Hãy là người đầu tiên thích bài này
SCS: Ghi nhận sản lượng lập kỷ lục, lợi nhuận đột phá nhờ khủng hoảng Biển Đỏ

Gián đoạn kéo dài tại Biển Đỏ, dự kiến sẽ duy trì sự dịch chuyển từ vận chuyển đường biển sang đường hàng không, gián tiếp mang lại lợi ích cho SCS, theo đánh giá của SSI Research...

Hình ảnh do Trung tâm Truyền thông Houthi công bố cho thấy một máy bay trực thăng của lực lượng Houthi đang tiếp cận tàu ô tô Galaxy Leader ở Biển Đỏ vào 19-11 để bắt giữ tàu này và thủy thủ đoàn. Ảnh: AP/HMC.

Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhờ khủng hoảng gián đoạn tại Biển Đỏ.

Trong nửa đầu năm 2024, SCS đã ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 477 tỷ đồng tăng 42,6% và 381 tỷ đồng tăng 37,8% so với cùng kỳ, được thúc đẩy nhờ sản lượng hàng hóa phục hồi mạnh mẽ. 

Trong Q2/2024, SCS ghi nhận sản lượng hàng hóa quốc tế trong quý cao nhất kể từ năm 2021, vượt 50 nghìn tấn, tăng 60% so với cùng kỳ. Kết quả ấn tượng này đạt được nhờ 2 yếu tố chính: sản lượng mới từ hợp đồng với khách hàng lớn là Qatar Airways, chiếm 30% sản lượng quý, và nhu cầu phục hồi khi lợi thế cạnh tranh của vận chuyển hàng không tăng so với vận chuyển đường biển trong bối cảnh vận tải đường biển bị gián đoạn kết hợp với nhu cầu tích trữ hàng tồn kho trên toàn cầu tăng trở lại.

Chi phí vận chuyển hàng hải tăng đáng kể do cuộc khủng hoảng gián đoạn tại Biển Đỏ đã gián tiếp cải thiện lợi thế cạnh tranh của vận chuyển hàng không. Cụ thể, chi phí vận chuyển đường biển từ Việt Nam tính từ đầu năm đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng 60%, đến Bờ Đông Hoa Kỳ tăng 150%, đến Châu Âu tăng 250% (theo Bộ Công Thương), trong khi theo dữ liệu của Xeneta, giá cước vận chuyển hàng không trên toàn cầu chỉ tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng doanh nghiệp này, SSI Research cho biết, sản lượng tháng 7 tiếp tục khả quan với mức tăng 30% so với cùng kỳ. Nhìn chung, sản lượng trung bình hàng tháng trong năm 2024 không bao gồm sản lượng cung cấp cho Qatar Airways đã đạt mức 80% so với mức năm 2022, là thời điểm trước giai đoạn cắt giảm hàng tồn kho trên toàn cầu. 

Theo SSI Research, trong nửa cuối năm 2024, tăng trưởng sản lượng hàng hóa là động lực tăng trưởng chính, trong khi các khoản phí dịch vụ chính dự kiến duy trì ổn định. Công ty tự tin rằng sẽ vượt mục tiêu sản lượng quốc tế năm 2024 ít nhất 5%, đạt 200 nghìn tấn, tương ứng mức tăng khoảng 11% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2024.

Nguyên nhân chủ yếu là do gián đoạn kéo dài tại Biển Đỏ, dự kiến sẽ duy trì sự dịch chuyển từ vận chuyển đường biển sang đường hàng không, gián tiếp mang lại lợi ích cho SCS. Do đó, SSI điều chỉnh tăng nhẹ 4% ước tính với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 949 tỷ đồng tăng 34,6% và 760 tỷ đồng tăng 33,5% so với cùng kỳ trong năm 2024.

Trong năm 2025, tăng trưởng sản lượng dự kiến sẽ quay về mức tự nhiên, khoảng 10%, với giả định rằng căng thẳng tại Biển Đỏ sẽ hạ nhiệt và nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh mềm”. Theo đó, ước tính lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% so với cùng kỳ, đạt 833 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lưu ý rằng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ hạn chế khi ưu đãi giảm thuế 50% trên thu nhập chịu thuế sẽ hết hiệu lực vào năm 2025. Điều này giải thích vì sao lợi nhuận sau thuế có thể tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ, so với lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Trong dài hạn, khả năng mở rộng công suất tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành sẽ là động lực thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống kho bãi và xử lý hàng hóa đang được thực hiện nâng cấp theo tiến độ để phù hợp với tăng trưởng nhu cầu. Trong Q2/2024, SCS đã hoàn thành khoản đầu tư 2 triệu USD vào tài sản cố định.

Theo đó, công suất tại ga quốc tế và nội địa tại Tân Sơn Nhất lần lượt đạt 250 nghìn tấn và 65 nghìn tấn, cao hơn 6% so với đầu năm 2024. Trong khi đó, SCS đang vận hành khoảng 80% tổng công suất. Hiện tại vẫn chưa có cập nhật đáng kể nào về việc đấu thầu các dự án tiềm năng khác tại sân bay quốc tế Long Thành. SSI tin rằng triển vọng dự án này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi kết quả đấu thầu được công bố, dự kiến vào năm 2025, cũng là thời điểm điều chỉnh dự phóng phù hợp với kế quả đấu thầu.

Về thị giá cổ phiếu, SSI ước tính giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu SCS là 91.900 đồng/cổ phiếu, với tiềm năng tăng giá là 11%.  Về biến động giá, cổ phiếu SCS đã tăng 25% kể từ cuối tháng 1, sau khi công bố hợp đồng mới với Qatar Airways, và hiện đang tích lũy gần mức cao lịch sử từ tháng 5. Theo đó, SCS hiện đang giao dịch với mức P/E dự phóng là 12x, phù hợp với mức trung bình trong 5 năm.

Link gốc

Bình luận (1)

14:52

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long