Hãy là người đầu tiên thích bài này
STG: Sotrans duy trì không chia cổ tức đến 2025 dù lãi tích lũy vượt vốn

Sotrans đã không chia cổ tức tính từ 2019 đến nay. Công ty đang tập trung dòng tiền, nguồn vốn vào các hoạt động đầu tư của hệ thống, vào hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên, mục tiêu trở thành đơn vị có vị thế ngày càng quan trọng ở miền Nam mà còn mở rộng ra phía Bắc.

Sotrans không chia cổ tức 6 năm liên tiếp. Ảnh minh họa: STG

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Công ty cổ phần Kho vận miền Nam – Sotrans (mã: STG) sẽ không chia cổ tức năm 2023 và 2024. Từ năm 2025, công ty cân đối dòng tiền, nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

HĐQT lý giải quyết định đưa ra trên cơ sở xem xét đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sau đại dịch covid-19 kinh tế thế giới phục hồi yếu, chiến tranh Nga – Ukraina, lạm phát giảm chậm… đã ảnh hưởng không ít đến tình hình kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, công ty đang tập trung dòng tiền, nguồn vốn vào các hoạt động đầu tư của hệ thống, vào hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên.

Sotrans từng là đơn vị có tỷ lệ chia cổ tức tốt 20 – 25% giai đoạn trước. Song từ 2016 trở đi thất thường và từ 2019 thì không chia. Như năm 2017, công ty có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% nhưng sau đó đổi sang trả cổ phiếu; năm 2018 mức kế hoạch 15% nhưng sau điều chỉnh xuống 10%; năm 2019 đặt mục tiêu trả 10% song thay đổi thành 0%.

Việc không chia cổ tức nhiều năm đã giúp doanh nghiệp tích lũy được 1.155 tỷ đồng lợi nhuận tính đến cuối 2023, vượt qua vốn điều lệ 982 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Kho vận miền Nam được thành lập năm 1975 với hệ thống kho và vận chuyển chủ lực của ngành thương mại. Giai đoạn 2015 – 2019 là giai đoạn có nhiều biến động đối với Sotrans khi lần lượt có các cổ đông lớn, đối tác chiến lược tham gia như Tập đoàn Gelex (mã: GEX), Tập đoàn ITL. Đến năm 2020, Gelex rút khỏi mảng logistics và Sotrans trở thành công ty con của Tập đoàn ITL.

Hiện nay, Sotrans có 2 cổ đông lớn gồm Tập đoàn ITL nắm giữ 69,32% vốn và PSA Cargo Solutions Vietnam Investments Pte.Ldt (Singapore) sở hữu 30%.

Tập đoàn ITL được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp hậu cầu, tổng đại lý cho các hãng hàng không, dịch vụ kho bãi, dịch vụ giao nhận.. hàng đầu tại Việt Nam và các nước Đông Dương như Campuchia, Lào, Myanmar…. Tập đoàn có hơn 1.800 nhân viên, trụ sở chính ở TP.HCM và 90 văn phòng, trung tâm phân phối, sở hữu hơn 300.000 m2 diện tích kho bãi, đội xe gồm 180 đầu kéo container và 250 ro mooc…

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, HĐQT Sotrans đề xuất chia cổ tức 7% cho năm 2022 nhưng bị cổ đông lớn phản đối. Ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn ITL, Chủ tịch HĐQT Sotrans, thời điểm đó, bày tỏ sau gần 2 năm đàm phán, công ty đã có cổ đông chiến lược là PSA – một nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới. Đi cùng với PSA, ban lãnh đạo Sotrans nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển về cảng biển, hoạt động logistics trong chuỗi dịch vụ cảng. Sotrans không chỉ muốn trở thành đơn vị có vị thế ngày càng quan trọng ở miền Nam mà còn mở rộng ra phía Bắc.

Quy mô của Sotrans ra sao?

Tính đến quý I, doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản 2.900 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình mẹ con với 8 công ty con và 6 công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, 3 đơn vị chủ lực gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans (SII), Tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam – Sowatco (mã: SWC), Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Vietranstimex (mã: VTX).

Sotrans Logistics tập trung phát triển mảng giao nhận vận chuyển quốc tế, nội địa và mở rộng hoạt động kinh doanh kho bãi. Vietranstimex tập trung mảng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng có các ngành công nghiệp như điện lực, dầu khí, hóa dầu, xi măng, giao thông… không chỉ trong nước mà vươn qua khu vực Đông Nam Á. Sowatco tập trung khai thác cảng và vận chuyển đường thủy tại Việt Nam, tìm cơ hội mở rộng ra khu vực phía Bắc.

Ngoài ra, Sotrans sở hữu 37% vốn Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (VICT) và 20,25% vốn Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (mã: PDN), thu hàng chục tỷ đồng cổ tức mỗi năm.

Về kết quả kinh doanh, tương tự như các đơn vị logistics khác, công ty con của Tập đoàn ITL có 2 năm thăng hoa 2021 – 2022 với doanh thu 2.600 – 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 250 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, doanh thu giảm 32% xuống 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 40% xuống 150 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành mục tiêu năm lần lượt 57% và 40%.

Ban giám đốc cho biết nguyên nhân không đạt kỳ vọng một phần do tình hình kinh tế không thuận lợi, một phần do kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A) trong năm 2023 chưa thực hiện được như phê duyệt.

Sotrans đặt mục tiêu kết quả kinh doanh hồi mạnh trong năm nay. Doanh thu tăng 53% lên 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 77% lên 267 tỷ đồng. Quý đầu năm, doanh thu công ty phục hồi lên 476 tỷ đồng, tăng 23,5%. Song, lợi nhuận sau thuế chỉ nhích nhẹ 7,8% lên 43 tỷ đồng.

Mỹ Hà-Link gốc

Bình luận (2)

Muốn đớp hết *** của cổ đông hay sao hả ông chủ tịch
18:55
Tuệ An chứ mẹ gì nữa mà ko đớp
11:21

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long