Tổng tài sản của SCIC đạt 52.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2022.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2023 với doanh thu 7.143 tỷ đồng, giảm 30,1% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp này giảm 92% còn 116 tỷ đồng; doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia giảm 29,5% còn 5.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ lãi tiền gửi và đầu tư trái phiếu lại tăng 42,6% lên mức 1.633 tỷ đồng.
Do được hoàn nhập 489,2 tỷ đồng chi phí đầu tư và kinh doanh vốn, SCIC lãi gộp hơn 7.622 tỷ đồng, tăng gần 20%. Trong năm 2023, SCIC đã được hoàn nhập 816 tỷ đồng khoản tiền trích lập giảm giá đầu tư, qua đó chi phí hoạt động đầu tư kinh doanh vốn được hoàn nhập 489,2 tỷ đồng.
Nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm từ 3.378 tỷ đồng về còn 1.728 tỷ đồng, SCIC báo lãi trước thuế 5.650 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
SCIC hiện nay có 1 công ty con là công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (100%) và 5 công ty liên kết: CTCP Cảng quốc tế Lào – Việt (27%); CTCP Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (31,14%).
Một trong những công ty liên kết của SCIC - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) đã báo lỗ hơn hơn 5.900 tỷ đồng trong năm 2023, giảm một nửa so với khoản lỗ của năm 2022. Vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 17.000 tỷ đồng. Như vậy, SCIC ghi nhận khoản lỗ tại Vietnam Airlines là gần 1.730 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SCIC đạt 52.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2022. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 33.343 tỷ đồng, 10,4%. Trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn của tổng công ty tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 30.450 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản đầu tư vào cổ phiếu giảm hơn 1.000 tỷ đồng còn 2.945 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 6,3% lên 28.023 tỷ đồng. Trong đó đầu tư vào công ty con hơn 17.449 tỷ đồng, tăng 12 so với năm ngoái. Lợi nhuận chưa phân phối của SCIC âm gần 5.000 tỷ đồng trong khi đến cuối năm 2021 vẫn dương 1.344 tỷ đồng.
Hồi tháng 3 vừa qua, SCIC công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024 bao gồm 27 doanh nghiệp. Trong đó, một số cái tên đáng chú ý đang giao dịch trên sàn chứng khoán có thể kể đến như CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC), CTCP Sách Việt Nam (Savina – mã VNB), Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex – mã SEA),…
Domesco là một trong những cái tên "hot" ngành dược với vốn điều lệ 347 tỷ đồng, trong đó SCIC nắm 35%. "Gã khổng lồ" Abbott hiện đang nắm quyền chi phối gần 52% cổ phần của doanh nghiệp này sau thương vụ thâu tóm đình đám năm 2012. Vốn hóa thị trường của Domesco hiện vào khoảng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Seaprodex được thành lập từ năm 1978, từng là anh cả trong ngành thủy sản nước nhà trước khi có sự vươn lên của các công ty tư nhân. Tổng công ty hiện có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường gần 3.875 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính liên quan đến các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, cùng với một số mảng khác như thức ăn chăn nuôi, bất động sản...
Ngoài hoạt động cốt lõi, Seaprodex còn được nhắc đến như doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng với khu đất trụ sở chính nằm tại số 2-4-6 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM. Tổng công ty còn có chi phí xây dựng cơ bản dở dang là mua quyền sử dụng đất khách sạn Blue Sapphire Vũng Tàu, dự án số 2 Ngô Gia Tự Hà Nội...
Một cái tên đáng chú ý khác trong danh sách bán vốn của SCIC năm 2024 là Savina, công ty con của Vingroup (tỷ lệ sở hữu hơn 65% vốn). Doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 680 tỷ đồng, trong đó SCIC nắm 10%. Vốn hóa thị trường của Savina hiện vào khoảng 800 tỷ đồng. Hoạt động của Savina là kinh doanh sách, văn hóa phẩm và văn phòng cho thuê. Đáng chú ý, VNB là đơn vị đang thuê và quản lý 6 khu đất tại Hà Nội.
Trọng Hiếu