Hãy là người đầu tiên thích bài này
PHR: Không còn tiền đền bù thu hồi đất, lợi nhuận sụt giảm mạnh

Kết thúc Quý II/2024, lợi nhuận Công ty CP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) sụt giảm mạnh do không còn tiền đền bù từ thu hồi đất. Tuy nhiên nguồn thu này có thể trở lại trong tương lại khi mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Việc chấp thuận quy hoạch không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Bình Dương mà còn mở ra cơ hội lớn cho PHR.

Lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, đâu là điểm sáng cho cuối năm?

PHR gần đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Q2/2024 với doanh thu thuần tăng mạnh 145% so với cùng kỳ, đạt 272 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do hưởng lợi từ giá cao su tăng cao trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung thế giới. Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận gộp đạt hơn 57,5 tỷ đồng, tăng 21,9% so với Q2/2023.

Mặc dù giá cao su tăng, lợi nhuận sau thuế của PHR vẫn sụt giảm so với cùng kỳ do các nguồn thu khác sụt giảm, Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của PHR vẫn ghi nhận sự suy giảm so với cùng kỳ (giảm 44,6% so với Q2/2023, tương đương 57 tỷ đồng), do các nguồn thu khác suy giảm. Cụ thể, doanh thu tài chính chỉ đạt 34,9 tỷ đồng, giảm 42,5% do lãi tiền gửi ngân hàng giảm và chưa nhận được cổ tức từ NTC.

Thu nhập khác giảm 97,6% so với cùng kỳ do không còn ghi nhận khoản tiền đền bù đất từ dự án VSIP III (6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 200 tỷ chiếm 46% lợi nhuận trước thuế) và thu nhập từ thanh lý cây cao su.

Tính chung nửa đầu năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Cao su Phước Hòa lần lượt đạt 595 tỷ đồng (tăng 36,2% so với cùng kỳ) và 149 tỷ đồng (giảm 58,8% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chính khiến lãi ròng nửa đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ đến từ mức nền cao của cùng kỳ năm trước được đóng góp bởi khoản tiền đền bù đất 200 tỷ đồng (từ dự án VSIP III).

Theo Chứng khoán FPT, dự kiến mảng cao su hồi phục trong ngắn hạn và ổn định trong dài hạn sẽ giúp doanh thu năm nay của PHR tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế có thể không còn cao như năm trước đó do lợi nhuận khác dự kiến giảm 96% (không còn ghi nhận các khoản bồi thường).

Trong khi đó, mảng bất động sản khu công nghiệp được cho là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp sẽ đóng góp 50-70% lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2024-2028. Triển vọng mảng này chủ yếu nhờ diện tích hấp thụ đạt 90-110 ha/năm trong bối cảnh diện tích đất công nghiệp mở rộng từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, cụ thể: 362,5 ha từ KCN NTC3 và 674,45 ha từ KCN VSIP III. KCN Tân Lập 1 (201,6ha) dự kiến cho thuê từ năm 2025.

PHR sẽ có nguồn thu từ tiền đền bù khi thu hồi đất

Vào ngày 3/8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Theo quy hoạch này, vị trí và diện tích của các dự án như cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu xử lý chất thải rắn, khu nghĩa trang và cơ sở hỏa táng đã được quy định rõ ràng.

Phương án phát triển khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Nguồn: QĐ 790G/QĐ-TTg

Dựa trên phương án phát triển khu công nghiệp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, PHR sở hữu các khu công nghiệp (KCN) có thể được triển khai dự án đầu tư như: Tân Lập 1 (200 ha), Lai Hưng (600 ha), Bàu Bàng 4 (500 ha), Bắc Tân Uyên 1 (786 ha), Bắc Tân Uyên 2 (425 ha), Bắc Tân Uyên 3 (288 ha).

Phương án phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương, Nguồn: QĐ 790G/QĐ-TTg

Dựa trên phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021, 2030, tầm nhìn đến năm 2025, PHR sở hữu các cụm công nghiệp (CCN) có thể được triển khai dự án đầu tư gồm: CCN Tân Định 1 (68,5 ha), CCN Tân Định 2 (75 ha), CCN Tân Định 3 (75 ha), CCN Tân Định 4 (75 ha), CCN Bố Lá 1 (70 ha), CCN Bố Lá 2 (70 ha), CCN Bố Lá 3 (72 ha), CCN Bố Lá 4 (70 ha).

Về phương án phát triển khu xử lý chất thải tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu xử lý chất thải Tân Long và Khu xử lý chất thải Bình Mỹ có quy mô dự kiến lần lượt là 400 ha và 150 ha. Cả 2 đều là các dự án trên đất của PHR.

Ngoài ra, Công viên nghĩa trang Bình Mỹ và Nghĩa Trang Tân Long nằm trong phương án quy hoạch nghĩa trang, cơ sở hỏa táng Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là các dự án trên đất của PHR. Quy mô dự kiến đến năm 2030 của 2 dự án trên đều là 100 ha và dự kiến đến năm 2050 lớn hơn thế.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, trong kế hoạch chuyển đổi 4.575 ha cao su của PHR đến năm 2030, dự án KCN Tân Lập 1 (PHR sở hữu 51%), KCN Lai Hưng (600ha), Khu xử lý chất thải rắn Tân Long (400 ha) là những dự án tiếp theo có khả năng đủ điều kiện để xin chủ trương đầu tư. Qua đó, PHR có thể nhận được tiền đền bù khi ba dự án này được thu hồi để phát triển dự án.

Nguyễn Phương-Link gốc

Bình luận (2)

PHR ngắn hạn hiện đang lấy lại xu hướng tăng. Robot cơ sở của team báo mua PHR giá 55.5 ( phiên nay ngày 16/08/2024 ), cổ phiếu hiện đã đạt mức sinh lời 4% so với giá khuyến nghị. Mục tiêu tiếp theo c...Thêm
23:35
khi nào mới chia cổ tức vậy mọi người
00:06

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long