiến lược quốc gia để phát triển lĩnh vực này để doanh nghiệp tận dụng chính sách để phát triển.
Rất nhiều nước thu hút FDI nhưng dòng vốn không thể thẩm thấu vào sản xuất. Nguyên nhân do năng lực doanh nghiệp nội địa còn yếu kém. Việt Nam đứng trước cơ hội đón dòng vốn FDI rất lớn. Vấn đề doanh nghiệp là học hỏi doanh nghiệp FDI từ công nghệ, quản trị, tham gia từng bước vào chuỗi cung ứng của họ để phát minh, sáng chế sản phẩm của riêng mình.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Doanh nghiệp Việt vẫn ngại công nghệ
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.
Tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới hiện nay được dự báo có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng logistics. Nhưng chúng tôi luôn có quan điểm phải đi tìm cơ hội trong khó khăn.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển phải bắt tay cùng nhau. Thay vì cái gì cũng tự làm, làm tranh của người khác hay “trâu buộc ghét trâu ăn” thì các doanh nghiệp phải cùng tham gia vào một hệ sinh thái.
Ví dụ khi FPT nhận một dự án sẽ chia lại các phần liên quan cho doanh nghiệp nhỏ trong hệ sinh thái, với nguyên tắc không cạnh tranh và “nuốt chửng” sản phẩm của họ.
Đặc biệt, doanh nghiệp nên chú ý đưa khoa học công nghệ, đặc biệt là dữ liệu vào doanh nghiệp của mình. Luật Dữ liệu được xây dựng, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận và khai thác dữ liệu và có ý thức hơn trong việc tới sử dụng và bảo vệ dữ liệu.
Lựa chọn con đường chuyển đổi số. Nếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hàng tồn kho, ít nhất doanh nghiệp giảm 4%, nếu làm tốt sẽ giảm 8% so với đối thủ không dùng. Nếu áp dụng trí tuệ nhân tạo, tỷ lệ này còn tăng lên gấp nhiều lần.
Ví dụ chúng tôi lên kế hoạch đi công tác Cuba, Mỹ. Thông thường sẽ phải nhờ tới bộ phận văn phòng lập. Nhưng khi dùng ChatGPT, đặc yêu cầu lập kế hoạch công tác (cụ thể đi bao nhiêu ngày, chi phí rẻ nhất...), như vậy giải phóng công việc cho văn phòng.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn e ngại công nghệ. Có doanh nghiệp vẫn quản trị doanh nghiệp bằng excel. Chúng tôi tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp, khi hỏi bài toán họ cần giải quyết là gì, họ không trả lời được. Khi hỏi nhân viên cấp dưới làm thế nào khi thiếu chi phí marketing, họ chỉ trả lời xin sếp tăng thêm chi phí mà không biết cách dùng công nghệ để giảm chi phí.
Trước mắt doanh nghiệp nên cho nhân viên đi học về trí tuệ nhân tạo, cá nhân chủ doanh nghiệp biết sử dụng nó đã rất khác.
Nhiều người cho rằng tập đoàn lớn sẽ có tiền để đầu tư công nghệ. Nhưng FPT phát triển lĩnh vực mới không phải theo kiểu “con nhà giàu” mà bắt đầu từ doanh nghiệp khởi nghiệp, từ 1.000 đồng. Chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng vậy. Bà Nguyễn Bạch Diệp, Tổng Giám đốc FPT Long Châu trong 1 năm đầu bán thuốc lẻ ngoài chợ để tìm ra mô hình cho chuỗi nhà thuốc. Cho đến hiện tại, đội ngũ công nghệ phục vụ riêng cho Long Châu lên tới 600 người, hơn cả đội ngũ IT của một ngân hàng cấp trung ở Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham dự của 200 doanh nghiệp đạt giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2024.
Huyền Trang